Thuận lợi và khó khăn trong các nhiệm kỳ Chủ tịch EU

Cộng hòa Czech vừa kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) và chuyển giao cho Thụy Điển. Dù tiếp quản công việc được đánh giá là thuận lợi từ Praha, nhưng Stockholm vẫn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức trong nhiệm kỳ này.
0:00 / 0:00
0:00
Sự kiện Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) lần đầu tiến hành hội nghị cấp cao ở Praha. Ảnh: LE MONDE
Sự kiện Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) lần đầu tiến hành hội nghị cấp cao ở Praha. Ảnh: LE MONDE

Nhiệm kỳ thành công của Czech

Thủ tướng CH Czech Petr Fiala đưa ra đánh giá về những thành công của nước này trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Người đứng đầu Chính phủ Czech nhấn mạnh, Praha đã làm tốt vai trò của mình, góp phần thúc đẩy EU đạt một số thỏa thuận vốn được coi là khó dàn xếp, qua đó khẳng định vị thế đối tác đáng tin cậy và thành viên quan trọng trong liên minh của quốc gia Trung Âu này. Theo ông, nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Czech bị ảnh hưởng đáng kể từ cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng. Đây cũng chính là hai trong số năm ưu tiên mà Chính phủ Czech công bố khi bắt đầu đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU.

Điểm lại những dấu mốc và thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ sáu tháng qua, Thủ tướng Petr Fiala nhấn mạnh tới sự kiện Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) lần đầu tiến hành hội nghị cấp cao ở Praha với sự tham dự của hơn 40 lãnh đạo các quốc gia châu Âu. Dưới sự chủ trì của Czech, các nước EU đã đạt thỏa thuận về giảm mức tiêu thụ điện, đánh thuế lợi nhuận bất thường các nhà sản xuất điện và cung cấp nhiên liệu hóa thạch; nhất trí về cơ chế điều chỉnh giá khí đốt trong trường hợp biến động đột ngột. Czech cũng góp phần để cơ quan điều hành EU đạt được thỏa thuận với Nghị viện châu Âu (EP) về việc hạn chế bán ô-tô mới sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035, cải cách thị trường tín chỉ phát thải.

Theo thông tin chính thức từ Chính phủ Czech, nước này đã chi 2,3 tỷ CZK (hơn 100 triệu USD) cho công tác tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU với 14 sự kiện cấp cao, bao gồm các hội nghị bộ trưởng không chính thức, Hội nghị cấp cao EU và Hội nghị cấp cao EPC; hơn 300 sự kiện được tổ chức tại Czech; hơn 1.600 cuộc họp chính thức tại Brussels. Ngoài ra, Czech đã triệu tập sáu hội nghị bất thường cấp bộ trưởng, trong đó có năm hội nghị về vấn đề năng lượng và một hội nghị về tư pháp và nội vụ.

Một châu Âu xanh hơn

Thụy Điển đưa ra chương trình nghị sự đầy tham vọng trong nhiệm kỳ sáu tháng đầu năm tập trung vào “Một châu Âu xanh hơn, an toàn hơn và tự do hơn”, cùng với bốn ưu tiên: An ninh-đoàn kết; phục hồi-cạnh tranh; thịnh vượng-chuyển đổi xanh và năng lượng; các giá trị dân chủ và pháp quyền. Trong nhiệm kỳ này, Thụy Điển tiếp tục triển khai sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” được các nhà lãnh đạo Brussels công bố cuối năm 2021 nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới. Đây cũng là một bước đi quan trọng của EU giúp tăng cường kết nối, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19, hỗ trợ các đối tác cùng phát triển bền vững.

Thụy Điển coi sự đoàn kết và sẵn sàng hành động là chìa khóa cho an ninh, khả năng phục hồi và thịnh vượng của EU. Trong bối cảnh tình hình châu Âu ngày một phức tạp, vấn đề an ninh, quốc phòng càng trở nên quan trọng. Thụy Điển hoan nghênh những nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ và hành động của châu Âu, đặc biệt là việc triển khai định hướng “La bàn chiến lược” về an ninh, quốc phòng, một dự án quân sự tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển của chính sách an ninh và quốc phòng EU những năm tới.

Thụy Điển cho rằng, một châu Âu mạnh về kinh tế và cạnh tranh là rất quan trọng đối với vị thế toàn cầu của EU. Thụy Điển sẽ tiếp tục đàm phán về các hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng với các nước thứ ba để tăng cường khả năng cạnh tranh của EU. Thụy Điển cũng nhận định một chương trình nghị sự thương mại hiện đại và hướng tới tương lai của EU phải bao gồm cả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững.

Giới phân tích cho rằng, bên cạnh những khó khăn trong nước, mâu thuẫn của EU cũng là thách thức không nhỏ khi 27 quốc gia thành viên vẫn đang tranh cãi về vấn đề người di cư, tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh, trong đó có quan điểm về khí đốt và năng lượng hạt nhân.