Niềm vui chung từ trái sầu riêng

“Một gốc sầu riêng cho thu nhập bằng cả công lúa” - đó là niềm vui của những người nông dân xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành, An Giang) sau 5 năm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang cây sầu riêng. Đây được coi là một hướng đi mới đối với ngành nông nghiệp tại xã thuần nông Vĩnh Nhuận sau nhiều năm loay hoay với cây lúa.
0:00 / 0:00
0:00
Sầu riêng được trồng ở xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành, An Giang). Ảnh: BÁO AN GIANG
Sầu riêng được trồng ở xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành, An Giang). Ảnh: BÁO AN GIANG

Gia tăng thu nhập

Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Châu Thành (An Giang), Vĩnh Nhuận có đến 90% diện tích là đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất trồng lúa. Dù là cây trồng lâu đời nhưng những năm gần đây đời sống của người trồng lúa gặp không ít khó khăn khi chi phí sản xuất ngày tăng cao, giá bấp bênh, dịch bệnh nghiêm trọng. Chuyển đổi diện tích cây trồng cũng vì thế đã trở thành bài toán nhiều trăn trở cho cả người dân và cấp ủy chính quyền xã Vĩnh Nhuận.

Bà Hồ Thị Hồng Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nhuận cho biết: Khó khăn buộc người dân cũng phải mày mò tìm ra hướng đi mới. Nhiều hộ đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa rồi chăn nuôi bò, cá... Tuy nhiên mô hình sầu riêng đang phát huy hiệu quả hơn cả. Sau thời gian thử nghiệm, hiện xã cũng đang tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng theo hướng an toàn, bền vững.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2019, ông Bùi Văn Cưỡng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Hòa đã tiên phong chuyển đổi 0,6 ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng. Thấy hiệu quả kinh tế mang lại, ông Cưỡng tăng diện tích trồng lên gần 7,5 ha, trung bình khoảng 250 cây sầu riêng/ha.

“Năm 2022, sầu riêng ra trái, bán được giá 120.000 đồng/kg. Sang năm 2023, giá có sụt giảm chút do thị trường chung nhưng cũng bán được 95.000 đồng/kg. So với trồng lúa thì thu nhập của cây sầu riêng gấp nhiều lần bởi vậy bà con đã mạnh dạn tin tưởng làm theo. Hiện Hợp tác xã Vĩnh Hòa có hơn 30 hộ nông dân trồng sầu riêng với diện tích 22 ha. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng sầu riêng”, ông Bùi Văn Cưỡng cho biết.

Là một trong những hộ đầu tiên thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng sầu riêng, ông Trần Văn Thủy, người dân ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận vui mừng kể: “Một gốc sầu riêng cho thu nhập bằng cả công lúa” - trước kia có nằm mơ tôi cũng không nghĩ hiệu quả đến vậy. Thời gian đầu mới chuyển đổi cũng vất vả lắm bởi sầu riêng là cây lâu năm, vừa trồng chưa thể cho thu nhập ngay. Rồi mọi điều kiện thổ nhưỡng, quy trình chăm sóc cũng phải học kỹ càng hơn thì đầu ra sau này mới ổn định. Cũng may mọi việc có Nhà nước và hợp tác xã đồng hành nên bà con không phải loay hoay tự bơi nữa.

Hướng đến phát triển bền vững

Không chỉ tập trung tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng sầu riêng mà quan trọng hơn là phải có những bước đi vững chắc, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Ông Bùi Văn Cưỡng cho biết: Sầu riêng của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Hòa hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP, có mã vùng trồng. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu các tiêu chuẩn để hướng tới xuất khẩu và triển khai xây dựng khu sinh thái sầu riêng, kết hợp giữa trồng và làm du lịch nông thôn.

Chuyển đổi cây trồng nhưng không làm tràn lan mà làm tới đâu chắc tới đó là hướng đi đúng đắn mà Vĩnh Nhuận đang áp dụng cho cây sầu riêng. Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhân rộng mô hình sản xuất sầu riêng hiệu quả; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn.

Ông Phạm Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nhuận cho biết: Hiện xã Vĩnh Nhuận đang trong quá trình xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trong đó việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân là ưu tiên hàng đầu. Đối với cây trồng đã gắn bó lâu đời với người dân là cây lúa, chúng tôi hướng đến phát triển các giống lúa chất lượng cao, sản xuất theo đơn hàng với doanh nghiệp để ổn định đầu ra. Bên cạnh đó, xã đang thực hiện chuyển đổi một phần diện tích kém hiệu quả sang cây sầu riêng và bước đầu thu được những hiệu quả nhất định. Có thời điểm, thu nhập từ cây sầu riêng gấp tám lần so với cây lúa. Tuy nhiên, để phát triển thì phải làm theo hướng bền vững, coi đây là sản phẩm thương mại, gắn với nhu cầu thị trường. Hiện sản phẩm trái sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Hòa được chúng tôi lựa chọn là sản phẩm chủ lực của xã để bán qua kênh thương mại điện tử, đồng thời hướng tới xuất khẩu trong tương lai không xa.