Ủng hộ tác giả để văn hóa đọc phát triển
Nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn, sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh là người viết truyện ngắn, làm thơ và đã xuất bản gần chục đầu sách. Anh viết trên diễn đàn: “Đừng đòi hỏi nhà văn tặng sách, hãy mua sách ủng hộ họ! Nhà văn có sống được hay không là nhờ vào việc mua sách của độc giả. Nếu cuốn nào thật sự yêu thích hay quan tâm, cho dẫu là độc giả thông thường hay là bạn bè của nhà văn, thì cũng nên mua sách, thay vì hỏi xin”.
Ngay sau khi đăng đàn, ý kiến của Hồ Huy Sơn được đông đảo bạn đọc quan tâm. Trong đó những người viết trẻ đa số ủng hộ. Tác giả Tống Phước Bảo cho biết: “Tôi muốn mọi người luôn nhớ, một cuốn sách xuất bản, cần rất nhiều sự ủng hộ từ mọi người, nhất là những người thân. Vì chính các bạn sẽ lan tỏa cuốn sách trên mọi nẻo đường sau này của nó. Sách có bán hết, bán tốt, thì tác giả mới có cơ hội in những cuốn sách tiếp theo”.
Đi sâu vào, cần phân biệt rõ ba dạng sách hiện nay: Thứ nhất là sách do đơn vị làm sách hoặc NXB đầu tư in cho tác giả, trả tiền nhuận bút. Dạng này tác giả chỉ được nhận sách bản quyền khoảng 5 - 15 cuốn tùy theo số lượng in, kèm tiền nhuận bút. Muốn có thêm sách thì bỏ tiền nhuận bút ra bù vào. Thứ hai là sách do đơn vị làm sách hoặc NXB đầu tư in cho tác giả, nhưng trả toàn bộ nhuận bút bằng sách. Sách này tác giả có thể tự bán, tặng. Thứ ba là tác giả tự bỏ tiền đầu tư in ấn từ đầu đến cuối, rồi nhận sách mang đi bán hoặc biếu, tặng.
Tác giả Tống Phước Bảo là người đã in hai cuốn sách cá nhân, được một đơn vị đầu tư xuất bản. Anh nhận nhuận bút và bỏ một phần tiền để mua sách và dành tặng những người thân thuộc đã giúp đỡ mình, hoặc các anh/chị phụ trách mảng giới thiệu sách ở các tòa báo. Tống Phước Bảo cho biết: “Chuyện tặng sách thật ra nằm ở tấm lòng trân quý của tác giả. Ngay cả chính bản thân tôi, mỗi cuốn sách mình đều dành tặng những người rất quý. Thậm chí, ngay cả khi tôi đã rao bán, nhưng nếu gặp đúng những bạn đam mê sách nhưng chưa đủ điều kiện mua thì tôi vẫn tặng. Tôi chú trọng vào sự lan tỏa văn hóa đọc, chứ không phải bán sách để kiếm tiền. Thực tế sách là tài sản của cá nhân. Để mang đi tặng, tác giả phải cân nhắc và tính toán kỹ vì sợ làm phật lòng các bạn bè. Ai cũng là bạn, ai cũng muốn tặng, nhưng không thể cứ móc túi ra tặng mãi”.
Nên linh động
Cũng phải nói, trên thị trường sách không phải cuốn nào cũng hay và được bạn đọc bỏ tiền ra mua. Hoặc mỗi năm có cả nghìn cuốn sách do tác giả tự bỏ tiền túi ra đầu tư. Rất ít trong số này có độ hấp dẫn khiến bạn đọc bỏ tiền ra mua. Vậy nên tác giả chỉ có mỗi cách đem tặng. Ai trân quý thì người ta đọc cho. Không thì biến thành đồng nát, chứ đừng nói là có thể bán. Bán được hay không một phần còn phụ thuộc vào mối quan hệ. Họ mua đôi khi vì nể, vì nợ nần gì đó mà mua chứ không phải mua vì cần đọc cuốn sách đó.
Chúng tôi từng gặp những tác giả in cả chục tập thơ, tặng tứ tung, gặp bất kể người nào cũng muốn “ấn vào tay” để người ta cầm cho. Như thế thì sách có giá trị gì không, chẳng cần nói thì chúng ta cũng rõ. Bởi đó là kiểu người háo danh, muốn mua danh bằng cách bỏ cả đống tiền ra in tác phẩm của mình, rồi chờ đợi những lời tung hô. Với những tác giả này được người khác cầm sách, đọc cho một vài bài đã là may.
Mới đây, nhà văn Trần Nhã Thụy đã tự in và phát hành tác phẩm “Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác”. Anh đã bán gần hết 500 cuốn sách đầu tư in. Việc bán sách của anh xuất phát từ một suy nghĩ: Muốn mọi người hãy bỏ tiền ra mua sách về đọc thay vì bắt tác giả phải tặng. Thói quen đọc sách không thể có nếu như không có thói quen mua sách. “Nhiều năm qua tôi thấy rất nhiều người mang sách đi tặng, nhưng tôi có cảm giác việc làm này không thành công ở khía cạnh nâng cao văn hóa đọc. Nếu người ta không cần sách thì dù có để sách trước mặt họ cũng thờ ơ. Còn nếu cần thì họ ắt phải tìm mua”, nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ.
Trên thực tế ở nước ta có rất ít người sống được bằng công việc viết sách. Đa số các nhà văn đều có một công việc, có lương hằng tháng. Thu nhập từ viết sách chỉ là tăng thêm. Nếu những cuốn sách của họ hay thật sự, được viết trong lao khổ tâm lực, mà chỉ nhận được từ độc giả toàn những lời “xin sách”, thì làm sao còn năng lực để tiếp tục sáng tạo.
Vậy nên có thể với người này việc được nhà văn tặng sách là chuyện may mắn, là niềm vui. Bởi các nhà văn đã tặng một món quà giá trị, không thể đo đếm được bằng tiền bạc. Đó là tác phẩm tâm huyết mà tác giả đã dày công viết bằng sự quằn quại, trăn trở. Ngược lại, có những người không yêu quý sách, không có kiến thức nền để đọc, chưa có văn hóa đọc thì có tặng sách cho họ, cũng chẳng khác gì “gảy đàn cho trâu”. Cho nên, việc tặng sách, mua sách cần rạch ròi ở mỗi trường hợp. Tất nhiên chúng ta kỳ vọng thị trường sách đi lên, xuất hiện nhiều tác phẩm hay, đáng đọc theo từng cấp độ, lứa tuổi. Bạn đọc quý sách, nếu thấy bạn mình hoặc người mình quen biết viết sách hay, thì không nên hỏi xin mà hãy hỏi mua. Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bồi bổ tri thức, văn hóa, có nghĩa vụ với đời sống.