Nhanh chóng đổi mới công nghệ đốt rác

Tại TP Hồ Chí Minh, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom và vận chuyển năm 2018 là gần 3,1 triệu tấn, trung bình hơn 9.200 tấn/ngày. Hiện thành phố chỉ có khoảng 30% chất thải được tái chế, làm phân hữu cơ, còn lại hơn 70% phải xử lý bằng công nghệ chôn lấp, không phù hợp với sự phát triển bền vững.

Xử lý chất thải bằng công nghệ đốt rác phát điện phù hợp với sự phát triển bền vững. Ảnh: NG.HẢI
Xử lý chất thải bằng công nghệ đốt rác phát điện phù hợp với sự phát triển bền vững. Ảnh: NG.HẢI

Chôn lấp nhiều bất cập và hệ lụy

Lâu nay, việc xử lý chất thải của thành phố chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế nhưng tỷ lệ xử lý còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu.

Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý dưới dạng chôn lấp là hơn 2,2 triệu tấn, chiếm hơn 72% trên tổng khối lượng chất thải năm 2018. Theo đó, chôn lấp tại khu Đa Phước (huyện Bình Chánh) hơn hai triệu tấn, trung bình hơn 6.000 tấn/ngày; chôn lấp tại khu tây bắc (huyện Củ Chi) gần 208.000 tấn, trung bình 621 tấn/ngày; tái chế tại Công ty cổ phần Vietstar (huyện Củ Chi) hơn 444.000 tấn, trung bình 1.331 tấn/ngày; tái chế tại Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (quận Tân Bình) gần 402.000 tấn, trung bình 1.203 tấn/ngày.

Mặc dù, các bãi chôn lấp đều hợp vệ sinh, tuy nhiên, công nghệ chôn lấp phù hợp điều kiện kinh tế của thành phố ở giai đoạn trước đây nay bộc lộ hạn chế lớn nhất là tồn tại mùi hôi trong một số thời điểm.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, qua 15 năm, các nhà máy xử lý rác tại thành phố đã giúp thành phố xử lý hơn 20 triệu tấn rác bằng phương pháp chôn lấp, tái chế làm phân bón… Tuy nhiên, với mức độ đô thị hóa nhanh, hiện mỗi ngày đêm thành phố thải ra hơn 9.000 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm còn tăng thêm 10%. Trong khi đó, phương pháp chôn lấp bộc lộ các khuyết điểm như gây mùi hôi, ô nhiễm, do đó thành phố đã chấp thuận chủ trương cho các đơn vị chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện.

Trên cơ sở quy hoạch định hướng hệ thống quản lý chất thải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến quản lý môi trường xanh; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh, chính quyền thành phố đưa ra kế hoạch hành động: chuyển đổi công nghệ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện, hướng đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.

Đưa công nghệ đốt rác phát điện vào thực tế

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, các sở, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định như điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, cấp phép xây dựng, thẩm định công nghệ xử lý rác thải… Trên cơ sở đó, dự kiến trong quý IV-2019, thành phố có thể khởi công xây dựng các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt.

Từ nay đến cuối năm 2019, thành phố sẽ có ba nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện được khởi công gồm: Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần Tasco. Các nhà máy này được áp dụng công nghệ đồng bộ (đốt thu hồi năng lượng phát điện) với hiệu suất cao; không phát tán mùi hôi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh; máy móc thiết bị nhà đầu tư cam kết mới 100%. Thành phố sẽ tổ chức Hội đồng thẩm định để bảo đảm cho sự phát triển bền vững môi trường trên địa bàn.

Công ty cổ phần Vietstar đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh (ngày 28-8). Theo ông Ngô Như Hùng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Vietstar (chủ đầu tư), với tổng vốn đầu tư cho dự án này là 400 triệu USD, dây chuyền, máy móc tại nhà máy vận hành theo công nghệ Martin (Đức), khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2020 sẽ chấm dứt cảnh người dân than phiền về mùi hôi và ô nhiễm môi trường từ rác. Nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên được xây dựng tại huyện Củ Chi, với công suất 2.000 tấn/ngày và nâng công suất lên 6.000 tấn/ngày vào năm 2021, từ đó, thành phố có thể giải quyết 50% lượng rác thải. “Nhà máy hoạt động theo dây chuyền khép kín nên không phát tán mùi hôi và không gây ô nhiễm không khí cho các khu vực lân cận”, ông Hùng Việt cam kết.

Đồng quan điểm, ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa cho biết, việc chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện của TP Hồ Chí Minh là một chủ trương rất đúng đắn. Vì theo ông Tiệc, đặc điểm rác thải thành phố là rác chưa được phân loại đầu nguồn, có nhiều thành phần, mang tính ăn mòn cao, rác thải sinh hoạt đến nhà máy có tỷ lệ thành phần tái chế thấp. Vì vậy, khi áp dụng công nghệ đốt rác phát điện sẽ kiểm soát được mùi hôi, khép kín từ khâu tiếp nhận vào nhà máy đến xả thải. Khí thải, nước thải, tro bay được xử lý đạt chuẩn theo quy định hiện hành.

Còn theo ông Châu Phước Minh, Giám đốc Công ty CP Tasco, đơn vị sử dụng công nghệ của Phần Lan trong việc đốt rác phát điện và sẽ xây dựng nhà máy trong năm 2019, đi vào hoạt động trong quý IV-2020. Công nghệ này chia thành hai giai đoạn là phân loại rác và đốt rác. Hầu hết các công đoạn đều thực hiện tự động hóa bằng máy móc, ít có sự tham gia của người lao động. Công đoạn đầu, các thiết bị sẽ phân loại và xử lý rác thành các sợi RDF và sau đó đưa sợi này đốt tại lò đốt tầng sôi tuần hoàn. Sợi RDF được cho là có thể cháy triệt để hơn, tăng hiệu năng phát điện, ít khí thải, tro bay hơn.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đến năm 2020, thành phố tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hai nhà máy đốt phát điện. Khi đi vào hoạt động, các nhà máy này sẽ thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Ngoài ra, còn có các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng… Cũng theo ông Thắng, lợi ích lớn nhất là giảm được lượng chất thải nếu đem đi chôn lấp, giảm diện tích đất chôn lấp, tạo năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Mặt khác, sẽ giảm được nước rỉ rác và kiểm soát mùi chất thải dễ dàng hơn.

Ông cũng khẳng định, dù sử dụng công nghệ mới với chi phí đầu tư lớn nhưng không tăng giá tiền thu gom rác người dân, vì hiện thành phố chỉ thu tiền thu gom, vận chuyển rác, còn xử lý rác thải được sử dụng từ ngân sách. Hiện thành phố đưa ra giá xử lý rác với các doanh nghiệp khoảng 550 nghìn đồng/tấn rác. Khi tham gia chương trình, doanh nghiệp sẽ có các nguồn thu từ rác như điện (được tính với giá 10,05 cent/kWh) và các nguồn lợi khác từ rác. Do vậy, thành phố sẽ tính toán đơn giá xử lý rác một cách phù hợp nhất dựa vào các yếu tố như trên.

Hiện thành phố kêu gọi đầu tư đối với năm bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm: Phước Hiệp (huyện Củ Chi) ba bãi, Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi như: miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; mua lượng điện tạo ra; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh thông tin, dự kiến trong tháng 10 và tháng 11 tới, thành phố sẽ khởi công thêm hai nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Tasco.