Quan tâm hơn nữa đời sống công nhân

Khi được hỏi về nguyện vọng, phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp đều bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có chính sách về tiền lương hợp lý, bảo đảm cho người lao động có mức sống ổn định và có được một phần tích lũy, đồng thời kịp có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, không để giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động đang đối mặt nhiều khó khăn khi giá cả tăng. Ảnh: HẢI NAM
Người lao động đang đối mặt nhiều khó khăn khi giá cả tăng. Ảnh: HẢI NAM

Khi giá cả tăng nhanh hơn lương

Hơn 10 năm đi làm công nhân, đây có lẽ là thời điểm khó khăn nhất với chị Chu Thu Linh (32 tuổi), công nhân Công ty cổ phần Sowa Việt Nam khi giá cả tăng chóng mặt, lương không đủ tiêu. Chợ Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội nơi tập trung nhiều công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, vào giờ tan tầm cũng không nhộn nhịp như trước. Chị Linh chia sẻ: “Ba ngày tôi đi chợ một lần, chủ yếu mua rau xanh, còn thức ăn mặn chế biến ăn cả tuần”.

Người mẹ trẻ nhẩm tính từ lúc mỗi lít xăng tăng lên đến 30 nghìn đồng, nhiều khoản chi tiêu đã đội lên 20%. Cải bắp lên 25 nghìn đồng/kg, rau muống 12 nghìn đồng/mớ, thịt ba chỉ 15 nghìn đồng/kg, cá nục 80 nghìn đồng/kg, trứng vịt 40 nghìn đồng/chục… Thu nhập của hai vợ chồng công nhân tròm trèm 15 triệu đồng thì tiền thuê nhà đã tốn 2,5 triệu đồng/tháng, tiền đi học mầm non của con cũng 2,5 triệu đồng/tháng, tiền gửi về quê cho bố mẹ thuốc thang... Việc cắt bỏ các chi phí không cần thiết trong sinh hoạt, thậm chí tiết giảm bữa ăn, thưa dần “bữa ăn tươi” là điều mà chị Linh buộc phải “thắt lưng buộc bụng”.

Còn chị Nguyễn Thanh Hà (29 tuổi), công nhân tại Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu (Khu công nghiệp Quang Minh) trước cầm

100 nghìn đồng đi chợ vẫn đủ, nhưng giờ với số thực phẩm thường dùng thì bằng đó tiền không thể mua đủ. “Được tin tăng lương từ 1/7 nhưng giá cả đã tăng chóng mặt như thế này, cuộc sống công nhân vẫn khó khăn. Mình phải co kéo sao cho không vượt quá 100 nghìn đồng cho một ngày, nên đành ăn ít lại một chút thôi chứ biết sao”, chị Hà nói.

Anh Nguyễn Duy Nam là công nhân cơ khí cũng ở Khu công nghiệp Quang Minh. Anh chưa lập gia đình, từ hồi mới vào nghề, lương cơ bản được 3,5 triệu đồng, giờ ngót nghét 10 năm, lương tăng lên 6,8 triệu đồng nhưng đến nay không đủ trang trải cuộc sống. “Tôi đã tính về quê Yên Bái để cùng bạn bè mở nông trại chăn nuôi. Sống ở thành phố, nhưng đợt này xăng tăng, giá thực phẩm cũng tăng nên không để dư được đồng nào, thậm chí có tháng còn âm cả tiền lương. Có lẽ tôi về quê lấy vợ để ổn định cuộc sống”.

Gia đình ông Đặng Văn Khanh có cửa hàng tạp hóa tại chợ Yên, nhìn giá cả tăng chóng mặt, ông cũng ngậm ngùi như công nhân đến mua hàng. Ông liệt kê mỗi lít dầu ăn tăng 4.000-6.000 đồng, thùng sữa cho em bé tăng đến 40 nghìn đồng, bình nước uống

20 lít tăng 3.000 đồng, một bình gas mini, gói mì tăng 1.000 đồng... “Lương công nhân tăng được chút ít thì hàng thiết yếu càng tăng nhanh, mạnh khiến người lao động phải tính toán sao cho để đồng lương ít ỏi có thể gánh được giá cả”, ông Khanh nhận xét.

Quan tâm hơn nữa đời sống công nhân ảnh 1

Giá cả tăng nhanh, công nhân gặp khó trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: TTXVN

Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, số công nhân lao động đông (khoảng 326 nghìn doanh nghiệp, với hơn 2,5 triệu lao động); trong đó có 9 khu công nghiệp và chế xuất, cùng với Khu công nghệ cao Hòa Lạc có 661 doanh nghiệp, 165 nghìn lao động. Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết: “Tình hình đời sống việc làm của công nhân lao động và việc thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những điều băn khoăn, vướng mắc. Trong đó, tiền lương, thu nhập hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do người lao động phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa thị trường tăng cao nên đời sống khó khăn, nhiều người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca, thậm chí làm thêm quá giờ quy định...”.

Cho dù Chính phủ đã rất kịp thời ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6, quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, tiền lương tối thiểu vùng đã tăng thêm 6%. Vùng I tăng từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm Nghị định có hiệu lực (từ 1/7), giá cả nhiều mặt hàng đã tăng chóng mặt và cuộc sống của công nhân, người lao động vấp phải nhiều khó khăn.

Năm 2021, khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% người phải giảm lượng thịt hằng ngày, 22% lao động phải chuyển từ mua sắm hằng ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% trường hợp lựa chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa. Ngoài ra, 60% người lao động phải tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân: 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

Đề xuất cân bằng giá cả và tiền lương

Năm 2022, hàng loạt khảo sát, báo cáo thực tế về đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp hiện nay đều khẳng định người lao động đang đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn trước hàng loạt chi phí phải trang trải.

“Cho dù công nhân, người lao động đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60-70 giờ/tháng như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ... Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp nên theo khảo sát, có tới 72% người lao động không muốn con cái sau này theo nghề nghiệp của mình”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Khảo sát tiếp theo về thực trạng đời sống vừa được thực hiện trong tháng 4 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với 2.016 người lao động tại các doanh nghiệp cho thấy, chỉ một nửa số đó vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống, còn lại là những người luôn phải sống trong khó khăn. Theo đó, 12% người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống, 35,5% người lao động thỉnh thoảng phải đi vay tiền (3-4 tháng/lần), 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1-2 lần/năm, chỉ có 17,8% người lao động là không phải đi vay. Cùng với đó, 20,2% số công nhân lao động cho biết đã từng phải tiêu “của để dành” (rút bảo hiểm xã hội một lần) để trang trải cuộc sống, sau đó lại tiếp tục tham gia.

Cùng với việc khảo sát, Tổng Liên đoàn và nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành cũng đã lấy tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu hiện nay trong đội ngũ đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động. Theo đó, các ý kiến của người lao động đều quan tâm đến những điều rất thiết thực. Chị Bùi Thị Lanh (công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) bày tỏ: “Tôi đã làm việc tại công ty hơn 5 năm. Mặc dù các cấp công đoàn, công ty hiện nay đã quan tâm đến đời sống, việc làm cho công nhân lao động nhưng vẫn còn một số vấn đề người lao động cần được hỗ trợ kịp thời hơn. Đó là các vấn đề liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động; tăng lương; bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã được Chính phủ thông báo và công bố”.

Anh Đỗ Hoàng Long (Công ty TNHH Matsuo) mong muốn: “Trên địa bàn Hà Nội có số lượng lớn công nhân lao động ngoại tỉnh đang làm việc, trong đó nhiều công nhân lao động có con trong độ tuổi đi học, phải xa quê, đi thuê trọ và đăng ký tạm trú. Theo chính sách chung, con công nhân lao động ngoại tỉnh được tham gia học tập tại hệ thống các trường công lập trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến bậc THPT, các điều kiện để các cháu học sinh cuối cấp được thi vào hệ thống các trường công lập trên địa bàn phải là học sinh (hoặc cha/mẹ học sinh) có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Do vậy, mong được hưởng chính sách cho con công nhân lao động được thi vào các trường THPT trên địa bàn thành phố”.

Còn ông Phan Thanh Hải (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Mekio Việt Nam) kiến nghị: “Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai vệ sinh khu công nghiệp kém, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường, đồng thời, mỗi khi mưa là gây ngập, nhiều công ty phải cho lao động nghỉ làm do không thể đến nhà máy”. Trong khi đó, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng: “Để người lao động tiếp tục gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp và được thụ hưởng xứng đáng với công sức đã bỏ ra, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thiết chế Công đoàn tại các địa phương, nhất là thành phố Hà Nội. Trong đó, cần tập trung xây dựng các khu nhà ở dành cho công nhân; điểm vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao; cơ sở y tế; trường học dành cho con công nhân lao động”.

Tại tỉnh Bình Dương, khi được hỏi về các vấn đề công nhân lao động quan tâm hiện nay, nhiều công nhân cho biết, điều mà họ quan tâm lớn là việc làm, thu nhập (75,4%); tiếp đến là giá cả các mặt hàng thiết yếu (60,8%); tình hình dịch Covid-19 (45,8%); vệ sinh an toàn thực phẩm (36,1%); an toàn giao thông (29,3%); nhà ở (27,4%); an ninh trật tự tại các khu nhà trọ (24,5%); nhà trẻ cho con công nhân (15%); nơi sinh hoạt văn hóa (10,4%)...

Quan tâm hơn nữa đời sống công nhân ảnh 2

Người lao động đang chờ những chính sách hỗ trợ thiết thực. Ảnh: BẮC SƠN

Tại Hồ Chí Minh, báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của Liên đoàn Lao động thành phố cho thấy, người lao động mong muốn, kiến nghị với Quốc hội, Nhà nước có quyết sách cân bằng giá cả và tiền lương để bảo đảm cuộc sống của người lao động được ổn định hơn. Bên cạnh đó, cũng đề nghị Nhà nước và các cơ quan liên quan cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về hỗ trợ vay vốn thuê, mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hoặc không lãi suất đối với những người đủ điều kiện mua nhà. Hiện, các nguồn thông tin về nhà ở xã hội không được phổ biến rộng rãi, có quá ít kênh để người lao động tham khảo, đăng ký mua. Người lao động cũng đề nghị cần mở rộng thêm nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, như những người có gắn bó lâu dài, có thành tích cống hiến trong lao động sản xuất, có sáng kiến cải tiến tốt…

Ông Nguyễn Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách, Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: “Chỉ trong quý I/2022 đã diễn ra 64 cuộc đình công, ngừng việc tập thể trên cả nước, tăng 40% (20 cuộc) so cùng kỳ 2021. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể, đình công tự phát này là do vấn đề tiền lương và chế độ phúc lợi cho người lao động”.

Phải có lộ trình giải quyết từng vấn đề

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi đối thoại trực tiếp và trực tuyến với hơn 4.500 công nhân lao động tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Tại đây, nhiều ý kiến đưa ra tập trung vào 10 nhóm vấn đề lớn như: tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới; rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động; công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động; vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám, chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động; công tác đào tạo nghề; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm; giá nhà trọ, giá điện; việc tăng giá sách giáo khoa; tình trạng con công nhân khó tiếp cận các trường học công trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú…

Liên quan vấn đề bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội, trước đây quy định

25 năm trong Dự thảo rút dần xuống còn 15 năm và tiến tới để bảo đảm cho người lao động có thể tiếp cận được. Thứ hai, sẽ tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm chính sách bảo hiểm xã hội với nhau để bảo đảm quyền lợi cho người lao động tham gia. Thứ ba, là chia sẻ về bảo hiểm này giữa người có đóng bảo hiểm nhiều với người đóng thời gian ngắn.

Tại tọa đàm, đại diện người lao động đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm Covid-19; chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Bộ đã phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và các bộ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Hiện nay, ở các địa phương đã bắt đầu triển khai hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số lý do: Thứ nhất, đề nghị thì rất nhanh, rất gọn nhưng nhiều địa phương thêm thủ tục niêm yết công khai. Thứ hai, là chính sách cho phép có thể nhận theo tháng hoặc nhận một lần ba tháng nhưng có một bộ phận người lao động hoặc doanh nghiệp muốn nhận ba tháng, như vậy từ tháng 4 đến nay thì hết tháng 6 mới nhận một lần. Thứ ba, một số địa phương đề nghị Trung ương cho ứng nguồn, theo đó tổng số tiền dự kiến 6.600 tỷ đồng sẽ lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho người lao động.

Giải thích cụ thể hơn nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà và các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, thực hiện một cách rất khẩn trương, hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này. Thủ tướng cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ. Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp các địa phương, các địa phương cũng cần chủ động hơn thực hiện việc này trên địa bàn mình. “Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ các quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng”, Thủ tướng khẳng định.

Quan tâm hơn nữa đời sống công nhân ảnh 3

Việc chi tiêu ngày càng eo hẹp. Ảnh: TTXVN

Về nhà ở cho công nhân, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo, làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ về những việc đã làm được, chưa làm được, những giải pháp thời gian tới, có bước đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân.

Thủ tướng đề nghị ngay sau buổi đối thoại, các bộ, ngành và địa phương bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch, lộ trình để giải quyết từng vấn đề, có sản phẩm và kết quả cụ thể, thông báo tới công nhân lao động. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm tốt công tác đôn đốc, giám sát và phối hợp các bộ, ngành, địa phương cùng giải quyết. Thủ tướng kỳ vọng lần gặp gỡ, đối thoại sau sẽ báo cáo lại với anh chị em công nhân cả nước nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Khi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại có nhiều chủ thể tham gia, trong đó có đội ngũ công nhân, người lao động. Do đó, mong muốn công nhân, người lao động tiếp tục phát huy truyền thống, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng giải quyết kịp thời các vấn đề mới nảy sinh, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, trong đó có công nhân”.