Chuyện ghi ở Minh Châu

Giữa nhịp sống không ngừng sôi động, thật khó tin khi dạo một vòng quanh xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) mới hay tuyệt nhiên toàn xã không một quán ăn, quán nước, dịch vụ giải trí… Học sinh cấp III và bà con đi chợ chủ yếu bằng phà, đò. Tuy là xã nông thôn mới, tiêu chí hàng đầu là nước sạch vẫn “nợ”…
0:00 / 0:00
0:00
Bến phà xã Minh Châu.
Bến phà xã Minh Châu.

Vẫn cảnh “lụy” phà…

Minh Châu là xã thuộc vùng bãi bồi giữa sông Hồng, nằm ngay phía dưới điểm hợp lưu của ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô, cách trung tâm thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chưa đầy chục cây số, nhưng đời sống lại cách biệt nhiều với các địa phương khác. Thành lập từ năm 1955 với ba thôn: Chu Chàng, Chu Châu và Liễu Châu, khoảng năm 1972, thôn Liễu Châu sáp nhập với thị trấn Tây Đằng nên Minh Châu hiện chỉ còn hai thôn với diện tích tự nhiên hơn 563 ha, dân số hơn 6.545 khẩu, chủ yếu làm nông nghiệp. Hằng năm, mùa mưa lũ, nước dâng cao, cả xã gần như bị cô lập, việc di chuyển, thông thương, học hành của học sinh phụ thuộc hoàn toàn vào phà, đò nên thường xuyên gặp khó khăn.

Chuyến phà trưa từ xã Chu Minh sang Minh Châu chỉ khoảng chục người, hỏi ra là bà con mang nông sản sang chợ bên này bán, giờ về nhà. “Đây toàn dân gốc hay có người nơi khác tới định cư không bác?”, đáp lại câu hỏi của chúng tôi là từng ấy cặp mắt tò mò và những nụ cười hồn hậu. “Xưa nay, chỉ có người đất này chuyển đi nơi khác chứ chưa từng thấy ai ở đâu về”, giọng người chủ phà bồi hồi. Chính bởi vị trí địa lý đặc biệt nên nhiều người thường ví Minh Châu như “xã đảo”. Con đường “huyết mạch” giúp Minh Châu hòa nhập với các vùng lân cận được nối từ xóm 1 của xã sang huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, con đường ấy chỉ thuận tiện vào mùa khô, mùa mưa lũ sẽ bị ngăn chặn bởi đập tràn. Bởi vậy, giữa thời buổi này, bà con vẫn phải duy trì việc tích trữ, tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm. Bà con đi chợ bán mớ rau, con cá chẳng được bao nhiêu tiền vẫn phải chịu phí phương tiện. Năm 2000, Minh Châu là xã cuối cùng của tỉnh Hà Tây (trước kia) có điện lưới quốc gia; năm 2005 mới có sóng điện thoại và tận 2015 - 2016 mới phủ sóng mạng internet theo đường truyền từ Vĩnh Phúc.

Con em địa phương đang học tại trường THPT Ba Vì chia sẻ, vì xã không có trường cấp III nên tất cả đều phải đi phà sang huyện học, hôm nào về muộn sau 18 giờ thì phải bắt xe hơn 20 km ngược lên phía Vĩnh Tường mới về được đến nhà. Nhiều chục năm qua, bao thế hệ học sinh phải “lụy” phà để học hành, muốn đi học đúng giờ phải đợi phà hàng giờ đồng hồ để không bị nhỡ chuyến. Những đợt mưa lũ lớn, học sinh có thể phải nghỉ học; người dân ốm đau, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên cũng đầy khó khăn…

Báo động về ô nhiễm môi trường

Dù hộ nghèo và cận nghèo của xã Minh Châu vẫn còn cao so các xã trong huyện và thành phố, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương đã “thay da đổi thịt” nhờ triển khai hiệu quả mô hình nuôi bò sữa. Tổng giá trị sản xuất năm 2022 toàn xã đạt 382,9 tỷ đồng, tăng 11,9% so năm 2021. Trong đó, tổng diện tích đất gieo trồng là 269,03 ha, thu nhập trong trồng trọt ước đạt 62,2 tỷ đồng; trong chăn nuôi, đến năm 2022, tổng đàn bò trên toàn xã là 4.928 con, trong đó đàn bò sữa là 2.238 con. Từ một xã nghèo, cạnh những con đường lớn nay đã thấp thoáng biệt thự, nhà cao tầng.

Chúng tôi ghé thăm nhà anh Nguyễn Văn Hiệp, chị Nguyễn Thị Thủy - một hộ dân nuôi bò sữa tiêu biểu. Căn nhà mới khang trang, tiện nghi là minh chứng cho nỗ lực vượt khó của gia đình anh. Nhưng cũng như nhiều hộ dân, anh Hiệp bày tỏ mối băn khoăn bấy lâu chưa được tháo gỡ, đó là nhà cửa sát khu vực chăn nuôi dẫn tới ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe… nếu toàn xã quy hoạch được khu vực trang trại chăn nuôi bò ra phần đất nông nghiệp may chăng mới giải quyết được câu chuyện nan giải này.

“Nhà tôi là một trong những hộ đầu tiên nuôi bò sữa, tính đến nay đã 13 năm. Giá mỗi con bò không hề ít (khoảng 70-80 triệu đồng) nhưng người dân phải đối diện nhiều nguy cơ, trong đó có dịch bệnh. Chương trình khuyến nông của huyện có cho mỗi hộ vay từ 300 - 500 triệu đồng, đó cũng là một thuận lợi lớn. Tuy nhiên, khó khăn do vị trí địa lý và thiên tai gây ra nhiều cách trở. Có năm, mới tháng 4 nước sông đã dâng cao, cô lập toàn xã. Xã chưa có quy hoạch xây dựng trạm thu gom sữa nên mùa mưa lũ, bà con vẫn phải mang sữa qua phà, đò để nhập. Một vấn đề không kém phần bức thiết nữa đó chính là nước sạch. Đã sẵn đường nước nhưng nước… chưa về!”, anh Hiệp chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt cho biết, đúng là địa phương còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Về chăn nuôi, việc quá tải chất thải gây dồn tắc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sức khỏe con người và vật nuôi, gây ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh. Do vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên chưa thực hiện đưa dự án chăn nuôi bò và tiêu thụ sản phẩm từ bò của địa phương. Về công tác xây dựng nông thôn mới, tiêu chí nước sạch đến thời điểm này dự án chưa được phê chuẩn, địa phương mong mỏi và đã đề nghị được cấp trên quan tâm. Các giải pháp nhìn chung mới chỉ ở dạng kêu gọi tuyên truyền người dân giữ vệ sinh môi trường, chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi… chứ chưa có sự quy mô, triệt để.

Những người già trong các thôn - thế hệ đầu tiên sinh sống và lập nghiệp ở đây bùi ngùi kể, xưa kia Minh Châu như một “ốc đảo, hơn ai hết, họ thấm thía nỗi vất vả của mình và thế hệ con cháu. Bao người rời Minh Châu lập nghiệp phương xa và thỉnh thoảng chỉ còn về ghé thăm chốn cũ. Giờ đây, trong mỗi nhà dân vẫn chuẩn bị thuyền để chạy lũ. Quanh xã, tìm mỏi mắt không tìm ra một quán nước, quán ăn và dịch vụ vui chơi giải trí… Hầu hết người dân khi được hỏi về những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian lao động mệt nhọc đều chung câu trả lời: “Đóng cửa, đi ngủ sớm”, còn trẻ em thì hoạt động vui chơi gần như chỉ diễn ra tại trường học trong khoảng thời gian và không gian có hạn. Thiết nghĩ, chính địa phương cũng cần tự vận động, năng động hơn để tự “thắp sáng” cho mình bằng những nguồn lực sẵn có, nhất là khi điều kiện kinh tế đã được cải thiện, mức thu nhập bình quân đã tăng đáng kể.

Đến đây, chúng tôi chợt nhớ tới những “dự án” do người dân tự khởi xướng và thực hiện tốt ở nhiều địa phương vùng sâu miền xa như: thư viện cộng đồng, không gian sinh hoạt văn hóa, quán hàng bản sắc… đã để lại ấn tượng tốt đẹp và gieo hy vọng trong lòng khách xa.