Trong khuôn khổ sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số” vừa diễn ra ở TP Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã khai mạc triển lãm “Không gian mộc bản triều Nguyễn”. Khách tham dự sự kiện lần đầu tiên được tìm hiểu chuyện kể xoay quanh các mộc bản triều Nguyễn dựa trên công nghệ hiện đại. Đặc biệt tại không gian này, người xem còn có thể tận mắt nhìn thấy bản gốc mộc bản đang bảo quản tại kho chuyên dụng của Trung tâm bằng hình thức quét mã QR.
Theo đó, không gian triển lãm được chia thành ba chuyên đề, được bố trí độc đáo nhằm mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho người xem. Chuyên đề 1 gồm “Mộc bản - Bảo vật hoàng triều” sử dụng công nghệ 3D mapping và công nghệ cảm ứng trên kính để truyền tải chân thực về lịch sử hình thành mộc bản. Trong khi đó, đến với chuyên đề 2 mang tên “Quy trình biên soạn và khắc in mộc bản”, các công đoạn tuyển chọn thợ khắc, chuẩn bị vật liệu, biên soạn và khắc, in mộc bản được thể hiện sinh động thông qua hình thức vẽ tranh cát trên ứng dụng Hologram. Còn tại chuyên đề 3 “Thiên hùng ca sử Việt”, người xem sẽ thưởng thức “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ”, “Nam quốc sơn hà” hay “Bình Ngô Đại cáo” với công nghệ thực tế ảo VR 360.
Mộc bản triều Nguyễn là những tấm gỗ quý được khắc ngược chữ Hán và chữ Nôm, sau đó quét mực rồi ép mặt in ra giấy để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân tuân thủ. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc giã. Loại hình tài liệu này không chỉ đặc biệt về hình thức, nội dung mà còn nằm ở phương thức chế tác; là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam. Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới vào ngày 31/7/2009 và trở thành Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Trước khi tiến hành số hóa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV lưu trữ 34.619 tấm mộc bản triều Nguyễn, tạm chia thành hơn 100 đầu sách với nhiều chủ đề như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự; văn thơ. Đây là nguồn sử liệu tin cậy, còn khá nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho biết, sau khi tiến hành các giải pháp công nghệ, số mộc bản được lưu trữ giảm còn 33.971 tấm nhưng vẫn giữ nguyên giá trị thông tin.
Sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số” cũng như triển lãm “Không gian mộc bản triều Nguyễn” là một trong các hoạt động của Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, hiện đang triển khai giai đoạn 2 (2021-2025). Đây là hoạt động tận dụng thế mạnh của công nghệ để mang di sản văn hóa đến gần với người dân, giúp các thông tin được truyền đi chính xác, sinh động và thú vị hơn.