Tạo động lực cho tăng trưởng mạnh mẽ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Vậy, trong năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam cần làm gì để “cất cánh” trong kỷ nguyên mới?
0:00 / 0:00
0:00
Đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh: HẢI NAM
Đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh: HẢI NAM

Cải thiện hoạt động xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng là ba chân kiềng của tăng trưởng kinh tế. Do đó, chúng ta cần nhìn rõ những hạn chế thực tại từ những thành phần trên, để từ đó “tháo” những điểm nghẽn thì mới hy vọng tăng tốc. Song, tăng tốc thế nào thì cần một cuộc “đại phẫu” chi tiết.

Theo ông Nghĩa, năm 2025 có một số yếu tố tích cực, chẳng hạn như địa chính trị có thể giảm bớt căng thẳng, lạm phát toàn cầu có chiều hướng giảm, nhiều quốc gia như Nhật Bản hay EU có gói kích thích kinh tế từ ngân sách hoặc nới lỏng tiền tệ. Vì vậy, các dự báo ban đầu của IMF, WB, OECD cho rằng năm 2025, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng khoảng 3%.

Tuy nhiên, có một yếu tố rất khó lường là chính sách thuế quan của ông Donald Trump. Nếu tất cả quốc gia áp dụng chính sách “trả đũa” với Mỹ, kinh tế toàn cầu sẽ giảm so với dự báo 0,3% và lạm phát tăng so với dự báo 0,5%. Điều này có thể khiến xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu chững lại, USD cũng sẽ đứng ở mức cao. Sức mua toàn cầu, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,3%. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, do tăng chi phí sản xuất và giảm đơn hàng.

Bên cạnh đó, dự báo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có xu hướng chậm lại. Thực tế, vốn đăng ký FDI năm 2024 tăng không đáng kể. Vốn đăng ký ít thì vốn giải ngân cũng ít theo. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản khó có sự đột biến trong năm 2025, mặc dù hành lang pháp lý mới đã cơ bản xây dựng xong.

Như vậy, động lực đầu tư năm 2025 của Việt Nam chỉ còn dựa vào đầu tư công, kỳ vọng có thể tốt hơn nhờ bảng giá đất mới có thể hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn.

Với động lực tiêu dùng, ông Nghĩa cho rằng, đây là điều gần như không dự báo được, vì công ăn việc làm của cả khu vực công và tư đang trong tình trạng thay đổi. Tiêu dùng 2025 có thể hy vọng vào du khách quốc tế, chứ khó kỳ vọng vào du lịch nội địa. Cán cân dịch vụ thâm hụt chứng tỏ người Việt Nam đi nước ngoài còn nhiều hơn đi trong nước. Vì vậy, nếu miễn cưỡng dự báo, tiêu dùng 2025 sẽ như năm 2024.

“Từ những thực tế trên, với cách làm cũ, tôi cho rằng, nếu chúng ta phấn đấu tích cực, sẽ đạt được như năm 2024”, ông Nghĩa nói.

Tạo động lực cho tăng trưởng mạnh mẽ ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư máy móc công nghệ để phát triển sản xuất. Ảnh: SONG ANH

Cần nguồn lực về công nghệ

Vì lẽ đó, để tăng trưởng vào năm 2025 ở mức cao hơn, ông Nghĩa nhấn mạnh cần có cách làm khác. Ông gợi ý, có tình trạng có tiền mà không tiêu được, vì vậy phải mở thoáng cơ chế ra. Pháp luật phải thay đổi căn bản, không chú trọng vào quy trình mà chú trọng vào kết quả…

PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, mô hình tăng trưởng của Việt Nam trước nay là dựa vào đầu tư vốn vật chất, tạo hàng hóa, hướng ra xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hiện nay thậm chí đã gần bằng quy mô GDP. Nhưng điều cốt yếu là khu vực kinh tế trong nước không đóng góp nhiều vào giá trị xuất khẩu đó, thặng dư thương mại thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong khi khu vực trong nước luôn có thâm hụt.

“Có thể nói chúng ta đang xuất khẩu hộ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế, thu nhập của người dân Việt Nam không tăng nhanh như tốc độ tăng giá trị xuất khẩu”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh mấu chốt vấn đề cần thay đổi, bởi nếu khu vực kinh tế trong nước có thể thay thế vị trí của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong bức tranh xuất khẩu, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, gấp ba so với bây giờ.

Dẫn chứng tăng trưởng cao từ một số nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã duy trì được mức tăng trưởng hai con số trong thời gian dài, theo vị chuyên gia, họ thành công trong một vài lĩnh vực nhất định, chiếm lĩnh được thị trường thế giới. Thí dụ Nhật Bản, Hàn Quốc thành công trong công nghiệp ô-tô, điện tử, bán dẫn, Trung Quốc thành công trong sản xuất hàng tiêu dùng.

Do đó, để tạo tăng trưởng cao và duy trì được mức tăng trưởng cao ấy trong thời gian dài, Việt Nam phải có nguồn lực về công nghệ, vốn con người, vốn đầu tư quốc tế. Những điều này đều là điểm yếu của Việt Nam.

Ngoài ra, bên cạnh việc tinh gọn bộ máy để giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư, Chính phủ phải thu hút được đầu tư tư nhân tham gia cùng. “Một mình đầu tư công sẽ không gánh vác nổi mục tiêu tăng trưởng hai con số”, ông Thế Anh nói.

PGS, TS Phạm Thế Anh cũng chỉ ra vấn đề của kinh tế Việt Nam không hẳn là thiếu vốn mà là thiếu cơ hội kinh doanh. Nếu khu vực kinh tế tư nhân nhìn thấy cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận đủ tốt và an toàn thì nguồn lực chắc chắn sẽ chảy vào đó, không cần phải kêu gọi.

Ông phân tích, điều rất đáng lo lắng hiện tại là nguồn lực trong nước có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trên thị trường tài sản, thay vì đầu tư vào sản xuất. Việc một cá nhân mua bất động sản giá thấp, bán bất động sản giá cao để làm giàu là chính đáng, bình thường, nhưng điều đó lại không tạo ra giá trị gia tăng nào cho xã hội. Giá trị gia tăng phải đến từ sản xuất và giao thương với bên ngoài. Đây là điểm bất cập của môi trường kinh doanh bất ổn, tham vọng tăng trưởng nhanh nhưng thiếu các yếu tố nền tảng căn bản.

“Việc làm sao để nguồn lực trong nước quay về với khu vực sản xuất, thay vì đầu cơ trên thị trường tài sản, phụ thuộc hoàn toàn vào điều hành của Chính phủ, vào sự lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn và sự kiên nhẫn tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn”, ông Phạm Thế Anh phân tích.

Nghị quyết số 01/NQ-CP đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2025, ứng với các mục tiêu đã đề ra là tăng trưởng 6,5-7% như Quốc hội quyết nghị và 8% - 10% như mục tiêu Chính phủ phấn đấu thực hiện.