Phim về lứa tuổi học trò - Đất màu còn bỏ ngỏ

Một thoáng rung động đầu đời, những trò nghịch ngợm hồn nhiên, những lo toan thi cử và những kỷ niệm đẹp như thơ sẽ khiến mỗi người dù ở tuổi nào khi bất giác nhớ về, đều mong có cuốn phim quay chậm ngược thời gian. Ấy thế mà, những nhà làm phim dường như chưa chú trọng khai thác mảnh đất màu mỡ còn bỏ ngỏ này.

Cảnh trong phim “Cô gái đến từ hôm qua”.
Cảnh trong phim “Cô gái đến từ hôm qua”.

Dòng suối nhỏ

Điểm các phim làm cho tuổi học đường thì không phải là ít. Hàng chục phim ngắn giới teen Việt đã mê mẩn như “Có một sự thích nhẹ”, “Mùa hè tuổi 17”. Các phim “Tớ thích cậu, thật đấy”, “Mùa yêu đầu tiên”, “Khi tôi đi học 2”… cũng được các khán giả tuổi ô mai hưởng ứng nhiệt tình.

Khán giả thế hệ 8X, 9X cũng không thể nào quên từng tập phim “12A và 4H”, “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Nhật ký Vàng Anh”, “Bước nhảy xì tin”, “Chít và Pi”... Đáng chú ý nhất phải kể đến các phim “Thứ ba học trò”, bộ phim phát sóng năm 2009, nhận được nhiều sự quan tâm theo dõi và yêu thích của teen. Hay “Kính vạn hoa” được chuyển thể từ bộ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong khi đó “Những thiên thần áo trắng” bộ phim truyền hình tuổi học trò với sự tham gia của dàn sao: Miu Lê, Nam Cường, Nhã Phương, Midu... đã gây nhiều sự chú ý.

Ở lĩnh vực phim điện ảnh “Giải cứu thần chết” cũng mang đến một cơn sóng nho nhỏ với giới mộ phim còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, các phim như “Gia sư nữ quái”, “Bóng ma học đường”, “Hit Hoàng tử và Lọ Lem”, “Cuộc đua kỳ thú”, “Dành cho tháng sáu”… ít nhiều nhắc nhở khán giả biết đến điện ảnh “made in VietNam” cũng vẫn có những tác phẩm phục vụ chính “thượng đế” của mình chứ không phải cứ đến rạp là chờ đợi phim ngoại nữa.

Bỏ ngỏ vì khó?

“Hiện tượng” phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và gần đây, phim “Cô gái đến từ hôm qua” đạt doanh thu 14 tỷ đồng sau bốn ngày chiếu sớm cho thấy khán giả, nhất là khán giả tuổi teen, vẫn đang “khát” phim cho lứa tuổi của mình. Còn khát, nghĩa là còn thiếu phim về lứa tuổi học đường.

Các đài truyền hình như VTV, HTV, SCTV, Vĩnh Long… không phải là không nhìn thấy vấn đề này. Họ đã cho lên sóng hàng loạt phim Việt dành cho tuổi học trò như: “Trường nội trú”, “Ngôi sao thứ 31”, “Trước ngưỡng cửa đời”, “Tiểu thư đi học”, “Hè không phai”, “Cầu vồng đơn sắc”, “Ngôi đền cổ tích”, “Những giấc mơ hồng”, “Lặng lẽ yêu em”, “Đường hoang lạc bước”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Bản lĩnh công tử”…

Tuy nhiên, các phim dài tập và quy tụ nhiều “sao” được khán giả thần tượng nhưng thật sự vẫn chưa tạo được những tiếng vang, chưa có những thành công suất sắc đáng nể, đáng ghi nhận ở lĩnh vực này. Một trong số các lý do là nhiều phim xây dựng nhân vật không phù hợp, nhiều tình tiết quá “vô tư” không thể chấp nhận được… Bên cạnh đó, sau khi “hút mắt” khán giả với vài tập đầu bởi sự xuất hiện của các hotboy, hotgirl, họ không tạo nên đột phá. Những ca sĩ, người mẫu chỉ là “bình hoa di động”, thiếu kinh nghiệm diễn xuất, không biểu lộ cảm xúc, tình cảm mà “đơ như cây cơ” khiến khán giả mất hứng.

Nhiều phim lại khai thác tình cảm học trò một cách thiếu tinh tế kiểu “mang dùi đục đi tán gái”, yêu đương học trò mà tìm đủ mọi cách để “cua” gái, nhiều khi sỗ sàng, khó chấp nhận nổi. Vẫn biết rằng tuổi học trò bồng bột, có thể làm bất cứ điều gì và phim có thể cường điệu cho tăng tính hấp dẫn nhưng không có nghĩa cả phim chỉ rặt những diễn biến phản cảm như vậy.

Một cái khó cho phim học đường. Ấy là những cảm xúc mong manh mơ hồ, những tính cách thất thường mưa nắng, những suy nghĩ, tính toán còn non nớt hồn nhiên, nhẹ nhàng như cánh bướm thoắt đậu thoắt bay, đòi hỏi đạo diễn và cả diễn viên phải hòa nhập và thể hiện bằng cả tâm hồn mình. Điều này khó có thể dùng kỹ xảo, thủ thuật được. Nếu né tránh, phim học đường coi như mất đi “phấn hương” tự nhiên mà chẳng có gì hấp dẫn nữa.

Tuổi teen là lứa tuổi nhiều thời gian, khao khát khám phá và làm chủ công nghệ. Hàn Quốc có những phim “School 2015”, “Người thừa kế”, “Dream high” 1, 2, “Tôi là thầy giáo”, “Nhiệt huyết tuổi thanh xuân”, “Gia đình là số một”, “Tình yêu tuổi học trò”… khiến khán giả cả châu lục mê mẩn. Trung Quốc cũng không kém với các phim “Gửi tuổi thanh xuân”, “Nếu thanh xuân không giữ lại được”, “Năm tháng vội vã”… Nếu các nhà làm phim Việt vẫn chỉ loanh quanh làm theo thời vụ, không đánh trúng tâm lý lứa tuổi thì chỉ đành ngậm ngùi ngồi nhìn khán giả Việt đổ ra rạp xem phim nước ngoài hoặc ngồi mạng internet “tiêu dùng” phim ngoại mà thôi.