Nhà cao tầng “băm nát” đô thị

Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, Hà Nội đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Hàng loạt tòa nhà cao tầng xuất hiện đã đem lại diện mạo mới với những khu đô thị khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển tràn lan, thiếu kiểm soát của nhà cao tầng cũng kéo theo những hệ lụy như vấn nạn tắc đường, ô nhiễm, ngập lụt… Quy hoạch chung toàn thành phố ngày càng biến dạng, lộn xộn.

Sự phát triển tràn lan nhà cao tầng kéo theo những vấn nạn tắc đường, ô nhiễm, ngập lụt.
Sự phát triển tràn lan nhà cao tầng kéo theo những vấn nạn tắc đường, ô nhiễm, ngập lụt.

Kỳ 1: Những con đường “ngộp thở”

Chung cư xây xong, chờ ngày đường mở

Tại nhiều con đường, tuyến phố của Hà Nội, câu nói “nhà cửa mọc lên san sát” giờ đây phải sửa thành “chung cư mọc lên san sát”. Kiến trúc đô thị thay đổi chóng mặt nhưng hệ thống hạ tầng giao thông nhiều nơi lại không theo kịp, thậm chí thụt lùi. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ùn, tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Dọc theo đường 70 đoạn từ Hà Đông đến Cầu Tó (Thanh Trì, Hà Nội) là hàng loạt tòa nhà cao 20-30 tầng với quy mô dân số lên tới hàng chục nghìn người. Chỉ trong vài năm, nơi trước đây vắng vẻ đã trở thành một trong những khu vực sầm uất bậc nhất ở Thủ đô. Chỉ tính riêng sáu tòa chung cư thuộc khu đô thị Đại Thanh, mỗi tòa 32 tầng, mỗi tầng 22 căn, nhân với trung bình số nhân khẩu thì dân số nơi đây cũng lên tới… gần hai vạn người. Chưa hết, ngay liền kề khu đô thị Đại Thanh là khu đô thị Xa La với 14 tòa nhà cao từ 21 - 34 tầng, 500 nhà ở liền kề và hơn 200 biệt thự, có sức chứa gần ba vạn dân cư. Dù mật độ lớn là vậy song hiện nay số lượng dân cư đổ về đây vẫn chưa có xu hướng chững lại. Những khu nhà đã và đang hoàn thiện như: Chung cư viện Bỏng, Chung cư viện 103, Tabudec Plaza Cầu Bươu, Lake View Plaza Cầu Bươu... khiến con đường nhỏ này quá tải trầm trọng.

Bám vào quy hoạch mở rộng đường 70 từ năm 2011, hàng loạt khu đô thị đua nhau xây dựng. Nhưng chung cư nhanh chóng mọc lên trong khi con đường thêm xuống cấp chờ ngày mở rộng. Hằng ngày, ngoài dân cư các khu đô thị đổ ra, thì tuyến đường huyết mạch nối giao thông giữa vùng phía tây nam thành phố với quận Hà Đông rồi xuyên qua huyện Thanh Trì tới quốc lộ 1A này còn phải gánh hàng chục nghìn phương tiện vận tải lớn khác.

“Mỗi ngày ra đường là phải vật lộn với cảnh bụi bặm, ùn, tắc vô cùng khổ sở. Ngoài cư dân các khu đô thị, hằng ngày xe tải, container vẫn qua lại nườm nượp, rất nguy hiểm! Chúng tôi chưa có điều kiện chứ nếu có thì cũng muốn chuyển đến một nơi nào đó có hạ tầng tốt hơn”, anh Thành, một cư dân khu đô thị Xa La, tâm sự.

Câu chuyện ngược đời “chung cư xây xong, chờ ngày đường mở” như tại cung đường 70 không phải là hiếm. Tại khu vực đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thủ phủ đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp tên tuổi một thời như Dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, hay xí nghiệp Xe buýt Hà Nội... giờ đây đều đã được… “hô biến” thành các dự án (DA) chung cư, khu đô thị hoành tráng.

Theo quan sát của phóng viên Thời Nay, dù chỉ dài 1,1 km, với bề rộng khoảng 6 m nhưng đường Nguyễn Tuân đang phải oằn mình gánh hơn 10 DA chung cư với khoảng 25 tòa nhà dọc hai bên đường. Có thể kể đến DA TNR Goldseason có quy mô bốn tòa cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ; DA số 82 Nguyễn Tuân gồm hai khối nhà 25 tầng với 552 căn hộ và 48 nhà liền kề; DA 90 Nguyễn Tuân với 87 nhà thấp tầng và hai tòa nhà cao 29 tầng nổi; chung cư Imperia Garden gồm bốn tòa nhà với hơn 1.600 căn hộ; DA The Legend Tower gồm hai tòa tháp, 460 căn hộ với số dân lên đến hơn 1.600 người; Tòa nhà Sông Đà Nhân Chính…

Một chuyên gia nhẩm tính, nếu các DA tại đây đều đưa vào hoạt động với trung bình bốn người/căn hộ thì riêng trên phố Nguyễn Tuân sẽ có khoảng hơn ba vạn nhân khẩu, tương đương số nhân khẩu trong một phường ở Hà Nội.

Bà Bùi Thị Nội, nguyên tổ phó dân phố tổ 14, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, cho biết: Trước đây tổ dân phố chỉ có 100 hộ dân, dù có nhiều nhà máy nhưng cuộc sống của chúng tôi khi ấy vẫn yên ổn. Chúng tôi không thể ngờ được sau khi di dời các nhà máy, thành phố lại duyệt cho làm nhiều chung cư đến thế! Giờ nhiều DA mới chỉ ở khâu xây dựng thôi mà cuộc sống của chúng tôi đã vô cùng cực khổ, khói bụi, tiếng ồn từ sáng sớm tới đêm khuya. Đường thì nhỏ hẹp, chỉ cần một va chạm nhỏ cũng khiến cả biển người chôn chân tại đây, còi xe inh ỏi.

Mặc dù đường Nguyễn Tuân đã được phê duyệt mở rộng từ năm 2003 với chiều dài hơn 1 km từ đường Lê Văn Lương đến điểm cuối giao với đường Nguyễn Trãi, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện mở rộng được khoảng 150 m từ đường Lê Văn Lương qua nút giao Ngụy Như Kon Tum.

Thừa nhận tới đây, khi tất cả các DA đi vào hoạt động, đường Nguyễn Tuân sẽ rơi vào cảnh quá tải nghiêm trọng. Ông Hoàng Trung Thành, Phó phòng quản lý đô thị Quận Thanh Xuân, cho biết, UBND Quận Thanh Xuân đang triển khai DA mở đường Vũ Trọng Phụng (tuyến đường song song đường Nguyễn Tuân) để giảm tải cho giao thông khu vực. Sau khi mở đường Vũ Trọng Phụng, UBND quận sẽ tiếp tục mở rộng tuyến đường Nguyễn Tuân để đáp ứng việc tăng mật độ dân số khi cư dân về ở kín các tòa nhà trên.

Cao ốc bủa vây Hà Nội

Với diện tích 900 ha nhưng chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, dân số quận Thanh Xuân đã tăng lên thêm gần hai vạn người (từ 266 nghìn người năm 2013, đến cuối năm 2017 là 285,4 nghìn người).

“Quận Thanh Xuân như một đại công trường với khoảng hơn 120 DA lớn nhỏ, trong đó có khoảng 89 DA xây dựng chung cư đang khai thác sử dụng. Theo thống kê sơ bộ có khoảng 150 tòa nhà sẽ mọc lên sau khi các DA triển khai hết. Bởi vậy việc gây ra ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm về cảnh quan, ùn tắc giao thông... là không thể tránh khỏi”, ông Thành thừa nhận.

Nằm trên địa phận hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy, khu vực Trung Hòa - Nhân Chính cũng đang là điểm “nóng” về tốc độ xây dựng đô thị. Tại đây có những con đường “nổi tiếng” về mật độ dày đặc nhà cao tầng như đường Lê Văn Lương, một km cõng 40 tòa nhà cao tầng hay phố Ngụy Như Kon Tum, dù chỉ rộng khoảng 10 m cũng đang gánh gần chục khối nhà cao tầng. Đường Lê Văn Thiêm chỉ dài khoảng 500 m nhưng cũng đã cõng đến hơn chục khối nhà cao trên 30 tầng. Những con đường kế đó như đường: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng cũng chứng kiến hàng chục DA chung cư, trung tâm thương mại vẫn mọc ồ ạt, có những DA cao đến 35 tầng với quy mô tới hàng nghìn căn hộ vẫn đang cấp tập hoàn thiện...

Nhà cao tầng “băm nát” đô thị ảnh 1

Quy hoạch không được bảo đảm gây nhiều hệ lụy lên đời sống đô thị.

Mới đây, Hà Nội tiếp tục công bố đồ án thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển. Đồ án này xác định sẽ xây các tòa nhà cao hàng chục tầng tại các nút giao, trong đó có những công trình sẽ cao tới 50 tầng. Nhưng trên thực tế, khi đồ án chưa được công bố, tuyến đường này đã có rất nhiều cao ốc lớn được đưa vào sử dụng. Thậm chí, để giải quyết tình trạng ùn, tắc trên tuyến đường vành đai 3, đoạn Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, mới đây Hà Nội đã phải đưa ra giải pháp tình thế khi quyết định chi khoảng 80 tỷ đồng xén dải phân cách. Vậy thì khi hàng loạt DA tiếp tục được cấp phép, giao thông khu vực này sẽ trở nên hỗn loạn là điều đang khiến nhiều người lo ngại.

Trao đổi với phóng viên báo Thời Nay, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng thừa nhận, thời gian qua, chung cư, cao ốc trên địa bàn các quận như: Thanh Xuân, Cầu Giấy đã có sự phát triển “nóng”. Trong “bài toán” quy hoạch của thành phố, đã tính toán để kiểm soát lưu lượng giao thông. Tuy nhiên hạ tầng giao thông lại chưa được đầu tư đồng bộ, một số tuyến đường chưa được mở đầy đủ theo quy hoạch của thành phố. Nói cách khác là hạ tầng giao thông đã không phát triển kịp với quy hoạch của Thủ đô.

Phó Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Quốc Thái nhận định, thời gian qua, cơ cấu phát triển đô thị không cân đối, phát triển mạnh khu vực lõi trung tâm khiến mật độ rất cao. Trong khi đó, khu vực ven đô thị giảm đột ngột nên các đường vành đai trở nên ùn tắc. Bởi vậy, phải đẩy mạnh kiểm soát phát triển đô thị, hạn chế việc phát triển đô thị tràn lan, hạn chế tối đa phình rộng đô thị và tăng mật độ khu vực ngoại vi. Bộ xây dựng đã chỉ đạo tiến hành rà soát tổng thể quy hoạch đô thị quốc gia, dự kiến cuối năm nay báo cáo Thủ tướng.

(Còn nữa)

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 688 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, với tổng số 152.085 căn hộ, diện tích sử dụng trên 10 triệu m². Ngoài ra, có 180 tòa nhà chung cư tái định cư đã được đưa vào sử dụng với 16.905 căn hộ, tổng diện tích sử dụng gần 1,1 triệu m².