Đẩy nhanh các dự án sản xuất hydro xanh
Chính phủ Argentina vừa công bố lộ trình chiến lược thúc đẩy lĩnh vực sản xuất hydro xanh, với mục tiêu thu hút 90 tỷ USD vốn đầu tư từ nay đến năm 2050. Cụ thể, Chiến lược quốc gia về phát triển nền kinh tế hydro của Argentina vạch ra các hành động và mục tiêu dài hạn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát thải thấp. Lộ trình chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2050, tổng sản lượng hydro phát thải thấp tại Argentina sẽ đạt ít nhất 5 triệu tấn/năm. Khoảng 80% sản lượng hydro sạch dành cho xuất khẩu. Phần còn lại sẽ dành cho thị trường nội địa, trong đó tập trung đáp ứng nhu cầu của các ngành sản xuất nhiên liệu tổng hợp, công nghiệp thép, hóa dầu và lọc dầu.
Để đạt các mục tiêu này, Argentina cần lắp đặt thêm ít nhất 30 gigawatt (GW) công suất điện phân và 55 GW điện tái tạo, đồng nghĩa với việc tăng gấp 11 lần sản lượng năng lượng tái tạo hiện tại và tăng gấp đôi tổng sản lượng điện tại quốc gia Nam Mỹ này. Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng của Bộ Kinh tế Argentina, Flavia Royon cho biết, quốc gia Nam Mỹ này sở hữu các điều kiện, đặc điểm về địa lý và khoa học - công nghệ vô cùng thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa hydro. Argentina cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia cung cấp năng lượng sạch lớn nhất thế giới trong tương lai gần.
Trong khi đó, Liên đoàn Công nghiệp quốc gia (CNI) của Brazil khẳng định, năng lượng tái tạo từ gió ngoài khơi sẽ giúp nước này củng cố vị thế cường quốc trong sản xuất và xuất khẩu hydro xanh. Báo cáo của CNI cho biết, Brazil dự kiến đầu tư khoảng 30 tỷ USD vào các dự án sản xuất hydro xanh trong nước những năm tới, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ latin này. Theo CNI, công suất điện gió ngoài khơi của Brazil hiện đạt 195 GW, trong khi tiềm năng kinh tế kỹ thuật điện gió ngoài khơi ở mức trên 700 GW. Từ đầu năm đến nay, CNI đã nhận được yêu cầu cấp phép lắp đặt 78 trang trại điện gió ngoài khơi với tổng công suất 189 GW.
Dự án truyền tải điện gió ở Đức
Bộ Kinh tế Đức cho biết, nước này đã chính thức khởi công xây dựng đường dây truyền tải điện gió bắc-nam. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Đức nhằm đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng trong vài năm qua. Thông báo của bộ trên cho biết, đường dây truyền tải điện gió mang tên SuedLink, có chiều dài 700 km, sẽ cung cấp điện năng cho các bang Bavaria và Baden-Wuerttemberg ở miền nam vốn đang trong tình trạng thiếu năng lượng. Công trình truyền tải điện gió này thuộc dự án trị giá 10 tỷ euro, sẽ được khởi công với việc xây dựng một đường ống ngầm dưới sông Elbe, chạy qua bang Schleswig-Holstein ở cực bắc nước Đức. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, đường dây SuedLink đóng vai trò thiết yếu đối với quá trình chuyển đổi năng lượng trong nước, nhất là khi tận dụng lợi thế của việc miền bắc có nhiều trang trại điện gió hơn miền nam.
Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2028, SuedLink sẽ có tổng công suất 4 GW, bảo đảm cung cấp điện cho khoảng 10 triệu gia đình. Theo kế hoạch ban đầu, đường dây này có thể đi vào hoạt động từ năm 2022. Tuy nhiên, công tác xây dựng đã bị trì hoãn do chính quyền và người dân các bang miền nam phản đối mạnh mẽ, do họ lo ngại những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với môi trường và cuộc sống người dân. Sau đó, người dân các bang này đã thay đổi quan điểm sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng.
Đức đặt mục tiêu đạt được trung hòa khí thải từ nay đến năm 2045. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng cam kết đến năm 2030, ít nhất 80% tổng lượng điện năng tiêu thụ là từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đức đang rất cần các nguồn năng lượng bổ sung sau khi quyết định đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Nước này cũng có kế hoạch đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cuối cùng của mình những năm tới.