Vẽ ngay tại chiến tuyến, vừa là họa sĩ, vừa là chiến sĩ
Sinh tại Bến Tre, từng học Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Huỳnh Phương Đông (tên thật là Huỳnh Công Nhãn) đã đi suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, với chiếc ba-lô đầy ký họa. Ông là một trong những người hiếm hoi trực họa giữa chiến trường. Hơn 70 năm sáng tác, ông dâng đời hàng nghìn tác phẩm. Nhiều phác họa giữa lằn ranh sinh tử đã trở thành chứng tích nghệ thuật và lịch sử quý giá. Đây là lần đầu tiên 151 tác phẩm của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và là triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ông.
Hội họa của bác Huỳnh Phương Đông mang đến cảm xúc mạnh cho tôi, bởi bác chủ yếu vẽ trực họa, ký họa tại chiến trường. Họa sĩ Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ khi đứng trước bức “Chiến thắng Ấp Bắc” khổ lớn, dài tới 7m6, được sáng tác năm 1963 và lần đầu ra mắt công chúng Hà Nội. Tranh của bác phải vẽ rất nhanh, giữa bom đạn. Không như chụp ảnh, tranh yêu cầu sự cảm nhận và tái hiện, nhiều khi chỉ có vài phút để ghi lại nét mặt một chiến sĩ.
Cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã trực tiếp vượt Trường Sơn, sống cùng các đơn vị chủ lực miền nam, trở thành một chiến sĩ thực thụ. Ông đến tận chiến tuyến, sống cùng chiến sĩ, ký họa ngay tại mặt trận. Những bức tranh ấy sau đó được treo trong các lán trại để chiến sĩ xem và thêm động lực chiến đấu. Ông ở lại sau mỗi trận đánh, tìm, hỗ trợ đưa thương binh, cũng như các chiến sĩ hy sinh về hậu cứ. Ông từng chia sẻ, đánh trận xong là tôi phải rà soát lại hết, coi anh em nào còn nằm lại hay không. Nhiệm vụ cõng thương binh không phải là tôi, nhưng mà từ trong lòng mình, tôi không bỏ anh em được.
Vẽ chân dung hàng trăm bạn bè và đồng chí. Nhiều bạn bè của ông hồi đó là chàng trai, cô gái còn rất trẻ, vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Ông thấy mình có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ. Những ký họa ám mùi khói súng, lấm bụi hành quân đã vượt giới tuyến ra bắc, trở thành tư liệu quý để họa sĩ dựng nên những bức tranh sơn dầu lớn, trong số đó nổi bật là ba tác phẩm: “Trận La Ngà”, “Trận Ấp Bắc”, “Trận Bình Giã” đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007.
![]() |
Bức tranh lụa về nữ du kích Củ Chi - Bảy Mô. |
Nghệ thuật đồng hành chiến đấu, chạm vào trái tim hôm nay
Một trong những người xúc động nhất khi nhắc đến Huỳnh Phương Đông là bà Diệu Ân, nguyên cán bộ ngành văn hóa. Bà kể, trong một dịp vào TP Hồ Chí Minh, tôi có cơ hội làm quen với chị Lê Thị Thu, vợ của họa sĩ. Hai chị em cùng quyết tâm xây dựng lại một cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trong một chuyến đi thực địa tại Củ Chi, bà bắt gặp nhiều ngôi nhà treo tranh ký họa của ông trên bàn thờ, thay cho di ảnh liệt sĩ. Họ không có ảnh của người thân đã hy sinh, chỉ có những bức ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông để lại.
Tại Củ Chi, bà còn được gặp những người từng là nhân vật trong tranh của ông, những anh hùng thật sự đã đi vào nghệ thuật. Một trong số đó là bà Võ Thị Mô, hay còn gọi là Bảy Mô, nữ du kích kiên cường. Chính bà là hình mẫu trong bức tranh lụa nổi tiếng của họa sĩ và là nguyên mẫu trong phim “Địa đạo” đang được trình chiếu rộng rãi. Bà Diệu Ân cho biết, tôi vẫn nhớ câu chuyện xúc động được nghe về chị Bảy Mô. Trong một lần bám trụ trên cây để quan sát, chị nhìn thấy bốn người lính Mỹ ở dưới mở thư, ảnh vợ con ra xem và khóc. Cảm động vì tình cảm gia đình của họ, chị quyết định không nổ súng, để họ tự rời khỏi khu vực nguy hiểm thay vì tiêu diệt họ. Chị bị chi bộ phê bình. Nhưng sau này, những người lính Mỹ ấy đã quay lại tìm thăm nhà chị.
Họa sĩ Lương Xuân Hiệp (con trai cố danh họa Lương Xuân Nhị) nhớ lại, những năm 1967-1968, tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông được in và phát hành rất nhiều ở miền bắc. Lúc đó ông còn nhỏ, nhưng đã rất thích thú mỗi lần được ngắm nhìn các bức tranh ấy. Hình ảnh chiến sĩ giải phóng, những khoảnh khắc chiến tranh được thể hiện bằng nét vẽ rất sinh động, đầy cảm xúc. Đến năm 1974, khi đang công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Hà Bắc, ông Hiệp được cử vào chiến trường miền nam, được gặp và làm việc trực tiếp với họa sĩ Huỳnh Phương Đông tại Phòng Hội họa Giải phóng.
“Cuối năm 1974, chuẩn bị cho một cuộc triển lãm tại mặt trận, họa sĩ Huỳnh Phương Đông gặp tôi và nói, anh để dành cho chú 2 m2 không gian trưng bày, chú sáng tác và tham gia nhé”, họa sĩ Hiệp kể lại: “Tôi mừng lắm vì đó là lần đầu tiên tôi được tham gia một cuộc triển lãm, lại ngay giữa chiến khu. Cuộc triển lãm đặc biệt ấy diễn ra đầu mùa xuân năm 1975, ngay tại Tây Nguyên, nơi chưa được giải phóng hoàn toàn. Các họa sĩ cùng nhau thể hiện tinh thần dân tộc bằng màu sắc, nét vẽ và lòng tin chiến thắng”.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã chứng minh rằng, văn hóa thật sự “đi trước một bước”, dẫn đường cho tinh thần chiến đấu. Tranh của ông tiếp tục được truyền lửa qua mỗi ánh mắt người xem, mỗi câu chuyện được kể lại. Như họa sĩ Vương Duy Biên nhận xét, chỉ cần nhìn một ký họa, là có thể cảm nhận rõ một giai đoạn lịch sử. Đó là điều mà tranh bác Huỳnh Phương Đông làm được, chạm tới trái tim người xem bằng cả tài năng và tâm huyết.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông còn là cầu nối nghệ thuật Việt - Mỹ sau chiến tranh. Năm 1993, ông và các họa sĩ Việt Nam được mời sang Mỹ tổ chức triển lãm tranh chung hai nước với chủ đề “Nhìn từ hai phía” tại nhiều bang. Ông mang đến hình ảnh một Việt Nam kháng chiến kiên cường nhưng nhân đạo, yêu hòa bình”.