Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Nuôi giữ đạo hiếu trong đời sống đương đại

Từ rằm tháng Bảy đến Tết Trung thu, không khí của đầm ấm, sum họp và chung vui trong gia đình, của sự biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên được người dân ta nhen nhóm, nuôi giữ. Trong đời sống hiện đại hôm nay, vào những ngày tháng Bảy bước sang tháng Tám âm lịch này, những câu chuyện về đạo hiếu, về tình cảm yêu thương, đùm bọc vẫn được ôn lại nơi chùa chiền và nhiều không gian thờ tự khác, cũng như dưới mỗi mái ấm gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn cách dùng trang phục truyền thống như một hình thức giáo dục lễ nghĩa trong gia đình. Ảnh: Lê MINH
Hướng dẫn cách dùng trang phục truyền thống như một hình thức giáo dục lễ nghĩa trong gia đình. Ảnh: Lê MINH

Lâu nay khi nói về đạo hiếu ta hay gắn với câu chuyện ông Mục Kiền Liên cứu mẹ có xuất xứ từ nước ngoài. Chuyện kể rằng, mẹ ông La Bốc là người tham lam xấu tính nhưng người con lại tu hành khổ hạnh, đắc đạo lấy tên là Mục Kiền Liên. Ông biết mẹ mình sau khi chết bị giam ở địa ngục nên xin Phật đi tìm mẹ. Ông qua nhiều cửa ngục như Khôi Hà, Huy Giao, A Tì… mới đến được chỗ mẹ thì thấy mẹ đang bị tra khảo hình phạt rất nặng. Mục Kiền Liên đã xin Phật ân xá cho bà. Phật đồng ý nhưng lại bắt bà mang kiếp chó cái. Mục Kiền Liên cố gắng giúp mẹ tu tỉnh, sau mới trở lại kiếp người, thoát mọi oan gia nghiệp báo.

Mục Kiền Liên là một tấm gương hiếu hạnh rất sáng cần học tập. Nhưng ở Việt Nam những câu chuyện, những tấm gương hiếu đễ cũng có rất nhiều và nó là những giá trị văn hóa hẳn hoi. Nó gắn với nếp suy nghĩ với tình cảm của người Việt. Nó cũng gắn với những triết lý mà Nho giáo, Phật giáo, cả Thiên chúa giáo xây dựng và người Việt vận dụng nó một cách tự nhiên, thuần thục.

Nói tới đạo hiếu Việt Nam, trước hết hãy tìm hiểu qua những tập tục.

Trong cách ứng xử, trong quan hệ gia đình làng xóm, cộng đồng, người ta hay nhắc đến gia lễ, gia pháp, gia phong. Đó là những nền nếp, phép tắc của một gia đình, một dòng họ. Theo đúng những phép tắc này thì từng thành viên trong gia đình sẽ giữ được nhân cách của mình. Có nhiều gia đình, nhiều dòng họ còn xây dựng gia phả để biểu dương truyền thống, ghi nhận hành trạng của tiền nhân, lấy đó làm những tấm gương trân trọng. Chính Nhà nước cũng căn cứ vào những nền nếp, tập tục mà xưa cũng như nay có những văn bản pháp luật bảo vệ gia đình cùng với những hương ước do từng làng quy định. Đó là một biểu hiện của việc giữ gìn đạo hiếu.

Ở từng gia đình, nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên, thờ các vị thần linh. Một số nhà còn có bàn thờ riêng, thờ Phật, thờ Chúa. Những nén hương thơm trong các ngày giỗ chạp chính là một sự giao lưu giữa người đang sống với những người đã khuất. Đây cũng là biểu hiện của đạo hiếu. Đấy là chưa nói đến những ngày lễ gắn với từng thành viên gia đình như mừng thọ, khao vọng, lễ tế sống, Tết Nguyên tiêu, Hàn thực, Thanh minh…

Đạo hiếu của người Việt còn gắn với các giá trị lớn của Nho giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo và các giáo lý khác nữa. Các gia đình Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo. Họ luôn nhắc nhở nhau: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Anh em như thể chân tay…”, “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”… Việt Nam từ xưa đã có nhiều tấm gương hy sinh, xả thân… Biểu hiện từ những ứng xử cá nhân với cá nhân, đến cá nhân với tổ tiên, đồng bào, Tổ quốc. Hiếu không chỉ với cha mẹ mà còn hiếu với Dân, với Nước. Những câu chuyện như Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, dựng cờ “phá cường địch, báo hoàng ân” khi còn nhỏ tuổi, chuyện Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải biết dẹp những mâu thuẫn riêng tư đoàn kết cùng lo đánh giặc, rồi chuyện Vua Tự Đức tự đặt roi lên lưng chịu tội trước mẹ, cả chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư tạ lỗi anh vì bận việc nước không về chịu tang… là những minh chứng.

Đạo Phật thì không có phương châm tu thân, tề gia nhưng lại rất tập trung đề cao chữ hiếu. Đạo Phật từng chỉ ra 10 công đức của người mẹ với con cái. Phật dạy: “Sữa mẹ mà các vị đã bú khi đang lang thang trong ba cõi luân hồi còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương”. Những câu ca như: “Lạy cha ba lạy một quỳ/Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng” chính là cách dạy của nhà Phật vì cha mẹ là Phật của con. Còn câu ca: “Thứ nhất là tu tại gia/Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa” lại là một biểu hiện sâu sắc của chữ hiếu theo tinh thần Phật giáo. Theo về Phật là phải biết tu. Tu là gắn với tính thiện. Tu nhà là tu tâm vì ở nhà có cha, có mẹ. Họ là Phật. Có câu chuyện cô con dâu cúng Phật nhưng lại dâng cha mẹ thụ hưởng trước. Cô nói cha mẹ chính là Phật trong nhà.

Đạo Thiên chúa rất tôn trọng gia đình. Họ không nhận việc bỏ vợ, bỏ chồng, không chấp nhận kẻ ruồng rẫy cha mẹ hay anh em xâu xé nhau. Cụ Trần Lục (cụ Sáu) là một giáo sĩ nổi tiếng đã có những bài ca về giáo dục luân lý gia đình cũng rất gần gũi với truyền thống dân tộc: “Phần hồn thì Chúa sinh ra/Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành”. Bài “Hiếu tự ca” của cụ Trần Lục còn có những câu rất cảm động: “Làm con chớ ở bạc tình/Cướp công cha mẹ sinh thành sao nên” hoặc: “Hãy lắng tai nghe lời Chúa hứa/Ai hết lòng hiếu thảo mẹ cha/Sẽ ban phần thưởng này là/Sống lâu dưới thế để mà trả công”…

Ở một số tôn giáo, tín ngưỡng khác như đạo Hồi, đạo Cao Đài, Hòa Hảo, tín ngưỡng thờ Mẫu… tại Việt Nam, việc giáo dục con người kính trọng tổ tiên, biết ơn người có công phụng dưỡng cha mẹ rất được khuyến khích.

Nêu một số ý như trên để thấy cái gọi là Đạo Hiếu ở con người Việt Nam là có nguồn gốc, cội rễ sâu xa. Là người Việt Nam, chúng ta phải thấy những giá trị đó là một giá trị thuần Việt, một giá trị quan trọng trong văn hóa gia đình Việt Nam. Ở nước ta, những tấm gương như ông Mục Kiền Liên là rất nhiều. Đó là nàng Cúc Hoa trong chuyện “Tống Trân” dắt mẹ đi ăn mày vì bị ép phải bỏ chồng. Đó là chuyện Phạm Công cõng xác vợ và bồng hai con đánh giặc. Đó là nàng Thị Phương trong chuyện “Trương Viên” cắt thịt nuôi mẹ chồng, chấp nhận bị móc mắt để giữ mạng sống cho mẹ chồng hay chuyện Tôn Mạnh, Tôn Trọng tranh nhau đòi chết để nhường quyền sống cho người còn lại và bà mẹ dám chấp nhận con đẻ bị chết nhường quyền sống cho hai đứa con chồng, chuyện nàng Phương Hoa giả trai đi thi, đỗ cao và cứu cả nhà chồng... Cần để mọi người biết nhiều hơn nữa về các giá trị văn hóa đẹp này.