Những nữ thủ lĩnh trong bản làng Vân Kiều

Từng chịu rất nhiều hệ lụy, thiệt thòi từ những định kiến, bất bình đẳng về giới, nhiều chị em đồng bào dân tộc thiểu số trong bản làng Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã dần làm thay đổi ý thức, cách nhìn nhận của cộng đồng về vị thế phụ nữ.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Hồ Thị Hồng - tấm gương vượt lên định kiến về giới, là người có uy tín trong đồng bào.
Chị Hồ Thị Hồng - tấm gương vượt lên định kiến về giới, là người có uy tín trong đồng bào.

Trên con đường “độc đạo” Vĩnh Ô

Từ thành phố Đông Hà, chúng tôi đi hơn 40km qua Cam Lộ, đến xã Linh Trường của huyện Gio Linh rồi băng tiếp thị trấn Bến Quan, qua xã Vĩnh Hà, chạy thêm 20km nữa mới đến được Vĩnh Ô. Con đường đầy dốc, với sương đặc quánh. Dễ hơn 10 giờ sáng nhưng trên những khúc đường cheo leo sương núi vẫn còn la đà. Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô bảo với chúng tôi rằng: Đi hết gần 20km là Bản Mới, xong tới Bản 2, chị Hồ Thị Hồng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bản 3, tức bản Xà Xin, đi từ trung tâm xã thêm 5km nữa, sau đó lên bản Mít, còn bản Mới nằm ở trung tâm xã. Đó là các thôn có người uy tín là nữ giới.

Hơn 20km đường rừng “độc đạo”, đời sống 376 hộ với 1.471 nhân khẩu đồng bào Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hồ Văn Đàn cho hay, chính quyền địa phương đang vận động nhân dân thực hiện chính sách giãn dân dần dần về phía tiếp giáp với xã Vĩnh Hà, thay đổi lối sống tập trung, co cụm không có lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Trong rất nhiều hoạt động liên quan đến kinh tế-xã hội ở địa phương, người có uy tín có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xã Vĩnh Ô có tổng cộng bảy bản, tương ứng với bảy người có uy tín, trong đó người có uy tín là nữ có ba đại biểu.

Nhiều khó khăn đã trải qua. Và những khó khăn hiện tại không phải là trở ngại lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Cái thuận lợi lớn nhất vẫn là sự tin tưởng của đồng bào đối với chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó công tác tuyên truyền có vị trí đặc biệt quan trọng. Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã hào hứng: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã có nhiều bước chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động. Năm 2022, chính quyền đã phối hợp người uy tín, già làng, trưởng bản tổ chức 30 buổi tuyên truyền, vận động người dân bản về việc đền bù, hỗ trợ để xây dựng cầu sắt tại Bản 1 và tuyến đường nhánh Đông, nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, từ Vĩnh Ô đi Hướng Lập (huyện Hướng Hóa). Qua đó nhiều chủ trương, chính sách được triển khai kịp thời đến người dân, nhất là chính sách cho người có công với cách mạng, bảo hiểm y tế, chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… Các chương trình đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, các dự án đầu tư hỗ trợ, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đã thực hiện tích cực. Những đổi thay đó có vai trò của người có uy tín, đặc biệt là người có uy tín nữ như chị Hồ Thị Hồng, Hồ Thị Chinh, Hồ Thị Hoa.

Nữ thủ lĩnh của bản làng

Từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, từ Chi hội trưởng Phụ nữ thôn đến hai nhiệm kỳ liên tiếp làm Trưởng thôn và hiện tại là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bản Xà Nin, xã Vĩnh Ô, chị Hồ Thị Hồng, sinh năm 1975, dân tộc Vân Kiều là người thay đổi từ chính bản thân mình đến thay đổi người khác.

Cuộc sống không mấy dễ dàng gì đối với phụ nữ, nhất là với phụ nữ trong đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng đặc biệt khó khăn. Chị Hồng bùi ngùi kể lại, năm 18 tuổi chị lấy chồng. Phụ nữ nghèo, sinh con, điều kiện rất khó khăn, nương rẫy mất mùa do thời tiết, do không biết cách làm… Chị Hồng khóc, cuộc trò chuyện với chúng tôi nhiều lúc bị gián đoạn. Những năm thập kỷ 90, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vô vàn khó khăn gian khổ là tình cảnh chung của rất nhiều người, với rất nhiều gia đình. Chị Hồng cho hay, nhờ lấy được một người chồng hiểu biết nên cái khó bỏ qua một bên, gia đình chị tập trung làm nương rẫy, từ một gia đình nghèo khó tới một gia đình đủ ăn rồi thành gia đình khá giả trong đồng bào. “Mình nói được, làm được nên có khó khăn gì ai cũng tìm đến hỏi để giúp đỡ và chỉ đường, dần dần như thế mình được bà con tin”, chị bộc bạch.

Bày tỏ quan điểm của mình về giới, chị Hồng cho hay: Hồi nhỏ không biết gì về phụ nữ, về đàn ông. Lớn lên chị nghĩ phụ nữ thì lấy chồng, theo chồng, sinh con, làm rẫy và… hết. Sống đến già như thế rồi chết là xong phụ nữ. Sau rồi nghĩ khác, không phải chuyện đàn ông có hai tay hai chân, phụ nữ có hai chân hai tay mà chuyện khác. Trong suy nghĩ, trong công việc, bất cứ phụ nữ hay đàn ông có hiểu biết thì làm được nhiều việc, làm tốt. Còn đàn ông hoặc phụ nữ không biết nhiều thì làm ít, không được hiệu quả. Vì vậy chị nghĩ phụ nữ và đàn ông đều bình đẳng thôi.

Đảm đương chức vụ Trưởng thôn từ năm 2011-2019, chị Hồng đã tích cực thực hiện vai trò của một nữ Trưởng thôn trong việc phát triển kinh tế-xã hội bản Xà Nin. Năm 2021, chị Hồng nối tiếp chồng mình trở thành người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Lần đầu tiên trong bản Xà Nin có người uy tín là phụ nữ. Già làng Hồ Văn Chan cho chúng tôi hay, rất nhiều phụ nữ trong bản làng bây giờ giỏi việc lắm. Việc chính quyền cũng giỏi mà việc nhà cũng giỏi, họ giỏi thì có được vị thế trong bản làng thôi.

Cô giáo Hồ Thị Hoa, với 37 năm đem con chữ đến với các thế hệ học sinh ở bản làng Vân Kiều, giờ là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bản Mới. Cô Hoa chia sẻ với chúng tôi: “Thực trạng chậm phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trở ngại lớn. Những phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, tảo hôn vẫn còn. Việc tuyên truyền vận động người dân học tập, có kiến thức làm ăn, phát triển kinh tế-xã hội là công việc của mọi người, không chỉ riêng đàn ông hay phụ nữ mà ai có tiếng nói trong cộng đồng, được cộng đồng tin yêu thì người đó thực hiện được vai trò của mình, người đó có chỗ đứng trước cộng đồng”.

Chị Hồ Thị Chinh, người có uy tín trẻ nhất trong số ba nữ thủ lĩnh trong bản làng Vân Kiều ở Vĩnh Ô. Chị sinh năm 1981, là đảng viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bản Mít, chị chia sẻ thêm: “Vấn đề trẻ em, nhất là trẻ em gái trong bản làng cần được quan tâm nhiều hơn. Mọi người phải biết hỗ trợ, giáo dục trẻ em thành người tốt là việc làm cho tương lai của gia đình và xã hội. Việc thuyết phục, giáo dục con em lầm lỗi cũng rất cần thiết đối với sự phát triển…”. Nói về vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng, chị Chinh cho rằng: Ngày càng có nhiều phụ nữ ở thôn bản làm trưởng thôn, bí thư chi bộ, người có uy tín… là bước tiến mới trong bình đẳng giới. Việc bầu chọn phụ nữ vào các vị trí quan trọng của xã hội là bước phát triển rất tốt trong cộng đồng…

Bà Hồ Thị Minh, dân tộc Vân Kiều, là đại biểu Quốc hội, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, ở Quảng Trị, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, dòng tộc, người uy tín là nữ chiếm tỷ lệ 2%. Họ có vai trò rất quan trọng trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân cư, là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước và vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời tham gia tích cực các hoạt động giữ vững an ninh trật tự, tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở.

Một trong những yếu tố tạo nên thay đổi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là yếu tố nhận thức. Chị Hồ Thị Hồng nhận xét, nếu như trước nhiều người xem thường phụ nữ, thì nay trong nhận thức của mọi người, điều đó dần dần được xóa bỏ. Ngày càng có những trẻ em gái theo học lên cao, có nhiều phụ nữ được đảm nhiệm chức vụ chủ chốt trong thôn bản và chính quyền.