Trên hành trình vươn ra quốc tế, yếu tố bản sắc trở thành xu hướng được các nhà làm phim trẻ quan tâm, đầu tư.
Trong lịch sử phát triển của điện ảnh nước nhà, bản sắc đã trở thành yếu tố quan trọng giúp nhiều tác phẩm ghi dấu ấn với quốc tế. Quay ngược thời gian, có thể kể tới phim điện ảnh “Mùa len trâu” (kịch bản và đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) dựa trên tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam đã tham dự khoảng 10 liên hoan phim khu vực và quốc tế, giành nhiều giải thưởng:
Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ); giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Chicago (Mỹ); giải Kỳ lân vàng tại Liên hoan phim Amiens (Pháp); giải Đặc biệt của Liên hoan phim Amazonas (Brazil); giải cao nhất tại Liên hoan phim Asian Marine, Mukuhari (Nhật Bản)...
Gần hơn là “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai, bộ phim giúp Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan phim quốc tế Dubai 2008 hay “Áo lụa Hà Đông” của đạo diễn Lưu Huỳnh đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2006.
Gần nhất, phim tài liệu do các đạo diễn đầu tư tâm huyết đã ghi dấu ấn bản sắc khá đậm nét. “Những đứa trẻ trong sương” là một hiện tượng đáng chú ý với thành tích bất ngờ và đáng nể. Tác phẩm có tên trong danh sách đề cử rút gọn 15 phim tài liệu dài xuất sắc nhất Oscar 2023, giải Phim quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim Docaviv, giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam và giải Phim châu Á xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á-Đà Nẵng lần thứ nhất năm 2023.
Đạo diễn phim là Hà Lệ Diễm (sinh năm 1992) - người kiên trì, xông pha theo con đường làm phim tài liệu độc lập. Nữ đạo diễn đã theo chân nhân vật tên Di - một cô bé người H’Mông sống tại Sa Pa (Lào Cai) trong gần bốn năm, từ khi Di 12 tuổi và trải qua phong tục kéo vợ truyền thống của người H’Mông. Tục kéo vợ thường được nhắc đến với sự dè dặt, nhiều khi bị xem như một hủ tục lạc hậu và phim tài liệu của Hà Lệ Diễm mang đến một cái nhìn gần hơn, với một trường hợp cụ thể, nhằm lý giải góc độ sâu xa của văn hóa, bản sắc.
Một cảnh trong phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương”. |
Bên cạnh đó, vấn đề cởi mở mà phim gợi lên còn ở sự vận động của phong tục, trong bối cảnh hiện đại và sự tương tác giữa các cộng đồng, nền văn hóa, quan niệm sống. Sự xuất hiện của các cán bộ, giáo viên, trường học, và đặc biệt là nữ đạo diễn đến sống cùng nhà nhân vật đã hé lộ những lựa chọn khác ngoài con đường truyền thống.
Có thể nói, “Những đứa trẻ trong sương” là một tín hiệu vui cho điện ảnh Việt, đánh dấu thành công của một lớp những nhà làm phim trẻ, được đào tạo bài bản, dấn thân quyết liệt và có cái nhìn tinh tế, mang đậm chiều sâu tư duy, văn hóa đối với bản sắc. Họ sẵn sàng theo đuổi những đề tài giàu sức nặng và sức gợi để ngay cả khi tác phẩm khép lại vẫn tiếp tục mở ra những cánh cửa khác nhau với khán giả, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài.
Nhìn nhận một cách khách quan, dù đã gặt hái được một số giải thưởng quốc tế vừa tầm, nhưng, điện ảnh trong nước vẫn chưa chạm tới các giải thưởng danh giá. Những năm qua, nhiều dự án phim có yếu tố văn hóa lịch sử được Nhà nước quan tâm, đầu tư ngân sách, ít nhiều tạo nên cơn sốt tại các phòng vé như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, nhưng dấu ấn quốc tế vẫn còn mờ nhạt.
Theo phân tích từ các chuyên gia điện ảnh, để khai thác hiệu quả bản sắc Việt, các nhà làm phim cần có hệ thẩm mỹ ổn định, tư duy sắc bén, đầu tư công phu, cá tính sáng tạo thì mới khắc họa rõ nét sắc mầu dân tộc. Giới chuyên môn cũng cho rằng, để có chất lượng tốt thì phải đầu tư lớn, đặc biệt về cơ chế, chính sách dài hơi cho các dự án. Bên cạnh đó, có thể mở rộng phạm vi giải thưởng, ưu tiên những tác phẩm có nội dung tôn vinh bản sắc văn hóa. Tinh thần đề cao giá trị văn hóa sẽ khuyến khích các nhà làm phim đầu tư bền vững hơn cho mảng đề tài này. Khi ấy mới có thể hy vọng vào một nền điện ảnh rực rỡ sắc mầu riêng.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nhận định, sự xuất hiện của đội ngũ đạo diễn trẻ đau đáu với bản sắc văn hóa dân tộc là một tín hiệu vui. Họ đều có điểm chung là thông minh, nhiệt huyết, được đào tạo kỹ lưỡng. Tuy nhiên, số lượng phim mang tính nghệ thuật, đậm đà bản sắc vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa tương xứng tiềm năng. Chưa kể, một số nhà làm phim đang chạy theo xu hướng thương mại hóa.
Diễn viên Ngọc Xuân (vai nữ chính phim “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) là đại diện duy nhất của Việt Nam đoạt giải Diễn viên trẻ triển vọng tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024. |
Lượng phim trong nước ra rạp mỗi năm đều tăng, song phần lớn là dòng phim mang tính giải trí, chiều theo thị hiếu đám đông, dễ dãi; nội dung xa rời thực tế cuộc sống, vừa không có giá trị tư tưởng, vừa yếu kém về nghệ thuật. Không ít phim xa lạ với phong tục, tập quán. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nhấn mạnh, điện ảnh cần có những bước chuyển mạnh mẽ, phù hợp với quốc tế, nhưng cũng không thể vì vậy mà đánh mất bản sắc điện ảnh dân tộc.
Giữa bối cảnh “cả thế giới ở trong không gian phẳng” nếu không lưu giữ và khai thác được bản sắc riêng thì rất khó tạo dấu ấn độc đáo và thú vị với quốc tế. Có những bộ phim doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng, nhưng sẽ rơi vào quên lãng. Còn lại mãi với thời gian luôn là những tác phẩm mang tâm hồn Việt, chứa đựng thân phận, tính cách con người Việt Nam. Đó chính là những tác phẩm đáng tự hào, xứng tầm di sản của điện ảnh nước nhà trong bức tranh muôn mầu của điện ảnh thế giới.
Đạo diễn-Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh hồi tưởng, mỗi lần phim do ông đạo diễn được chiếu ở một nước nào đó, khán giả quốc tế thường thể hiện sự quan tâm và dành nhiều cảm tình với con người Việt Nam. Với nhà làm phim, phần thưởng này quan trọng hơn cả giải thưởng ở các liên hoan phim. “Người ta nhận ra đấy là con người Việt, văn hóa Việt, tâm hồn Việt đích thực, không lai căng, không bắt chước.
Chất Việt Nam trong phim phải đậm và phải xuất phát từ trái tim mới rung cảm được. Có lần, ra với quốc tế, gặp người cựu chiến binh Mỹ đã giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm suốt 35 năm, đạo diễn Đặng Nhật Minh hỏi: Ấn tượng nhất với ông là gì? Người này không chút do dự, đọc ngay hai câu thơ trong nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Việt: “Và ai có biết chăng ai/ Tình thương đã chắp cánh dài cho ta”.
“Tôi hiểu ra rằng, điều mà chúng ta chinh phục thế giới là ở yếu tố con người, vẻ đẹp tâm hồn và bản sắc đã tạo nên sức mạnh vô hình” - đạo diễn Đặng Nhật Minh xúc động chia sẻ. Đó cũng là yếu tố để những người làm phim nước ta ghi nhớ trong khát vọng vươn tầm cho điện ảnh nước nhà.