Quản lý đất đai và trật tự xây dựng:

Những “kẽ hở” cần lấp

Trong quản lý đất đai và xây dựng, còn những khoảng trống rất dễ đẩy những người được trao quyền ở lĩnh vực này “lầm lối”. Còn đó bài học về những sai phạm nối tiếp nhau diễn ra đang khiến nhiều cá nhân, tổ chức bị đề nghị kiểm điểm, kỷ luật, thậm chí là truy tố.

Biệt thự số 9 nhà B, khu biệt thự 5,2 ha phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Biệt thự số 9 nhà B, khu biệt thự 5,2 ha phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

1/Mới nhất là vi phạm trong xử lý công trình biệt thự số 9 (nhà B, khu biệt thự 5,2 ha phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Sự vi phạm của công trình này vốn đã được phát hiện ngay từ giai đoạn thi công móng. Đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền, nhưng vi phạm không được xử lý, dẫn đến vi phạm lớn, tồn đọng kéo dài, đến nay đã hoàn thiện, gây khó khăn phức tạp khi xử lý, khắc phục hậu quả.

Hàng loạt nguyên nhân, lý do chỉ đích danh các tầng nấc sai phạm ở công trình này cũng đã được đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Xây dựng và Sở Nội vụ TP Hà Nội chỉ ra. Đoàn đã xác định, vi phạm trật tự xây dựng tại công trình trên là nghiêm trọng, thời gian kéo dài (tăng tổng chiều cao công trình, xây dựng thêm bản hầm, tăng mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, thay đổi kiến trúc mặt ngoài công trình). UBND quận Cầu Giấy và một số tập thể, cá nhân khác cần được tiếp tục kiểm tra, xác định trách nhiệm cụ thể liên quan đến các vi phạm, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND thành phố báo cáo Thành ủy Hà Nội chuyển hồ sơ đến Ủy ban Kiểm tra Thành ủy để xem xét kiểm tra, đánh giá, kết luận và xử lý triệt để.

Thực trạng này ở nhiều nơi khác diễn ra còn phức tạp hơn. Như năm 2020, UBND tỉnh Hưng Yên thu hồi dự án Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden có diện tích 51.513 m2, tổng vốn đầu tư dự án hơn 927 tỷ đồng nằm trên địa bàn xã Phụng Công (huyện Văn Giang) và công bố danh mục dự án cần tìm nhà đầu tư mới. Dự án Sago Palm Garden (do Công ty Đại Hưng làm chủ đầu tư) mặc dù chưa được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý (quyết định chấp thuận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, định giá đất…) nhưng công ty vẫn ngang nhiên thi công dự án. Kết quả là hơn 200 biệt thự, nhà phố cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng trước mắt bàn dân thiên hạ và chính quyền địa phương. Tệ hơn nữa là nhiều ngôi nhà xây “chui” này đã được công ty bán ra, thu về hàng trăm tỷ đồng. Dư luận lên án, rồi thanh tra vào cuộc. Tháng 4/2020, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố kết luận thanh tra và chỉ ra loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án.

20 năm trước, Phú Quốc bắt đầu được biết đến như một điểm sáng về thu hút đầu tư du lịch. Cũng từ đây, nơi này được ví như thiên đường cho các dự án đầu tư bất động sản. Thế nhưng, do công tác quản lý yếu kém, do tư lợi, nên phát sinh nhiều hệ lụy trong quản lý, sử dụng đất. Năm 2005, liên quan vụ tiêu cực trong quản lý đất đai ở Phú Quốc, nhiều cán bộ bị kỷ luật với các hình thức từ cảnh cáo đến cách chức và khai trừ khỏi Đảng. 23 cán bộ có sai phạm liên quan đã bị xử lý theo pháp luật. Ở thời điểm này, tổng diện tích đất sử dụng sai mục đích phải thu hồi gần 9,7 triệu m2.

Cứ ngỡ, sau “cú sốc” đau lòng đó, sẽ là bài học cảnh tỉnh cho lớp cán bộ tiếp sau. Nhưng, tất cả đều không được như mong đợi! Sau những cảnh tỉnh không được lắng nghe, “miếng bánh” đất đai béo bở đã khiến nhiều cán bộ của đảo ngọc, thậm chí cả của tỉnh Kiên Giang “lạc lối”. 

Theo kết quả của Thanh tra Chính phủ từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, hơn 17 nghìn thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) được tách thửa trái phép trên địa bàn huyện Phú Quốc. Do buông lỏng quản lý, tình trạng lấn chiếm đất rừng cũng diễn ra trong một thời gian dài. Thậm chí, một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn quốc gia Phú Quốc.

2/Thời điểm này, ở nhiều địa phương, sau thanh tra là câu chuyện xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm hoặc có liên quan trách nhiệm đến sai phạm. Nhưng đằng sau đó là câu hỏi về vai trò giám sát của các cơ quan, tổ chức, chính quyền cấp trên. Bởi lẽ, những cảnh báo về các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất vốn đã được nhắc đến nhiều, nhưng dường như không có một động thái tích cực nào đáng kể từ các cấp quản lý để ngăn chặn, thậm chí, tình trạng còn diễn biến ngày càng xấu hơn.

Rõ ràng, trong quản lý đất đai và xây dựng, còn những khoảng trống rất dễ đẩy những người được trao quyền ở lĩnh vực này “lầm lối”. Lật lại những vụ án tham nhũng đất đai từ trước đến nay, sẽ thấy các sai phạm có đủ cung bậc, tính chất, từ không nắm vững luật pháp, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, đến cố ý làm sai, tham nhũng. Cũng vì thế mà đội ngũ những người trong chính quyền và cả trong cơ quan công quyền có trách nhiệm liên đới trong việc hình thành đề án, dự án, quy hoạch thường xuyên phải đối diện với cám dỗ ấy ngày càng đông.