Quy định mới về quy trình giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân

Giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân (CAND) là một trong những công tác luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an. Mới đây, Bộ trưởng Công an đã ký ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BCA thay thế cho Thông tư số 11/2015/TT-BCA quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỷ luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND.
0:00 / 0:00
0:00
Triển khai nhiệm vụ tại một đơn vị trong lực lượng CAND.
Triển khai nhiệm vụ tại một đơn vị trong lực lượng CAND.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Công tác giải quyết khiếu nại, quản lý khiếu nại và việc thực hiện quy trình giải quyết khiếu nại trong CAND thời gian qua được Công an các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả, đạt được những kết quả nhất định; các vụ việc khiếu nại cơ bản được giải quyết kịp thời, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, chiến sĩ Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo thống kê tình hình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh qua các nguồn từ ngày 1/3/2014 đến hết tháng 6/2021, Công an đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, xử lý 120.147/117.829 đơn/vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 32.673/31.138 đơn/vụ khiếu nại. Đã giải quyết 19.639/19.107 đơn/vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ 97,2%. Việc công khai kết quả giải quyết khiếu nại cơ bản được thực hiện đúng quy trình và quy định của pháp luật: Các quyết định giải quyết khiếu nại đã được gửi đến người khiếu nại, Thủ trưởng cấp trên của người giải quyết khiếu nại và công bố tại cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng một số đơn vị chưa thực hiện tốt công tác công khai kết quả giải quyết khiếu nại, chưa thực hiện đúng theo quy trình quy định tại Luật Khiếu nại như: không gửi quyết định giải quyết khiếu nại đến người khiếu nại hoặc gửi thông báo thay thế cho quyết định giải quyết khiếu nại đến người khiếu nại làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vẫn còn một số vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, còn xảy ra việc khiếu kiện nhiều lần (khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện ra tòa hành chính). Bên cạnh đó, trong giải quyết khiếu nại vẫn còn tình trạng chưa kịp thời trong việc áp dụng hình thức xử lý đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm. Một số đơn vị khi tiến hành xác minh, giải quyết đơn có nhiều nội dung khác nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan khác nhau còn bị lúng túng. Lãnh đạo một số đơn vị Công an cơ sở có lúc chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại; chưa kiểm tra, đôn đốc kịp thời việc thực hiện tại đơn vị mình…

Trong suốt thời gian qua, quy định quy trình giải quyết khiếu nại trong CAND đều được thực hiện theo Thông tư số 11/2015/TT-BCA ngày 2/3/2015, do Bộ trưởng Công an đã ký ban hành (gọi tắt là Thông tư 11). Thông tư 11 đã giúp công tác giải quyết khiếu nại tại Công an các đơn vị, địa phương đạt được những hiệu quả nhất định, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp phải những hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Mặt khác, Bộ Công an cũng đã triển khai mô hình tổ chức mới theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, theo đó mô hình tổ chức của Bộ Công an không còn cấp Tổng cục và Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an các tỉnh, thành phố được sắp xếp lại theo hướng “tinh gọn”, triển khai lực lượng Công an xã chính quy trên toàn quốc nên đã có sự thay đổi về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong CAND.

Một số quy định mới

Để đáp ứng yêu cầu của việc triển khai thực hiện các quy định mới trong Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Công an đã ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 (gọi tắt là Thông tư số 23) thay thế Thông tư số 11 quy định quy trình giải quyết khiếu nại trong CAND.

Việc xây dựng, ban hành Thông tư số 23 nhằm cụ thể hóa Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời điều chỉnh, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Khiếu nại và để phù hợp quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như thống nhất chức năng quản lý nhà nước của Bộ trưởng Công an trong công tác giải quyết khiếu nại. Thông tư số 23 bao gồm 4 chương với 27 điều. Trong phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và áp dụng pháp luật, so Thông tư số 11, Thông tư 23 bỏ quy định về khiếu nại quyết định về chế độ chính sách của cán bộ, chiến sĩ Công an tại Điều 1 Thông tư số 11 cho phù hợp quy định của Luật Khiếu nại năm 2011; Thông tư 23 cũng bỏ nội dung quy định về nguyên tắc giải quyết khiếu nại (Điều 3 Thông tư số 11) vì đã được quy định cụ thể trong Điều 4 Luật Khiếu nại năm 2011.

Về nội dung cơ bản của Thông tư số 23 có một số quy định mới so Thông tư số 11. Cụ thể: Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, so Thông tư số 11, Thông tư số 23 đã bổ sung quy định về Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính (Điều 4). Thông tư quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 1 và lần 2 của Thủ trưởng Công an các cấp; bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại của “Trưởng Công an xã” để phù hợp khoản 11 Điều 2 Thông tư số 46/2021/TT-BCA ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Công an quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an xã; bổ sung thẩm quyền của Giám đốc trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Giám đốc trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, Trưởng đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động để phù hợp với Điều 7 Thông tư số 116/2021/TT-BCA ngày 1/12/2021 của Bộ trưởng Công an quy định phân công trách nhiệm giữa Công an các cấp về một số vấn đề trong công tác tổ chức cán bộ của lực lượng CAND; bổ sung thẩm quyền của Trưởng Công an “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” để phù hợp điểm c khoản 1 Điều 17 Luật CAND năm 2018 và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 về việc thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP Hồ Chí Minh. Thông tư số 23 cũng đã bổ sung quy định về Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ Công an (Điều 5). Thông tư quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết khiếu nại Quyết định kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ Công an; quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong CAND; quyết định kỷ luật học viên và quyết định kỷ luật công nhân Công an theo các căn cứ được nêu tại phần trên. Ngoài ra, về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, Thông tư số 23 cũng bổ sung một số điều mới trên cơ sở cụ thể hóa quy định tại Luật Khiếu nại cũng như Nghị định số 124/2020/NĐ-CP.

Có thể nói, sự ra đời của Thông tư số 23 đã thể hiện sự nỗ lực của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an trong việc giải đáp kịp thời những vướng mắc về công tác giải quyết khiếu nại trong CAND, qua đó góp phần quan trọng hạn chế khiếu nại, tố cáo phát sinh, vượt cấp, ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật có thể xảy ra.