Nữ thần Vệ nữ của Botticelli là đại sứ du lịch
Trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau thời gian Covid-19 và đưa ngành du lịch của Italy trở lại đỉnh cao trước đại dịch, Bộ Du lịch của Italy đã đưa ra chiến dịch tiếp thị “Open to Meraviglia” (Open to Wonder - Mở cửa tới kỳ quan). Nàng Vệ nữ của danh họa Sandro Bottocelli cuối thế kỷ 15 được chọn làm đại sứ du lịch Italy với hình ảnh được xây dựng là một “người có ảnh hưởng ảo” (virtual influencer) thế kỷ 21. Chiến dịch được Bộ trưởng Du lịch Daniela Santanchè và Ủy ban Du lịch quốc gia ENIT của Italy phát động chính thức bắt đầu vào tháng 5.
Phiên bản kỹ thuật số của nữ thần tình yêu La Mã mặc trang phục thời hiện đại, bao gồm váy ngắn, tạo dáng trước nhiều địa danh khác nhau của Italy, tay cầm điện thoại di động hoặc một lát bánh pizza. Là một influencer của thế kỷ 21, Vệ nữ có trang Instagram handle @venereitalia23. Vệ nữ hoạt hình nói: “Tôi được 30... rồi, có lẽ chỉ nhỉnh hơn một xíu”. Cô tự giới thiệu mình là “người có ảnh hưởng ảo” - người sẽ cùng bạn đi khắp nước Italy. Venere tự tin: “Tôi sẽ là hình ảnh của nước Italy trên thế giới”. Ngoài trang Instagram, Vệ nữ còn có trang Facebook và X (trước đây là Twitter), video quảng cáo cũng được đăng trên YouTube khi chiến dịch được công bố.
Những chỉ trích
Chiến dịch mang nhiều kỳ vọng ngay lập tức phải đối mặt với làn sóng chỉ trích, kể cả từ thành viên chính phủ. Thứ trưởng Văn hóa Ý và nhà phê bình nghệ thuật thẳng thắn Vittorio Sgarbi chỉ trích: “Vì Venus khỏa thân nên sẽ tốt hơn nếu nhìn cô ấy như vậy mà không cần phải mặc trang phục như thế này”, Sgarbi nói với tờ báo La Repubblica, mô tả chiến dịch là “đồ của Ferragni”, (ám chỉ người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Chiara Ferragni). Ông đặt câu hỏi: “Open to Meraviglia? Nó là về cái gì vậy? Đây là ngôn ngữ gì?”.
Bất chấp “cách mới” để giới thiệu nước Italy, nhiều người không hài lòng vì cách trình bày chủ yếu được tạo nên từ những khuôn sáo điển hình của văn hóa Italy; Vệ nữ là một tín đồ thời trang sành điệu, chụp ảnh selfie ở Quảng trường St. Mark ở Venice, ăn pizza trên hồ Como và tạo dáng trước Đấu trường La Mã ở Rome trên một chiếc xe đạp. Venere đăng những hình ảnh hiện đại của mình lên trang Instagram (lúc đó) có 200 nghìn người theo dõi.
Các chuyên gia văn hóa như nhà sử học nghệ thuật Livia Garomersini không hài lòng với “cách trình bày một chiều” về văn hóa Italy theo ArtNet: “Nghệ thuật ở đâu? Khuyến mãi ở đâu trong mớ hỗn độn sáo rỗng nhàm chán này?”. Garomersini nói rằng chiến dịch này “tầm thường hóa di sản của chúng tôi theo cách thô tục nhất”. Một nhà bình luận khác chế nhạo rằng chiến dịch đã biến “Vệ nữ của Botticelli thành Barbie”, tờ New York Times đưa tin…
Ngừng hoạt động và sự trở lại
Influencer Vệ nữ được phát hiện lần cuối hoạt động trên mạng xã hội vào ngày 27/6/2023, trong một bức ảnh tạo dáng trước khung cảnh của Taormina ở Sicily. Truyền thông Italy đưa tin các trang mạng xã hội khác của cô ấy và video quảng bá trên YouTube cũng biến mất. Thời điểm hình ảnh quảng bá đột ngột ngừng đăng trực tuyến chính là cao điểm của mùa du lịch năm nay.
Khi được hỏi về chiến dịch đang diễn ra AWOL, Bộ trưởng Du lịch Daniela Santanchè được cho là đã nói với La Repubblica vào cuối tháng 8/2023 rằng vụ mất tích không phải là vấn đề hợp đồng mà là một “sự lựa chọn có chủ ý”. Bà Daniela Santanchè nói rằng Vệ nữ sẽ “sớm quay trở lại”.
Còn nàng Vệ nữ, sau hơn một tháng im lặng, đã lại cập nhật trạng thái trên trang Instagram Venereitalia23 vào ngày 30/8. Bài đăng của Vệ nữ thế kỷ 21 là ngày 5/12/2023.
“Sự ra đời của thần Vệ nữ” (Birth of Venus) của Sandro Botticelli là một trong những bức tranh được đánh giá mang tính biểu tượng nhất trong mọi thời đại và là hình ảnh chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa đại chúng. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là thần Vệ nữ khỏa thân và đẹp như tượng tạc, đứng trên một chiếc vỏ sò nổi lên từ vùng biển xanh êm đềm, mái tóc mầu nâu vàng xoay quanh cơ thể. Chiếc vỏ sò khổng lồ được vợ chồng thần gió Zephyrus và Aura, ở bên trái Vệ nữ, thổi vào bờ. Bên phải là nữ thần mùa màng Horae đang chờ mặc cho thần Vệ nữ một chiếc áo choàng hoa. Các chuyên gia nghệ thuật tin rằng tác phẩm được vẽ vào khoảng giữa các năm 1482 và 1485. Bức tranh hiện được treo trong Phòng trưng bày Uffizi ở Florence, Italy.
Ứng dụng kỹ thuật số quảng bá du lịch Việt Nam
Ngành du lịch Việt Nam không đứng ngoài trào lưu chuyển đổi số rộng khắp, đặc biệt là những khó khăn trong đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hơn. Những nội dung sáng tạo hấp dẫn với những ứng dụng công nghệ số giúp hình ảnh du lịch Việt Nam đạt được độ phổ biến cao không chỉ đối với công chúng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, kích thích tăng trưởng bền vững.
Nhiều địa phương Việt Nam đã có những sáng kiến ứng dụng công nghệ số giúp đưa hình ảnh di sản, điểm du lịch gần gũi hơn với công chúng và tăng trải nghiệm tích cực cho du khách. Đó là Nha Trang với thiết kế tour du lịch 360 độ - những bức ảnh góc nhìn
360 độ và những thước phim được ghi lại bằng công nghệ thực tế ảo đã tái hiện trọn vẹn và đầy đủ về không gian, chi tiết những vật thể mang tới cho người xem một cảm giác ấn tượng, chiêm ngưỡng cảnh quan và công trình kiến trúc ngay tại nhà, từ đó đưa ra những lựa chọn du lịch. Hay đó là ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng” trên công nghệ VR360 và vũ trụ ảo (Mertaverse) đưa các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố đến với công chúng ở bất cứ nơi đâu… Không gian vũ trụ ảo “Metaverse Đà Nẵng” có các tính năng nổi bật như tự thiết lập tài khoản trong môi trường ảo; giao tiếp, kết nối với giao diện nhân vật 3D; tương tác bằng giọng nói, chia sẻ màn hình trong không gian 360 độ; tổ chức sự kiện, triển lãm thực tế ảo…
Nhìn chung, một trong những dấu ấn nổi bật của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch là chuyển đổi số mạnh mẽ. Sự chuyển đổi năng động, tích cực của toàn ngành du lịch, các địa phương và doanh nghiệp đã kết nối di sản, danh thắng tới đông đảo du khách tiềm năng song song với việc phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh… Tổng cục Du lịch và các bên liên quan phối hợp phát triển ứng dụng hướng dẫn du lịch ảo tại điểm đến, xây dựng bản đồ số du lịch...
Từ câu chuyện của Italy, có thể thấy sự đổi mới sáng tạo có thể đem đến thành công rực rỡ nhưng nếu quá cấp tiến có thể gây ra tác dụng trái ngược. Rõ ràng là những hình ảnh mang tính biểu tượng của một quốc gia thường được sử dụng để quảng bá cho nước đó, điều thường mang đến sự quen thuộc và tăng độ nhận diện. Điều đó đồng thời có thể dẫn tới những ấn tượng, định kiến về lối mòn, khuôn sáo, do vậy không khơi gợi lên mong muốn đến thăm tận nơi. “Open to Meraviglia” của Italy đã đưa đến một cách tân táo bạo trên nền tảng của những hình ảnh quen thuộc của đất nước. Nàng Vệ nữ - biểu tượng nghệ thuật thời Phục hưng ở Italy - hóa thân thành một cô gái hiện đại check in tại các di sản văn hóa và cảnh quan nổi tiếng khắp đất nước Địa Trung Hải này. Sự táo bạo trong tư duy và cách thể hiện tuy vậy đã không được người Italy đón nhận nồng nhiệt như mong đợi. Bên cạnh những thiếu sót về cả ngôn ngữ khẩu hiệu, hình ảnh sử dụng và các vấn đề kỹ thuật khác…, còn có câu chuyện về việc sử dụng biểu tượng văn hóa một cách hợp lý và tính hiệu quả của truyền thông cho chiến dịch.