Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 lại là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay… nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng triệt phá kho thực phẩm bẩn ngày 17/1/2024 tại thôn Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín).
Cơ quan chức năng triệt phá kho thực phẩm bẩn ngày 17/1/2024 tại thôn Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín).

Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn

Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển thực phẩm như gà, lợn để đưa ra thị trường. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, năm 2023 đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Sau nhiều ngày đêm trinh sát tại một số nhà hàng và các xưởng sản xuất xúc xích tại địa bàn TP Hà Nội, ngày 17/1/2024, Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã phối hợp Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) triệt phá một kho mỡ bẩn nằm sâu trong địa bàn huyện Thường Tín. Đó là cơ sở tập kết và kinh doanh thực phẩm của ông Trần Văn Đức (SN 1983) tại thôn Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín). Cơ sở của ông Đức kinh doanh mỡ bò, óc lợn, sụn lợn, trong đó có 5,5 tấn mỡ bò, 720 kg óc lợn không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ông Trần Văn Đức khai nhận mình thu mua mỡ bò, óc lợn trôi nổi trên địa bàn (liên lạc qua điện thoại, không biết địa chỉ), sau đó bán cho người dân, nhà hàng, bếp ăn, xưởng sản xuất xúc xích… trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Số thực phẩm bẩn này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang cũng vừa kịp thời ngăn chặn 2 tấn chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, ngày 9/1, tại đường tỉnh lộ 248 thuộc địa phận thôn Cả, xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn, Công an huyện Lục Ngạn phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 Lục Ngạn và Đội QLTT số 3 huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), phát hiện kiểm tra xe ô-tô mang biển kiểm soát 29H-605.26 do anh Tăng Hoàng Phúc (sinh năm 1991, địa chỉ phố Bờ Sông, TT Lộc Bình, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) điều khiển.

Qua kiểm tra phát hiện trên thùng xe tải có 36.000 chiếc chân gà đã qua chế biến. Tại thời điểm kiểm tra, anh Phúc không xuất trình được hóa đơn chứng minh rõ nguồn gốc của số chân gà trên. Hiện, Công an huyện Lục Ngạn tiếp tục phối hợp với đơn vị có liên quan để tiến hành xác minh làm rõ.

Cùng ngày, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin về việc lập hồ sơ xử lý và tiến hành tiêu hủy hơn 5 tấn tai lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc. Theo đó, thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an toàn Tết Nguyên đán, khoảng 1 giờ, ngày 8/1 trong quá trình tuần tra kiểm soát tại đường thôn Bắc Lù, xã Hà Lâu, Tổ công tác Công an xã Hà Lâu phát hiện xe tải BKS 14C-236.22 do Hoàng Văn Trọng (sinh năm 1992, trú tại huyện Đình Lập, Lạng Sơn) điều khiển vận chuyển hàng hóa trên xe có dấu hiệu nghi vấn.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có chở số lượng lớn thực phẩm (tai lợn đông lạnh). Toàn bộ số thực phẩm tai lợn bắt đầu phân hủy, chảy nước, bốc mùi hôi thối… với tổng trọng lượng là 5.200 kg. Công an xã đã lập biên bản vụ việc và chuyển Công an huyện Tiên Yên xử lý theo thẩm quyền.

Số hàng hóa trên không đủ điều kiện vệ sinh thú y, không giấy kiểm dịch, không hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo bác sĩ Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học diễn biến rất phức tạp. Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực.

“Tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Trong 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm có đến 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Hơn 70% nông dân vẫn sống bằng nông nghiệp và người dân nhiều nơi vẫn còn tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm. Do điều kiện kinh tế còn thấp nên người dân vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra”, ông Trung cho biết.

Phòng, chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết, lễ hội xuân 2024

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Theo đó, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong thời gian Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để bảo đảm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra cần xử lý nghiêm sai phạm, đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng. Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Các chuyên gia thực phẩm cho rằng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe. Người tiêu dùng cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe và không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; nên chọn mua hàng hóa của các nhà sản xuất uy tín và tại các điểm bán uy tín để được bảo đảm quyền lợi.