Từ “báu vật lộc vừng”
Thầy giáo Võ Tá Bảo (sinh năm 1990) và cô giáo Lê Thị Hiệu (sinh năm 1991), cùng quê Thừa Thiên Huế, đã chọn Đà Nẵng làm nơi sinh sống và gắn bó, lập nghiệp. Vốn là những giáo viên trẻ và đầy sáng tạo, Bảo và Hiệu đã tạo cho cuộc sống của gia đình nhỏ một “chất xúc tác” mạnh mẽ từ đam mê cây cảnh, sống hòa mình với thiên nhiên. Từ niềm đam mê chăm sóc cây cảnh, hai vợ chồng đã không ngừng uốn nắn, tạo dáng cho vườn cây cảnh. Họ lặng thầm gửi gắm tình cảm, tâm sức vào từng dáng cây, tán lá. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ đã kết nối được bản thân với vườn cây và học trò.
Niềm đam mê chơi cây cảnh bắt đầu từ những năm Bảo là cậu học trò cấp hai. Một buổi chiều sau khi đi đá bóng cùng nhóm bạn trong lớp về, Bảo “nhặt” được một cây lộc vừng ở khu vực ven sông gần nhà. “Em đặc biệt ấn tượng bởi gốc cây nhỏ đó, nghĩ là mình sẽ mang cây về nhà”. Bảo không ngờ niềm đam mê từ lúc đó, đã nhân lên bội phần khi giờ đây, mơ ước bấy lâu có được một vườn cây nhỏ vừa chăm sóc, vừa bán để kiếm thêm thu nhập. Trong vườn cây gì Bảo cũng bán, chỉ riêng cây hoa lộc vừng đó, di chuyển đến nơi nào Bảo cũng luôn mang theo, như một báu vật.
Từ việc “mượn” một góc sân Trường tiểu học Ông Ích Khiêm để trưng bày và chăm cây, đến việc tìm thuê một mảnh đất trống để gầy dựng nên khu vườn bonsai độc đáo này, vợ chồng thầy giáo Bảo đã mất rất nhiều thời gian. Sau dịch Covid-19, vườn cây mini với tên gọi “Giáo” đã được hình thành như một góc chưng cất thời gian, tâm huyết và đam mê.
Bảo nói rằng đam mê thì bất tận nhưng phải dựa vào điều kiện kinh tế của gia đình để nuôi dưỡng niềm đam mê đó. Thí dụ một cây mini, tính từ khi làm phôi đến ra thành phẩm phải mất từ 4-5 năm. Nếu tính lãi thì đa phần “lấy công làm lãi”. Trong vườn vợ chồng Bảo vừa bán cây mai tứ quý với giá 30 triệu đồng, giờ còn lại một số cây giá từ 15 đến 20 triệu, còn lại giá dưới 10 triệu đồng.
Chơi cây cảnh là một nghệ thuật và niềm đam mê cháy bỏng sẽ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thật đẹp, mang lại nhiều giá trị. Mỗi cây mang lại lá xanh, hoa đẹp với một sức vóc riêng không trộn lẫn, đó là minh chứng cho niềm đam mê của người chăm sóc, uốn nắn cây, và cây đã hình thành nên một phần cốt cách làm người, tạo nên triết lý sống. Với thầy giáo Bảo, đó là cả một trời ước mơ, khát vọng và tận tâm của một người thầy.
Triết lý giữa trồng cây với trồng người
Chiêm nghiệm ra những lẽ sống đặc biệt khi gắn kết đam mê với cây, Bảo nhận ra triết lý đặc biệt giữa trồng cây và trồng người. Bảo đúc kết: Nếu trồng cây muốn cây đẹp thì mình phải uốn nắn, vào thế từ khi cây còn nhỏ mới chăm sóc và tạo thành một cái cây như ý của mình. Thì dạy một đứa học trò cũng vậy. Mình muốn đứa học trò ngoan, tốt, thì mình phải uốn nắn, chăm sóc. Thứ hai là làm một cái cây, mỗi cây mình tạo một thế cây khác nhau, cũng giống như học trò mình căn cứ vào đặc điểm của từng em để mình dạy bằng các phương pháp khác nhau. Chứ không phải học trò nào mình cũng dạy chung một phương pháp, mà mình phải linh hoạt trong cách dạy để các em tiếp thu hiệu quả nhất.
Cây cũng vậy, không phải 10 cây làm một dáng mà căn cứ đặc điểm tự nhiên của cây để làm nên một dáng thích hợp nhất, xem đó là thích hợp nhất. “Tinh túy hơn là người chơi phải hiểu và nắm rõ thuộc tính của các loại cây để từ đó có lối chăm sóc cũng như uốn nắn cây kiểng hợp lý theo các dáng kiểng mình yêu thích. Chơi cây, bắt buộc người chơi phải bình tĩnh, giống như uốn cái cây, bắt buộc người chơi phải kiên nhẫn theo thời gian. Một cái cây, không phải dáng hình ban đầu đã đẹp, ban đầu cao, sau thời gian em chiêm nghiệm và tạo dáng cho cây sao cho phù hợp và đẹp nhất, dáng bay. Một đứa học trò cũng thế, ngay từ cấp tiểu học, thầy giáo phải là người mẫn cán và có tâm, mới có thể có được những học trò ngoan”, Bảo tâm sự.
Cô giáo Lê Thị Hiệu, vợ Bảo, chia sẻ: Hồi mới quen, thấy người yêu mình yêu cây, cũng chưa hiểu lắm về sở thích ấy. Nhưng rồi thời gian gắn bó và được chia sẻ về niềm đam mê ấy, cô đã cùng đồng hành. Sau khi trở thành vợ chồng, Hiệu luôn hỗ trợ Bảo, thậm chí có chút vốn liếng nào cũng đầu tư vườn cho chồng. Hằng ngày, ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, cô Hiệu thường tranh thủ chạy về vườn để cùng chăm sóc vườn cây nhỏ này. “Điều em rút ra được trong việc chăm sóc cây là áp dụng được kiến thức này vào từng bài giảng môn Tiếng Việt. Làm phong phú cho bài giảng trên lớp bằng những kiến thức thực tế mà mình đã và đang tiếp cận”, Hiệu tâm sự.
Theo đó, trong chương trình lớp 5, học trò làm văn tả cảnh rất nhiều, cô Hiệu đã truyền tải cho học trò sự hình dung, tưởng tượng ra những cái thế, cái cây, hoặc quá trình uốn nắn, chăm sóc cây phải qua những công đoạn nào, truyền đạt cho học trò những kiến thức đó, là cách kéo học trò gần hơn với mình trên bục giảng và cả cuộc sống bên ngoài bục giảng. “Nghề giáo là nghề cao quý, dẫu rằng đối với việc dạy học trò cấp tiểu học hiện nay, áp lực rất nhiều phía, nhưng để làm một người thầy đúng mực, buộc phải biết nhẫn nhịn, lắng nghe. Cũng giống như câu chuyện vợ chồng em chăm chút vườn cây nhỏ này vậy, nếu nói bán cây xanh mà lời lãi thì không có nhiều đâu, nhưng cái lãi lớn nhất đó là mình cảm thụ được tình yêu thiên nhiên một cách bình dị nhất. Cuộc sống đẹp như một cái cây đẹp trong vườn nhà. Đời cây là một đời người”, cô giáo Hiệu, tâm sự.