Trăm năm mạch văn nghệ làng Dục Tú

Miền Dục Tú của phủ Từ Sơn, miền Kinh Bắc xưa, nay đã thuộc địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội. Huyền tích làng quê trải dài theo hai con sông là Hoàng Giang và Cổ Giang, nằm giáp thành Cổ Loa vẫn phảng phất trong dáng vẻ yên bình, mộc mạc. Qua bao thăng trầm, đất và người vẫn gắn với cái tên Kẻ Dộc. Người Kẻ Dộc say sưa kể về truyền thuyết khi xây thành Cổ Loa, ngoài mộ phu xây đắp, An Dương Vương còn chập chờn trong giấc mộng được các nàng tiên về giúp. Vết dấu lưu lại trần thế là mấy gò đất bên bờ sông Cổ Giang…
0:00 / 0:00
0:00
Một tác phẩm của họa sĩ Tùng Ngọc.
Một tác phẩm của họa sĩ Tùng Ngọc.

“Thấy có một sự gì êm dịu…”

Theo lời các bô lão, làng Dục Tú xưa có đủ ba miền: Thượng, trung, hạ với “nhiều ruộng mùa mà ít ruộng chiêm”. Làng có ba xóm: Hậu, Tiền và Phủ. Trong làng, họ Chu nổi tiếng về văn học, ông Chu Nguyên Mại (hay Chu Doãn Lệ) đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng (năm 1778). Sau khi nhà Lê mất, ông về quê ẩn dật rồi qua đời. Con ông là Chu Doãn Trí cũng là người có tài văn học, nhưng không đi thi, ở ẩn tại quê nhà, để lại tập thơ “Tạ Hiên thi tập”. Thời Nguyễn, làng Dục Tú có năm người đỗ Hương cống, Cử nhân, truyền thống khoa bảng vẫn được phát huy tới tận ngày nay. Nhắc đến Dục Tú, không thể không nói tới mạch nguồn văn nghệ sĩ.

Dục Tú là quê hương của nhà văn-nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) và con gái ông cũng được đặt theo tên quê hương. Theo tư liệu gia đình, ông đặt tên con trong những ngày hai vợ chồng theo cơ quan văn nghệ đi kháng chiến miền rừng núi Tuyên Quang. Hiện nay, ngôi nhà lưu niệm của gia đình cố nhà văn đã được trùng tu lại, nhắc nhớ cho hậu thế về những dấu ấn lịch sử quan trọng. Nơi đây, trong các ngày từ 16 đến 19/7/1945, nhóm Văn hóa Cứu quốc đã về làm số tạp chí Tiên phong đầu tiên. Để chuẩn bị cho số báo ấy, Nguyễn Huy Tưởng đưa các đồng chí của mình là Khuất Duy Tiến, Trần Ngọc Hương, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Nguyễn Hữu Đang… về quê họp bàn, biên tập bài vở. Ngôi nhà năm gian còn giữ nguyên được hình hài là chứng nhân cho sự lan tỏa của những truyện ngắn, bài thơ, tiểu luận có nội dung tiến bộ mà các văn nghệ sĩ trí thức đã tự viết hoặc tập hợp để đưa tới bạn đọc...

Với nhà văn-nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng, Dục Tú không chỉ đơn thuần là ký ức bình yên, mà còn gắn với những quan điểm, sự đấu tranh cần thiết, rõ ràng. Năm 1943, khi ông làm công chức sở Đoan (sở thuế quan) Hà Nội, ở quê xảy ra sự việc viên tri phủ Từ Sơn không cấp sợi cho dân làng dệt vải, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của bà con. Ông đã về quê, làm đơn để thay bà con nói lên tiếng nói của mình. Không lâu sau đó, nhà chức trách tìm hiểu và giải quyết thấu đáo, dân làng mới có sợi để dệt. Nguyễn Huy Tưởng coi đó là kết quả đầu tiên trong việc biết trông vào thực tế của mình.

Sinh thời, Nguyễn Huy Tưởng thường mời bạn viết về quê chơi. Trong hồi ký của các nhà văn, nhà thơ Tô Hoài, Hoàng Trung Thông... đều về những ngày, những buổi thong dong từ Dục Tú sang thăm Cổ Loa. Người con tài hoa của đất Dục Tú muốn bằng hữu thấy được bên trong làng xóm, đồng bằng hôm nay, nơi này xưa kia đã nguy nga những thành quách có một không hai ở phương nam với bao cuộc đấu tranh của Vua Hùng, của Vua Thục, của Triệu Đà... Làm sao phải thấy được cả vùng những Phong Khê và Kinh Bắc xa xưa. Cả những dự định mang cái vốn tích lũy về vùng đất Phong Khê lịch sử ấy để viết nên những áng văn xuôi, thơ cho thiếu nhi, chuyện kể An Dương Vương xây thành… Ký ức đẹp ấy còn đọng trong các trang viết của nhà văn Tô Hoài.

Sau này, trong các tùy bút viết nhân những ngày về thăm quê sau cách mạng thành công, ông khiến bạn đọc thật cảm động: “Một con khách đậu trên đỉnh một cây tháp đá xanh dựng ở đầu đường, nhàn hạ vỗ cánh bay. Một chú trâu già, đậu trên một đỉnh gò cao, cắp ngang đôi sừng đồ sộ, nhìn người lạ bằng đôi mắt chứa chan những mộng hiền lành. Ôi chim muông, đồng ruộng, người và vật và làng xóm thân yêu, ta lại về đây! Tuổi ta đã đứng, tính tình ta đã khác, nhưng ta vẫn còn nguyên vẹn lòng hồn nhiên của kẻ quê mùa!”; “Mộ mẹ tôi hôm nay không lạnh lẽo, trái lại, đầy một hơi ấm mà người có thừa những ngày còn sống. Tôi thấy có một sự gì êm dịu. Không để ý đến tiếng sột soạt của lưỡi liềm cắt lúa, tôi hình dung người mẹ đảm đang khi xưa, ngược xuôi buôn bán, vào sinh ra tử và làm lụng mãi cho đến giờ hấp hối...”.

Tiếp nối mạch nguồn

NSND Quốc Hưng cũng sinh ra ở làng chèo cổ Dục Tú và xuất phát điểm là một diễn viên chèo. Nhắc nhớ về chặng đường đầu tiên, về những bước chân chập chững chinh phục nghệ thuật truyền thống, ông ôn lại nhiều kỷ niệm, nhưng sâu đậm hơn cả là những tháng ngày không quản nắng mưa hay đêm đông gió rét vẫn đạp xe từ làng tới tận Nhà hát Chèo Hà Nội (phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng) để học nghề biểu diễn. Trong một lần tìm đến lớp học thanh nhạc của NSND Quý Dương mở tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, với mong muốn tiếp thu lối hát hiện đại để hát chèo hay hơn, Quốc Hưng đã hát thử một bài theo yêu cầu và nghệ sĩ Quý Dương bất ngờ thốt lên: “Một giọng ca vàng, một giọng bass quý giá quá!”. Ngay lập tức, ông nhận học trò và còn viết thư giới thiệu cho Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Quốc Hưng tỏa sáng trong buổi thử giọng vào khoa, khi chỉ mới cất lên tiếng hát. Theo thời gian, cùng với sự rèn giũa chuẩn mực và nhiệt huyết, Quốc Hưng dần bước lên đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc. Anh không chỉ là nghệ sĩ xuất sắc, được giới nghệ thuật trân trọng và đánh giá cao mà còn trở thành người thầy đào tạo được nhiều thế hệ trò giỏi.

Thong dong dạo quanh Dục Tú, gặp ngôi nhà sàn của họa sĩ Tùng Ngọc. Con đường mới chia mảnh đất làm đôi, bên kia là không gian sinh hoạt của cả gia đình và bên này là một góc họa sĩ dành cho đam mê sưu tập và sáng tạo. Hằng ngày vợ ông vẫn tần tảo mắm muối dưa cà, ông miệt mài với gốm, với tranh. Trong những cuộc chuyện trò, ánh mắt họa sĩ lấp lánh tự hào về miền đất truyền thống. Điều quý giá chính ở sự tiếp nối không ngừng. Quê hương ông được biết đến như cái nôi của những tên tuổi nghệ sĩ trong các đoàn nghệ thuật, văn công và giới nghiên cứu, sáng tạo. Họa sĩ Tùng Ngọc xúc động nhắc tới cố họa sĩ Chu Tiến Diệp (thế hệ chống Pháp) - người đã dạy ông vẽ từ nhỏ. Sau này là các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu: Quang Hiệp, Thái Lai, Đào Dục Tú, họa sĩ Nguyễn Thu Yên… và nhiều gương mặt trẻ miệt mài với sơn mài, nghiên cứu mỹ thuật, đưa tinh hoa Dục Tú thêm lan tỏa: Chu Tiến Thăng, Phương Liên, Đào Mai Trang…

Trong sự nghiệp hội họa có phần nhẩn nha, lặng lẽ của Tùng Ngọc, nhiều người ấn tượng với bức tranh “Sang sông” ông sáng tác năm 2004. Đó là tác phẩm chất chứa ký ức của đứa trẻ nông thôn đi chăn trâu thuở còn để chỏm, sông cách trở, không có cầu, sáng chiều trẻ làng đều cưỡi trâu từ bờ bên này sang bên kia. Tác phẩm là cái nhìn về ký ức, cũng tạo nét đối lập: Người lớn sang sông trên lưng trâu, trẻ con sang sông bằng cánh diều. Ngắm tranh là biết Tùng Ngọc thổn thức, yêu quê hương nhường nào. Ông tỉ mỉ quan sát từ những chi tiết gần gũi với mình nhất như cây khoai cây ráy, khóm chuối, chuồn chuồn. “Ở quê mà vẫn nhớ quê”, họa sĩ buông lời tha thiết. Ông có phần tiếc nuối bởi quê hương đã phần nào đổi thay về cảnh quan, lối sống. Vẫn biết mọi nơi đều thế và đó là quy luật, nhưng vẫn cứ nuối tiếc, dùng dằng.

Người Dục Tú luôn nhắc nhớ, Nguyễn Huy Tưởng từng viết rất hay về những người dệt vải ở làng, ông còn có ý định dựng một cuốn tiểu thuyết “Những người dệt vải”. Theo tư liệu từ gia đình, nhật ký ngày 7/5/1945 của ông ghi: “Bắt đầu viết “Những người dệt vải”. Hai giờ đêm còn cắm đầu trên giấy trắng”. Sau đó, ông lên chiến khu dự Quốc dân đại hội Tân Trào và bản thảo bị thất lạc. Ký ức làm nên một phần đời sống tinh thần của Dục Tú, để từ đó có sự giữ gìn, tiếp nối tới tương lai.

Ngay từ những trang viết đầu đời, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã đau đáu về làng: “Nó có cái mãnh lực kéo tôi về tận chỗ mạnh nhất của nó, là cái chỗ mà chúng tôi thấy nắng thì ẩn, thấy mưa thì núp, là cái chỗ tối đến chúng tôi cùng nhau lăn lóc ngủ say, bên cạnh sẽ có thầy mẹ tôi săn sóc suốt đêm, rét thì đắp chăn cho, nực thì quạt mát cho, có muỗi thì buông màn, giật mình thì ôm ấp. Chỗ đó, chẳng phải là cái nhà gianh vách đất, ở ngay giữa cái làng Dục Tú quý báu kia ư?... Nó không có tôi thì nó là vật không hồn, tôi không có nó thì tôi như con chim không tổ, con thú không hang”.