Thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Nền kinh tế đã dần lấy lại đà tăng trưởng nhưng còn chậm, khó khăn thách thức vẫn đang tạo áp lực lên điều hành vĩ mô trong quý cuối năm. Chọn kịch bản tăng trưởng GDP khả quan (6%), Chính phủ vừa phát đi thông điệp quyết tâm về đích kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2023 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2023 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Kinh tế phục hồi tích cực nhưng chưa đạt kỳ vọng

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào sáng 30/9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, mặc dù tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; nhưng kinh tế chín tháng đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước.

Dẫn số liệu Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý III và chín tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9, Bộ trưởng cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước; đã cải thiện so với tăng trưởng GDP quý I là 3,28%, quý II là 4,05% và giúp GDP chín tháng đầu năm nhích lên mức 4,24%.

Chín tháng đầu năm nay, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ khi tăng 3,43% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực dịch vụ là điểm sáng với mức tăng 6,32%; trong đó bán buôn và bán lẻ tăng 8,04%; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%; tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 8,9 triệu lượt người, vượt mục tiêu cả năm là 8 triệu lượt người…

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 9 lần lượt tăng 3,6%, 4,6% và 2,6% so với cùng kỳ năm trước; chín tháng ước xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 6,9 tỷ USD).

Đáng chú ý, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện, quý III tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,7%, quý II tăng 5,5%). Tổng vốn FDI đăng ký chín tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ (trong đó FDI đăng ký mới tăng 43,6%; FDI thực hiện tăng 2,2%). Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch; so với chín tháng đầu năm 2022 thì cao hơn về cả tỷ lệ (cùng kỳ đạt 46,7%) và số tuyệt đối (vượt khoảng 110.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân chín tháng tăng 3,16% (nằm trong ngưỡng cho phép); thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát theo chỉ tiêu của Quốc hội.

Bình luận về kết quả này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý”.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/9, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, kết quả GDP quý III tăng 5,33% là vượt mong đợi, trong bối cảnh rất khó khăn.

“Mặc dù chưa đạt mức tăng trưởng vượt bậc, nhưng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước cũng là điều đáng mừng”, ông Phương nói và nhấn mạnh, so sánh với quốc tế và khu vực thì tăng trưởng của Việt Nam là cao; cụ thể GDP của Việt Nam đang cao hơn Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ…

Đặc biệt, theo Thứ trưởng, chưa bao giờ giải ngân đầu tư công chín tháng đầu năm vượt quá 50% (năm ngoái là 46,7%), nhưng năm nay đã đạt mức 51,38%. Đó là chưa kể, năm 2023 là một năm đặc biệt, giá trị tuyệt đối của đầu tư công cực lớn, riêng chín tháng đầu năm nay đạt khoảng 363.310 tỷ đồng, vượt 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng ảnh 1

Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch. Ảnh: SONG ANH

Áp lực lớn trong điều hành chính sách cuối năm

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau cuộc họp sáng 30/9 đều cho thấy, khó khăn thách thức trong thời gian tới vẫn còn rất lớn, đặt áp lực lên điều hành vĩ mô.

Cụ thể, tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu đề ra. Mức tăng chín tháng đầu năm 4,24%; chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của chín tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023; trong khi đó, kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là phải đạt tăng trưởng GDP cả năm 2023 khoảng 6,5%.

Sản xuất công nghiệp tuy phục hồi nhưng còn chậm, giá trị tăng thêm chín tháng chỉ đạt 1,65%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 10,2%. Khu vực ngoài nhà nước tăng thấp, quý III tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung chín tháng tăng 2,3%.

Một số chỉ tiêu khác cũng phản ánh sự khó khăn trong chín tháng đầu năm như: xuất khẩu giảm 8,2%, nhập khẩu giảm 13,8%, nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 13,9% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm…

Chín tháng đầu năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; nhưng có tới 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%. Riêng tháng 9/2023 có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 40,5% so với tháng 9/2022.

Tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Dư nợ tín dụng đến ngày 21/9 chỉ tăng 5,91% (cùng kỳ tăng 10,83%); khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến 15/9 vẫn giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước…

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thu ngân sách tháng 9/2023 đạt 89.600 tỷ đồng; chỉ bằng 60% mức thu bình quân của tám tháng đầu năm, cho thấy năng lực của nền kinh tế đang rất khó khăn. Lũy kế chín tháng đầu năm, ngân sách thu được 1.223.800 tỷ đồng; chỉ đạt 75,5% dự toán; giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.

“Trong đó thu nội địa giảm 3,2%; thu từ xuất nhập khẩu giảm 36,3%. Đáng lưu ý, cho đến nay có 52 địa phương có mức thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm ngoái”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các chỉ tiêu này phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đặt ra thách thức trong việc thúc đẩy sản lượng, gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh hơn trong trung và dài hạn.

Tại kịch bản tăng trưởng năm 2023 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, cơ quan này đưa ra ba phương án tăng GDP lần lượt là 5%; 5,5% và 6% (đều thấp hơn kế hoạch Nghị quyết Trung ương 1 giao là khoảng 6,5%); tương ứng với GDP quý IV/2023 phải đạt là 7%; 8,8% và 10,6%. So sánh với mức tăng GDP năm 2022 là 8,02% và quý IV/2022 là 5,92% thì có thể thấy rằng nhiệm vụ trong quý cuối năm là hết sức nặng nề.

Thúc đẩy mạnh các động lực để đạt kịch bản tăng trưởng cao nhất

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 30/9, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6%. Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị thực hiện tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, thể hiện quan điểm điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt ở mức cao nhất.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; tăng tốc phát triển công nghiệp, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 và tiến tới hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Để đạt được mục tiêu rất cao nói trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải tìm mọi cách tăng tổng cầu của nền kinh tế vì đây là biện pháp quan trọng nhất. Muốn vậy, ông Phớc đề nghị phải khơi thông được những nguồn lực tiềm năng nhưng chưa phát huy được hết, đó là đầu tư công, là tiêu dùng trong nước.

Đầu tư công phải “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư, nhất là bất động sản và dự án đầu tư công; khơi thông nguồn lực từ tín dụng ngân hàng đang bị ứ đọng… là những giải pháp mà lãnh đạo ngành tài chính đề nghị.

Ở một góc tiếp cận khác, theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam có thể chỉ đạt 5 - 5,5% và trung bình khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2021-2025 nếu như không có những giải pháp bứt tốc và những động lực tăng trưởng mới.

Vị chuyên gia cho rằng, ba động lực tăng trưởng cũ của Việt Nam (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) đều chưa đạt kỳ vọng, có động lực đang giảm tốc về cả phía cung và phía cầu. Cụ thể, đầu tư và tiêu dùng đang rất thấp, chưa bao giờ hai lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng trưởng dưới 2% như hiện nay. “Đầu tư công vừa qua làm rất tốt, nhưng đầu tư tư nhân FDI thấp chỉ 1,7 - 2% so với mức 8 - 12% trước đây, cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tư nhân”, ông Lực nói.

Từ đó, ông đề nghị bên cạnh việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu thì cần tìm kiếm các động lực mới như: kinh tế số, nâng cao năng suất lao động đi kèm với gia tăng chất lượng hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, thúc đẩy kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu…

“Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025 và năm 2030”, ông Lực nhấn mạnh.