Ngành công nghiệp điện tử đang bị ảnh hưởng đáng kể do chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã bị gián đoạn do các nhà sản xuất đang hoạt động dưới công suất và nhiều nơi chưa dỡ bỏ việc giãn cách. Những tập đoàn nổi tiếng như Intel và Samsung đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều đang không chắc chắn về sản xuất trong tương lai.
Samsung Việt Nam lo ngại việc sản xuất các mẫu điện thoại mới bị đình trệ do việc vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn thường xuyên bị gián đoạn. Bất chấp những nỗ lực của chính quyền trong việc cắt giảm thời gian thông quan, việc đóng cửa khẩu của Trung Quốc đã khiến kế hoạch vận chuyển đường bộ của Samsung trở nên khó thực hiện.
Intel cũng dự đoán rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn có thể tiếp tục diễn ra cho đến năm 2024. Trong khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang diễn ra trên toàn cầu, các công ty điện tử lớn phải chịu đựng những thách thức về sản xuất do các lô hàng linh kiện bị gián đoạn, trong khi các nhà cung cấp của họ không đáp ứng kịp với nhu cầu lớn.
Hiện tại, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành cao-su. Có đến 70% nguyên liệu thô, đặc biệt là hóa chất được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do sự thiếu hụt này, các doanh nghiệp đang phải tìm kiếm các nhà cung cấp khác từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, giá nhập khẩu từ hai quốc gia này cao hơn từ 15-20% so Trung Quốc, chưa kể nguồn cung sẵn có không phong phú.
Ngành dệt may cũng bị ảnh hưởng do giá bông tăng đột biến. Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) ghi nhận giá bông nhập khẩu từ Brazil, Mỹ và Ấn Độ tăng đột biến 0,87%, đạt khoảng 1.625 USD/tấn. Điều này ảnh hưởng tới doanh thu của các nhà sản xuất vì khó có thể chuyển vấn đề giá tăng đột biến sang khách hàng trong thời gian ngắn. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đóng biên và chi phí gia tăng do xung đột Nga - Ukraine cũng khiến cho các doanh nghiệp dệt may phải trì hoãn sản xuất và giao hàng. Các công ty dệt may đã nỗ lực đa dạng hóa đầu vào. Trong dài hạn, triển vọng của ngành dệt may là sáng sủa do một số hiệp định thương mại tự do FTA đã được thực thi.
Đối với ngành giày dép, Việt Nam là nhà sản xuất giày dép đứng thứ ba ở châu Á và thứ tư trên toàn thế giới. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu tới
1,2 tỷ đôi giày, chiếm 10% thị trường xuất khẩu giày toàn cầu, so với 2% của năm trước. Tuy nhiên, do các nhà sản xuất giày hầu hết nhập khẩu nguyên liệu thô, từ da đến các phụ kiện khác, nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã khiến nhiều công ty trễ ngày giao hàng với các đối tác nước ngoài.
Xung đột Nga - Ukraine cũng gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất gỗ của Việt Nam. Trước cuộc xung đột này, ngành gỗ của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc sau đại dịch nhờ nhu cầu quốc tế cao hơn và hiệu lực của các FTA. Gỗ và lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, với giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 14,5 tỷ USD. Xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nga, bao gồm cả gỗ. Việc cung cấp gỗ của Nga cho các nhà sản xuất của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến chi phí cao. Các doanh nghiệp đã tìm cách đa dạng hóa nhà cung cấp, bao gồm cả gỗ nhập khẩu từ EU và Mỹ. Tuy nhiên, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung đã khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh để bảo đảm gỗ nguyên liệu đầu vào trong thời kỳ giá tăng.
Nguồn cung thép và sắt cũng đang giảm mạnh do hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, Trung Quốc đã thực hiện chính sách kiểm soát đầu ra đối với sắt để bảo đảm nhu cầu trong nước. Điều này đã làm gián đoạn nguồn cung cấp sắt trên toàn cầu. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu thép của Nga và Ukraine - hai nhà xuất khẩu thép hàng đầu thế giới.
Ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề do có tới 90% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu. Kể từ năm 2021, giá nguyên liệu thô, bao gồm lúa mì, ngô và đậu nành, đã tăng từ 30 - 40% do cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Mức lỗ của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành có thể lên tới 50-100 tỷ đồng do chi phí thức ăn chăn nuôi cũng như chi phí vận chuyển tăng cao. Chi phí vận tải cũng đang “ăn” vào ngân sách của các công ty nông nghiệp khi có báo cáo rằng chi phí vận tải biển đã tăng 237% so với năm 2020, nghĩa là mỗi container sản phẩm hiện có giá 2.650 USD.
Sự thiếu hụt đầu vào và chi phí gia tăng đã buộc các nhà sản xuất phải nâng giá sản phẩm, chuyển gánh nặng chi phí cao hơn cho người tiêu dùng, dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2022, mức tăng 3,37% trong chỉ số giá tiêu dùng CPI đã được ghi nhận. Để giải quyết vấn đề này, đã có nhiều đề xuất để nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn trong thời kỳ bất ổn và mở rộng quy mô cung ứng, với các chính sách như ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất và đổi mới, đơn giản và minh bạch các thủ tục pháp lý, giảm các rào cản gia nhập thị trường, đồng thời tìm cách đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp.