Sáng tạo tiếng Việt, đừng quên giữ chuẩn

Tại chương trình giao lưu giới thiệu bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” do NXB Trẻ vừa tổ chức, các diễn giả cho rằng, sự sáng tạo, làm mới tiếng Việt trong thời hiện đại đã và đang dẫn đến nhiều thay đổi thú vị. Thế nhưng, ngôn ngữ cần có chuẩn để nương theo, tránh bị làm cho méo mó, sai nghĩa, dẫn đến những hệ lụy không đáng có.
Các diễn giả nói về sự giàu đẹp của tiếng Việt tại chương trình giao lưu.
Các diễn giả nói về sự giàu đẹp của tiếng Việt tại chương trình giao lưu.

Cẩn trọng trào lưu từ mới

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, tác giả cuốn sách “Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm” thích thú với cách sáng tạo từ ngữ trong cộng đồng hiện nay. Ông cho rằng, việc xuất hiện ngày càng nhiều từ ghép, cụm từ mới là điều không đáng lo ngại vì luôn có sự sàng lọc theo thời gian, những điều hay sẽ được giữ lại, cái không phù hợp sẽ tự động mất đi. Những từ mới như “thổi giá, lùa gà, úp sọt, phông bạt…” được nhiều người dùng hiện nay không chỉ nghe vui tai mà còn góp phần làm cho tiếng Việt phong phú, đa dạng. Ngay cả khi vay mượn, nếu chịu khó biến tấu, ai cũng có thể “Việt hóa” để từ ngữ trở nên sống động, thú vị hơn. Chỉ cần người nói biết cách chọn lựa và đặt từ đúng ngữ cảnh thì sẽ đủ sức chuyển tải mọi thông tin chứ không hề tối nghĩa, méo mó.

Theo nhà báo Dương Thành Truyền, tác giả cuốn sách “Tình ca tiếng nước ta”, giới trẻ ngày nay có nhiều cách làm mới tiếng Việt, tạo nên sự phong phú trong vốn từ và hoàn toàn phù hợp với thời đại mở, giao lưu đa quốc gia. Điều này thể hiện rõ trong cách “chơi chữ” rất thú vị của nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội và các kênh thông tin truyền thông. Đặc biệt, hình thức “chơi chữ song ngữ” khiến người nghe vừa bất ngờ, vừa thích thú vì thể hiện rõ sự khéo léo, thông minh, dí dỏm của người nói. “Mời anh vào team em”, “Tự teen sải bước vào đời” hay “See tình” là những dẫn chứng được ông Truyền nêu lên. Ông Truyền cho rằng, việc người trẻ sáng tạo ngôn ngữ là tín hiệu tốt nhưng với điều kiện họ phải “Am hiểu tiếng Việt”. Muốn làm mới cần giữ gốc để có điểm dừng.

Thực trạng khiến ông Truyền lo ngại nhất hiện nay là ngày càng nhiều người sử dụng tiếng Anh một cách vô tội vạ trong giao tiếp, dẫn đến tình trạng nói tắt, nói chêm, nói xen thiếu kiểm soát, dẫn đến hình thức ngôn ngữ lai tạp, gây khó chịu cho người nghe, thậm chí làm biến dạng cách dùng, cách hiểu tiếng Việt. “Có lần, tôi đọc cuốn sách nọ, chỉ một đoạn 70-80 chữ thôi mà mười mấy lần dùng những từ tiếng Anh trong khi những chữ đó đều đã được Việt hóa. Tại sao không dùng tiếng Việt khi từ vựng của chúng ta phong phú như vậy. Gần đây còn xuất hiện những kiểu thể hiện mơ hồ, không theo cấu trúc và có thể gây hiểu lầm, suy diễn, một câu có mấy cách hiểu. Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về điều này vì ngôn ngữ là văn hóa, là trí tuệ cảm xúc, không thể sử dụng tùy tiện”, ông Truyền lý giải.

Đừng để mọi thứ đi quá xa

Bàn về sự đa dạng của ngôn ngữ mới trong cộng đồng, PGS, TS Trịnh Sâm (Viện trưởng King Sejong 2, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đó là điều tất yếu trong tiến trình phát triển. Ai cũng hướng đến cái mới, nhất là giới trẻ nên có thể vượt ra khỏi lề thói bình thường. Bên cạnh đó, thời đại tâm lý công nghiệp, thông tin nhiều quá, người ta chỉ cần đọc lướt xem cái gì phù hợp với mình nên cách trình bày thể hiện cũng ngày càng phân đoạn cho ngắn đi. Cách dùng từ, thể hiện câu vì vậy có nhiều thay đổi. Hiện nay trong nhiều giới, kể cả giới truyền thông, việc dùng từ ngữ nhiều khi không được chuẩn. Do đó, muốn sáng tạo, muốn làm mọi thứ mới hơn, điều quan trọng là chúng ta cần học tiếng Việt cho thật giỏi. Ông Sâm đề xuất: “Ngôn ngữ có cuộc sống riêng của nó. Có những hiện tượng dùng sai, sai mãi thành đúng. Tuy nhiên, cần phải có chính sách ngôn ngữ để mọi thứ không đi quá xa. Giáo dục ngôn ngữ đòi hỏi phải có Luật Ngôn ngữ. Chúng ta không đóng khung cứng nhắc để ngôn ngữ có thể hòa nhập nhưng phải giữ chuẩn mực”.

Dành nhiều tâm huyết cho quá trình nghiên cứu tiếng Việt, GS, TS Nguyễn Đức Dân giúp bạn đọc hiểu thêm về cách dùng tiếng mẹ đẻ thông qua nhiều đầu sách giá trị như: “Nỗi oan thì, là mà”, “Từ câu sai đến câu hay”, “Triết lý tiếng Việt”, “Muôn màu lập luận”… Điều ông lo nhất trong xã hội hiện đại ngày nay là nhiều người Việt không muốn cho con cái học tiếng Việt mà ưu tiên chọn tiếng Anh ngay từ bé. Khi không được tạo môi trường để tiếp xúc, sử dụng tiếng Việt thường xuyên, rất khó để một người biết cách dùng từ, đặt câu đúng chuẩn.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của tiếng lóng ở nhiều ngữ cảnh không phù hợp cũng khiến nhà nghiên cứu trăn trở. Ông khẳng định, tiếng lóng trong ngôn ngữ hằng ngày có thể khiến nhiều người thích thú đến mức lạm dụng, thế nhưng, khi vào môi trường đòi hỏi sự chuẩn mực, chuyên nghiệp, mọi thứ phải khác. “Bạn có thể dùng tiếng lóng, những tiếng sáng tạo ngoài chuẩn mực tiếng Việt khi đi xin việc được không? Chắc chắn sẽ bị loại ngay. Cho nên, trước sau gì người ta cũng cố gắng tìm về tiếng Việt chuẩn mà nói”, GS Nguyễn Đức Dân chỉ ra thế mạnh của tiếng Việt.

Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” của NXB Trẻ đã có 11 tựa, trong đó có tựa đã tái bản lần thứ 9. Bộ sách sử dụng những thí dụ gần gũi trong kho tàng tiếng Việt xưa và cả ngôn ngữ hiện đại từ nhiều nguồn: ca dao tục ngữ, báo chí, tác phẩm văn chương, lời bài hát, ngôn ngữ đời thường và cả ngôn ngữ mạng.