1/Tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm đến năm 2030 với mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Đến nay, việc thay đổi tư duy sang tăng trưởng xanh đã và đang bắt đầu đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, chế biến cho đến người tiêu dùng. Đây là một xu hướng tích cực, thích ứng với quốc tế.
Tại Bình Định, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (ASISOV) đã nghiên cứu, sản xuất thành công một số giống lúa gạo màu phát triển canh tác theo hướng hữu cơ. Đặc biệt giống lúa này có nhiều ưu điểm như sinh trưởng nhanh (trung bình từ 90-120 ngày tùy vào giống, mùa vụ), kháng sâu bệnh tốt, canh tác 2 vụ/năm, giàu chất dinh dưỡng, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương cao và không phản ứng với ánh sáng. Những giống lúa màu mới này có mầu sắc đa dạng, ngoài việc tạo nên sự hấp dẫn về mặt thị giác, chúng còn được đánh giá cao về hàm lượng chất dinh dưỡng. Mặc dù năng suất mỗi vụ lúa gạo màu mới chỉ dao động từ 40-55 tạ/ha và có phần thấp hơn các giống lúa truyền thống, nhưng thời gian canh tác ngắn hơn so các giống lúa khác. Do vậy, đối với sản xuất nông nghiệp địa phương thì phương thức canh tác này vẫn được coi là đạt hiệu quả và có lợi cho nhà nông.
Thạc sĩ Phạm Văn Nhân, Phó Trưởng phòng Bộ môn Cây lương thực của ASISOV cho biết, các giống lúa gạo màu mới tại Bình Định được phát triển từ giống thuần lúa màu cải tiến do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ chọn và lai tạo. Sau đó, chúng được trồng thí điểm tại phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) và xã Ân Tín (huyện Hoài Ân), áp dụng quy trình canh tác hữu cơ theo Tiêu chuẩn TCVN 11041-5:2018. Việc kết hợp ưu điểm của giống lúa gạo màu với quy trình canh tác hữu cơ giúp tạo ra sản phẩm vượt trội về chất lượng, không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Ngoài ra, việc chọn tạo các giống lúa mới này nhằm thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của Bình Định, bảo vệ môi trường cũng như duy trì độ phì nhiêu của đất, từ đó tạo ra hệ sinh thái trồng trọt-sản xuất bền vững.
Việc ASISOV nghiên cứu phát triển các giống lúa gạo màu mới đã góp phần quan trọng trong việc phát huy và bảo tồn giống gạo màu. Điều này không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện giống, khôi phục giá trị truyền thống mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, giàu dinh dưỡng của thị trường, tạo cơ hội xuất khẩu cho nông sản địa phương. Hơn hết, nỗ lực này còn giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, tạo sinh kế bền vững, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
2/Tương tự như nhiều ngành nghề kinh tế khác, ngành nông nghiệp cũng đang linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số vào canh tác, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi… nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động. Thế nhưng, làm thế nào để đưa được những giải pháp công nghệ đột phá đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn vẫn đang là bài toán khó?
Hiện nay, các công nghệ số như cảm biến, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, Internet of Things (IoT), Blockchain… đang được áp dụng để giám sát và quản lý cây trồng, độ ẩm đất, chất lượng không khí, sức khỏe của vật nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều khâu khác nhau, từ công đoạn phân loại, đóng gói, đưa vào dây chuyền sản xuất hàng loạt rồi dán nhãn… tất cả đều được ứng dụng chuyển đổi số vào ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm cũng mang lại tính minh bạch, chính xác trong xuất xứ thực phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành. Đặc biệt là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025… Trong đó, tập trung chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Các địa phương cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, áp dụng các kỹ thuật khoa học tiên tiến vào cải tạo đất trồng lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp, đất rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Các cấp chính quyền cần chủ động, tăng cường việc cung cấp thông tin về môi trường, đất đai, thời tiết để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, từ đó đưa ngành nông nghiệp đạt hiệu quả sản xuất cao.