Những nhân vật bước ra từ trang văn
Xuất bản từ năm 1990, nhưng sau hơn 30 năm, sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” (tên ban đầu là “Thân phận của tình yêu”) của nhà văn Bảo Ninh vẫn chưa giảm sút. Không chỉ chinh phục độc giả trong nước, cuốn sách được dịch và xuất bản tại nhiều nước, đồng thời gặt hái nhiều giải thưởng văn học uy tín của thế giới. “Trái tim người Hà Nội” có thể được coi là tác phẩm sân khấu đầu tiên đưa các nhân vật văn học của “Nỗi buồn chiến tranh” bước ra khỏi trang sách, hóa thân sống động trong một không gian nghệ thuật mới.
Tuy nhiên tác giả kịch bản Phùng Nguyễn cũng thận trọng giới thiệu vở diễn được “cảm tác” theo tiểu thuyết. Đây là cách xử lý tinh tế và sáng tạo bởi với một tác phẩm sân khấu kéo dài hơn hai giờ đồng hồ sẽ khó thể hiện được đầy đủ nội dung của cuốn tiểu thuyết dày dặn. Tác giả Phùng Nguyễn đã khéo léo chọn ra một lát cắt là câu chuyện tình yêu của Kiên (diễn viên Tiến Lộc) và Phương (diễn viên Thùy Dương), để rồi từ đây tái hiện lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những chàng trai cô gái Hà Nội vừa bước vào tuổi 17-18 với đầy hoài bão, ước mơ đã không chút phân vân, dũng cảm bước vào cuộc chiến, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Hai diễn viên Tiến Lộc và Thùy Dương cũng như dàn diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội như Chí Nhân, Mạnh Hưng, Trần Thanh, Trương Hoàng, Xuân Tùng, Hồng Liên, Huyền Thạch… đã nhập vai có chiều sâu, phối hợp diễn xuất ăn ý, khắc họa sắc nét tính cách các nhân vật, giúp khán giả hiểu hơn về cuộc sống của một thế hệ thanh niên thủ đô trong những năm tháng chiến tranh.
Đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh chia sẻ: “Vở kịch không chỉ dừng lại ở việc lên án chiến tranh và mong muốn hòa bình mà nó còn đặt ra câu hỏi về sự đấu tranh. Chiến tranh còn là những vấn đề con người đang phải đối mặt ngay trong cuộc sống đời thường. Khi ấy, khát vọng vươn lên sẽ là kim chỉ nam cho mỗi người tìm thấy hạnh phúc của riêng mình”.
Sự thăng hoa của âm nhạc
Với thế mạnh về âm nhạc, đạo diễn Phùng Tiến Minh cũng đồng thời là người dàn dựng toàn bộ âm nhạc của vở diễn. Ngay khi tấm màn nhung kéo ra, khán giả đã bị lôi cuốn bởi âm nhạc du dương, dìu dặt nâng bước cho bài thơ “Hà nội - phố” của nhà thơ Phan Vũ vang lên, đóng vai trò như lời dẫn chuyện. Điều đáng nói, Hà Nội với nồng nàn mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, với “tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya” được gợi về trong bối cảnh hoang tàn của chiến tranh, thật sự gây ám ảnh với người xem. Những hố bom sâu hoắm, những cột điện ngả nghiêng, những tường nhà đổ nát… giữa không khí chết chóc của cuộc chiến, nhưng những thanh niên Hà Nội vẫn chưa khi nào thôi lãng mạn, thôi mộng mơ và khát khao. Có lẽ chính bởi vậy, họ đã vượt qua được những thử thách của chiến tranh, vì vẫn còn đó một Hà Nội mong ngóng họ ngày trở về.
Âm nhạc đóng vai trò như một nhân vật đặc biệt trong suốt vở diễn, giúp người xem không chỉ hồi tưởng về một Hà Nội trong nỗi nhớ da diết, khắc khoải, mà còn giúp tái hiện một không khí chiến tranh nghẹt thở, với những nỗi đau đớn, dằn vặt của những người lính trẻ trước mất mát, hy sinh của đồng đội. Cùng với âm nhạc, vở diễn còn có sự đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng về âm thanh, ánh sáng, tiếng động kết hợp với nghệ thuật sắp đặt… tạo nên một chỉnh thể chặt chẽ, ấn tượng, lôi cuốn người xem.
Trước khi ra mắt khán giả, vở kịch “Trái tim người Hà Nội” dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc nhà hát, đã tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm lần thứ V (11/2022) và đã gặt hái nhiều giải thưởng có giá trị: giải “Nhạc sĩ xuất sắc” cho NSƯT Phùng Tiến Minh, hai huy chương vàng giành cho hai diễn viên chính là Tiến Lộc và Thùy Dương. Trong hai buổi công diễn vào ngày 9 và 10/12, vở diễn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Những tràng vỗ tay tán thưởng vang lên sau một phân đoạn, đặc biệt khi vở diễn kết thúc, nhiều khán giả vẫn còn nán lại thật lâu với các nghệ sĩ để bày tỏ niềm xúc động. Khán giả Quỳnh Mai chia sẻ: “Xem xong vở diễn nhưng vẫn rưng rưng xúc động. Một tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng chỉn chu từ âm thanh, âm nhạc tuyệt vời, và đặc biệt là phần thể hiện của các diễn viên đầy tâm huyết đã chạm tới trái tim khán giả. Cảm ơn Nhà hát Kịch Hà Nội đã mang đến một không gian giàu chất nghệ thuật, giàu chất nhân văn và muôn vàn những cảm xúc lắng đọng!”. Đây chính là phần thưởng đáng giá cho những nỗ lực của các nghệ sĩ cũng như ê-kíp sáng tạo vở kịch “Trái tim người Hà Nội” .