10 năm loay hoay
Năm 2013, lần đầu tiên việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không được đem ra mổ xẻ. Tuy nhiên sau 10 năm bàn bạc tìm cách triển khai, đến nay mới chỉ có sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) được xã hội hóa hoàn toàn theo hình thức PPP, còn lại 21 sân bay do doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và khai thác. Ngoài ra, có hai dự án nhà ga được xã hội hóa là nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng và nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh.
Thừa nhận những khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực hàng không, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) phân tích: Đây là một chủ trương rất lớn, không thể một sớm, một chiều làm được ngay. Không riêng gì Việt Nam, các quốc gia khác cũng vậy, đều phải có lộ trình kèm theo đó là một loạt chính sách. Thứ nhất, theo Luật Đất đai, cơ chế chuyển từng phần đất đai quân sự cho hàng không dân dụng khá phức tạp. Bộ Quốc phòng dù rất ủng hộ nhưng cũng phải sắp xếp, có cơ chế bồi thường. Thứ hai, sau khi cổ phần hóa, tài sản kết cấu hạ tầng cảng hàng không được bàn giao cho ACV theo phương thức không tính thành phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn có tài sản chung sử dụng vào mục đích khác. Trước mắt đang thí điểm giao cho ACV quản lý còn sau đó, xử lý tài sản này như thế nào vẫn chưa rõ.
Mở đường cho dòng vốn tư nhân
Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc) và 16 cảng hàng không trong nước (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa). Đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không, đáp ứng được khoảng 294,5 triệu hành khách, bảo đảm hơn 95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100km.
Để hiện thực hóa các mục tiêu theo quy hoạch, chỉ tính đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không cần khoảng 420 nghìn tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đặc biệt, với cảng hàng không mới, Nhà nước huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP. Cảng hàng không hiện đang khai thác sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác.
Ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho rằng: Vấn đề chính là làm thế nào để tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi, có tiếng nói giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Hai yếu tố đó nếu “khớp” nhau thì chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề đặt ra. Ngoài ra, nếu chỉ thu hút đầu tư vào sân bay mà quên mất việc tạo điều kiện cho các hãng hàng không và công ty vận tải thì hiệu quả của sân bay sẽ không cao. Bởi khi có sân bay, có hành khách sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho chính quyền, cho địa phương.
Chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh đã quyết tâm cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục pháp lý và hành chính. Ngoài ra, chính quyền quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo đảm thời gian cam kết.
Để thu hút được nguồn vốn tư nhân, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam nhận định, có ba vấn đề cần phải làm rõ, đó là: Quan hệ về đất đai; Quan hệ về hạ tầng khu bay; Xử lý tài sản của ACV đối với các sân bay. Đặc biệt, cần có cơ chế cho các nhà đầu tư tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay định thực hiện xã hội hóa. Bên cạnh đó cần “trải thảm” về thủ tục hành chính một cách đơn giản, mạch lạc, tránh những rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ tạo ra được sự đột phá.
Nhằm hút nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng cảng hàng không, hiện Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Theo đó, Cục Hàng không kiến nghị lựa chọn hình thức đầu tư PPP để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng các cảng hàng không; Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây kỳ vọng sẽ là bước đột phá về chính sách mở đường cho dòng vốn tư nhân chảy vào lĩnh vực hạ tầng hàng không.