Nguồn lực từ đất đai
So với các địa phương khác, huyện Củ Chi có nguồn lực đất đai rất dồi dào, chiếm tới 1/4 diện tích toàn thành phố (43.000 ha). Thế nhưng, hiện Củ Chi còn kém phát triển so với các địa phương khác do chưa phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có. Nguyên nhân do hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, các trục đường chính đi qua địa bàn như quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... luôn trong tình trạng quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, dù có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng người dân huyện Củ Chi vẫn chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống nên giá trị sản xuất đạt năng suất thấp... “Dù dồi dào tiềm năng, lợi thế nhưng nhiều năm qua, bộ mặt đời sống xã hội, kinh tế toàn huyện chưa được cải thiện nhiều, chưa tạo được sự đột phá lớn. Mong rằng chính quyền thành phố quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để đưa huyện đi lên”, anh Vương Văn Út (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) gửi gắm nguyện vọng.
Tương tự, huyện Hóc Môn cũng có diện tích đất nông nghiệp khá dồi dào nhưng sản xuất nông nghiệp kém phát triển. Trong khi đó, nhiều khu vực trên địa bàn bị quy hoạch “treo” kéo dài, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên cho biết, bên cạnh đất nông nghiệp thì ngay cả đất đô thị và đất dịch vụ cũng chưa được khai thác hiệu quả. Cần tăng hệ số sử dụng đất để phát huy tối đa giá trị của nguồn lực này.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã từng có kế hoạch đầu tư lên Hóc Môn, Củ Chi, ngoài nguyên nhân lớn nhất về hạ tầng kém phát triển thì chính sách thu hút đầu tư vào đây của thành phố chưa hấp dẫn. TP Hồ Chí Minh muốn giãn dân ra khỏi nội thành nhưng vẫn cho một số nơi trong nội thành xây dựng thêm cao ốc, tăng chỉ tiêu dân số. Các hướng được xác định phát triển chính đô thị của thành phố là Nam và Đông được ưu tiên cả về nguồn lực lẫn chính sách thu hút đầu tư hơn so với hướng lên tây bắc là Củ Chi và Hóc Môn.
Là một nhà đầu tư cần quỹ đất vùng ven TP Hồ Chí Minh để phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu của người dân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Sea Holdings Trần Hiền Phương đánh giá, việc phát triển hạ tầng kết nối các tỉnh như Long An và Tây Ninh có tuyến đường xuyên Á, quốc lộ 22, DT823 và DT825, ngã ba chợ Lộc Giang và cầu vượt Củ Chi, cao tốc vành đai 3-Mộc Bài và tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) đang là những con đường huyết mạch giúp việc kết nối các tỉnh lân cận phía tây và tây bắc TP Hồ Chí Minh thuận tiện hơn. Do đó, tiềm năng của khu đô thị phía tây bắc là rất hứa hẹn và khả thi cho việc đầu tư đường dài.
Trong đó, doanh nghiệp cần quỹ đất sạch để đầu tư phát triển đô thị, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở phù hợp với định hướng phát triển lên thành phố của huyện Củ Chi, lên quận của huyện Hóc Môn. “Muốn vậy, cần đẩy nhanh hạ tầng kết nối, đặc biệt là khu vực Tây Ninh đổ về, vì nơi đây có cửa khẩu quan trọng sẽ thúc đẩy nhanh kinh tế khu vực đi lên. Ngoài ra, cần có những quy hoạch rõ ràng và dài hạn hơn trong 30-50 năm tới để thu hút hơn dành cho các tập đoàn bất động sản đến khu vực này”, ông Trần Hiền Phương mong muốn.
Hiện, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng đường vành đai 3, kết nối Củ Chi, Hóc Môn với thành phố Thủ Đức và tỉnh Đồng Nai; thực hiện các bước thủ tục đầu tư xây dựng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh); quy hoạch đường ven sông Sài Gòn kết nối Củ Chi với trung tâm thành phố. Với hệ thống giao thông liên vùng này, Củ Chi và Hóc Môn có nền tảng về hạ tầng để phát triển bứt phá.

Đột phá trong chiến lược phát triển
Từ thực trạng hiện nay, huyện Củ Chi đang thực hiện thu hút các nguồn lực, nâng cao giá trị khai thác đất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch. Hiện, có hai nhà đầu tư đến từ Singapore đang đề xuất ý tưởng xây dựng Khu đô thị sinh thái nông nghiệp-thực phẩm công nghệ cao với quy mô 100.000 dân. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,2 tỷ USD, hứa hẹn trở thành điểm nhấn của vùng đất phía bắc thành phố trong 10 năm tới.
Trao đổi ý kiến với Thời Nay, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, địa phương này định hướng không lên quận mà lên thẳng thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh. “Huyện Củ Chi sẽ kết hợp nguồn lực đất đai với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Củ Chi sẽ chuyển một phần đất nông nghiệp sang bất động sản công nghiệp, từng bước hình thành trung tâm logistics khu vực phía bắc của thành phố”, ông Thắng cho hay.
Tại huyện Hóc Môn, theo định hướng, địa phương này sẽ lên quận trước năm 2025 (hiện đã đạt 30/30 tiêu chí). Huyện cũng phấn đấu thu ngân sách chạm mốc 2.000 tỷ đồng vào năm 2025. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên cho biết, lợi thế của địa phương là có tới 5.000 ha đất nông nghiệp chưa sử dụng, sẵn sàng chuyển sang đất đô thị, dịch vụ. “Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, sát cánh cùng doanh nghiệp tâm huyết để đầu tư và phát triển”, ông Trần Văn Khuyên nhấn mạnh.
Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 (đang được thành phố nghiên cứu điều chỉnh) khoảng 6.000 ha của Củ Chi, Hóc Môn trải dài từ xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) tới các xã Tân An Hội, Phước Hiệp, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) được quy hoạch làm khu đô thị vệ tinh tây bắc, có chức năng dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Mục tiêu của thành phố khi thực hiện lập quy hoạch này là hình thành một khu đô thị vệ tinh hiện đại.
Cuối năm 2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung lập điều chỉnh quy hoạch khu đô thị tây bắc. Theo đó, thành phố kiến nghị tăng quy mô dân số lên 600.000 người (gấp đôi so với phê duyệt của Thủ tướng năm 2010); giảm quy mô từ 6.000 ha xuống 4.410 ha, chuyển phần còn lại thành khu vực hiện hữu. Khu hiện hữu sẽ quy hoạch theo hướng chỉnh trang, phù hợp với điều kiện thực tế, qua đó cho phép khoảng 56.000 người dân bị quy hoạch “treo” nhiều năm được sửa chữa, xây dựng nhà cửa khi có nhu cầu; chỉ tổ chức mô hình nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại các khu vực đầu mối metro, dọc các tuyến giao thông chính...
Theo TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, sự thay đổi trên đã xác định được khu vực trọng điểm để đầu tư, không dàn trải quá lớn như trước đây. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực vượt qua đại dịch, nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Chưa hết, còn “mở” cho người dân được xây, sửa nhà theo quy định, huy động được nguồn lực không nhỏ trong dân vào phát triển đô thị. Đồng thời, kèm theo đó phải có những quy định cụ thể để tránh trường hợp xây dựng tràn lan, không phép, trái phép…, từ đó sẽ phá vỡ quy hoạch chung của khu đô thị tây bắc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đầu tháng 4/2022, UBND thành phố sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn với chủ đề “Đô thị hiện đại và sinh thái”. Trong khuôn khổ hội nghị, thành phố sẽ giới thiệu 55 dự án kêu gọi đầu tư cùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của hai huyện liên quan đến các lĩnh vực hạ tầng, giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp... với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 285.000 tỷ đồng, nhằm hướng đến xây dựng khu đô thị tây bắc phát triển trong thời gian tới.