Sôi động các dịch vụ khám phá Tết

Các hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, nấu các món ăn ngày Tết, tự vẽ bao lì xì… đang nở rộ thời điểm cận Tết Nguyên đán. Riêng các chương trình tự gói bánh chưng nhiều nơi hầu như đã kín lịch đăng ký. Lần đầu tiên sau hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các tour “Khám phá Tết cổ truyền”, “Trải nghiệm ký ức Tết”, tìm hiểu về các phong tục truyền thống đang được nhiều gia đình quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Gói bánh chưng trở thành hoạt động trải nghiệm yêu thích của nhiều bạn nhỏ.
Gói bánh chưng trở thành hoạt động trải nghiệm yêu thích của nhiều bạn nhỏ.

Tự gói bánh chưng kín lịch

Mọi năm, chị Nguyễn Thị Hương (35 tuổi, Hà Nội) nghỉ Tết muộn, thường gia đình chỉ mua sắm, chúc Tết ông bà nội ngoại một ngày, rồi chọn một nơi để đi du lịch. Nghỉ ngắn ngày, nên tiêu chí đơn giản, tiết kiệm thời gian công sức, được chị ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên năm nay cô con gái 5 tuổi lại hỏi về Tết cổ truyền, về gói bánh chưng. Ở chung cư không có không gian gói bánh, bố mẹ cũng không đủ thời gian để chuẩn bị, chị Hương tìm cơ hội cho con tham gia một chương trình gói bánh chưng để con có trải nghiệm về Tết cổ truyền. Chị cũng bất ngờ vì thời điểm này hầu hết các nơi tổ chức đều đã nhận kín lịch. Sau mấy ngày tìm kiếm hỏi han, chị cũng đăng ký được cho bé tham gia một lớp hướng dẫn, ghép cùng 20 em bé khác, do một nhóm các mẹ có con nhỏ ở chung cư bên cạnh tổ chức.

Trước thời điểm Tết dương lịch một tuần, các chương trình hướng dẫn gói bánh chưng của chị Hoàn Thị Lan (Văn Giang, Hưng Yên) hầu như đã kín lịch. Chị Lan bắt đầu kinh doanh thực phẩm sạch, đồ chay, đặc sản vùng miền cho cư dân của các khu chung cư trong khu vực. Ngày Tết chị nhận gói bánh chưng theo đơn đặt hàng. Ban đầu là một số phụ huynh đề nghị dẫn con đến xem cách gói, rồi giới thiệu cho nhau. Nhận thấy nhu cầu về trải nghiệm gói bánh chưng tăng lên, chị mở luôn các chương trình hướng dẫn gói bánh chưng, cho cả người lớn và trẻ em. Với chi phí bỏ ra từ 250 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng, mỗi người tham gia được hướng dẫn cách gói bánh, được tham gia tất cả các công đoạn làm bánh chưng từ vo gạo, ngâm đỗ, cắt lá, cách dùng khuôn bánh, ướp thịt cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Và còn được tham gia luộc bánh, vớt bánh nếu muốn và nhận sản phẩm của mình mang về. Bên cạnh đó, “combo gói bánh chưng xanh”, gồm tất cả các nguyên liệu gói bánh đã được chuẩn bị sẵn, cũng đắt hàng không kém. “Combo này đắt hàng ở những ngày sát Tết”, chị Lan cho biết. Một số gia đình đặt chung nguyên liệu gạo nếp đậu xanh thịt được làm sẵn, cả nồi và củi lửa rồi tìm không gian chung cùng nhau gói và luộc bánh, để cả người lớn và trẻ con được trải nghiệm không khí Tết. Có khi, một góc công viên trong khu chung cư cũng trở thành nơi người lớn, trẻ em quây quần bên nồi bánh chưng.

Và những “ông đồ chạy show”

Không gian Tết thì không thể thiếu ông đồ. Tất tả bước ra từ cửa trường mầm non ở khu vực Dịch Vọng, anh Đỗ Xuân Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn giữ nguyên trang phục ông đồ chạy xe máy đến một nơi khác cách đó 5km. Ở đó, bánh chưng, cây đào, gạo nếp, đỗ xanh mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn, cô giáo và phụ huynh đang chờ “ông đồ” đến “bày mực tàu, giấy đỏ” để 20 em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo có thể bắt đầu buổi trải nghiệm không khí Tết. Anh Hoài nghề chính là hướng dẫn viên du lịch nhưng biết và đam mê thư pháp Hán Nôm nên từ nhiều năm nay, Tết nào anh cũng sắm vai “ông đồ” trong các chương trình về Tết. Tuy “làm vì đam mê”, như lời anh Hoài nói, nhưng mỗi dịp Tết, nếu chịu khó chạy show, anh cũng thu về vài triệu đồng.

Bên cạnh hoạt động gói bánh chưng, các tour “Khám phá Tết cổ truyền”, “Ký ức Tết” của một số khu du lịch, nghỉ dưỡng đang hút khách. Với mức giá từ 2,5-3 triệu đồng, mỗi khách tham quan sẽ được hưởng một combo nghỉ dưỡng và khám phá Tết. Dù ngày Tết thật sự chưa đến nhưng nhiều gia đình lại chọn “ăn Tết sớm”, để các con có thêm trải nghiệm. Tranh thủ những ngày nghỉ Tết dương lịch, chị Nguyễn Thu Thủy (Vũng Tàu) cho con ra bắc, tham gia một tour khám phá Tết ở làng Háo Hức (Thái Nguyên). Lâu lắm rồi cả gia đình chị mới được cùng nhau gói bánh chưng giữa sân gạch, cùng vác củi, mùn cưa nổi lửa luộc bánh, tranh thủ nướng ngô khoai, nhâm nhi những niềm vui nho nhỏ bên cạnh người mình yêu thương.

Những ký ức đau buồn vì Covid-19 khiến chị Thủy mong muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, người thân. Nên năm nay, dù bận, chị vẫn cố gắng cho các bạn nhỏ một chuyến đi xa, tham gia tour trải nghiệm Tết cổ truyền, được tự gói bánh chưng để được cảm nhận không khí Tết truyền thống. “Mình tin những dịp như thế này sẽ trở thành một phần ký ức tuổi thơ thật đẹp của các con. Sau này lớn lên, tiếp cận nền văn hóa hay ngôn ngữ nào, các bạn cũng sẽ có những trải nghiệm rất riêng để chia sẻ và tự hào”, chị Thủy cho biết.