Bên cạnh những quốc gia tên tuổi trong ngành công nghiệp nghệ thuật châu Á như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…, cùng với sự phát triển kinh tế, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến tiềm năng được nhiều nghệ sĩ quốc tế “chọn mặt gửi vàng”.
Đòn bẩy kích cầu du lịch
Tính trong năm 2023, sân khấu âm nhạc Việt Nam dường như “bùng nổ” với nhiều đêm diễn ở các địa phương, thu hút hàng chục nghìn khán giả, trong đó có nhiều người yêu nhạc đến từ các nước. Có thể kể tới ban nhạc đình đám xứ sở kim chi Super Junior với concert “Super Show 9”, rồi sự xuất hiện của chàng “hoàng tử tình ca” người Mỹ Charlie Puth tại Đại nhạc hội 8Wonders, tiếp nối là sự trở lại của huyền thoại saxophone Kenny G trong “Kenny G Live in Vietnam” cùng chương trình của nhóm pop rock lừng danh Maroon 5, sau đó là đêm nhạc AREA 52 với nam ca sĩ Thái Lan Bam Bam (nhóm GOT7) và nhất là chương trình của nhóm nhạc nữ Blackpink…
Bước sang năm 2024, sức nóng của các sân khấu biểu diễn tại Việt Nam vẫn không giảm nhiệt. Tháng 6 là cuộc tái ngộ của ban nhạc nổi tiếng Westlife với “The Hits Tour” lấp kín Cung điền kinh Mỹ Đình; tháng 7 là sự xuất hiện ngọt ngào của giọng hát siêu sao xứ Wales Katherine Jenkins; tháng 9 chứng kiến màn trình diễn lần đầu của Đoàn ballet Pháp Malandain Ballet Biarritz tại Nhà hát Hồ Gươm; và tháng 10 là sự trở lại ngoạn mục của BOND - nhóm tứ tấu dây thành công nhất lịch sử âm nhạc thế giới trong “BOND Live In Vietnam”, chinh phục hàng nghìn khán giả tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội… Cuộc “đổ bộ” của các nghệ sĩ quốc tế danh tiếng không chỉ chứng minh nền tảng kỹ thuật, trình độ thưởng thức nghệ thuật của nước ta đã tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, mà còn khẳng định Việt Nam sở hữu đầy đủ điều kiện, năng lực để tổ chức các sự kiện nghệ thuật chất lượng cao có khả năng thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước.
Thực tế cho thấy, khi di chuyển tới một điểm đến với mục đích chính là thưởng thức nghệ thuật, du khách thường có thêm nhu cầu kết hợp khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa để làm giàu có hơn trải nghiệm du lịch của mình. Vì thế, những sự kiện nghệ thuật đẳng cấp kéo theo lượng lớn người tham dự chắc chắn cũng tạo hiệu ứng lan tỏa có lợi cho du lịch và kinh tế địa phương.
BOND - nhóm tứ tấu dây biểu diễn trong chương trình “BOND Live In Vietnam”. Ảnh: THÀNH ĐẠT |
Chuyên nghiệp tạo nên thương hiệu
Nhiều khảo sát gần đây trên Booking.com cho thấy, du lịch nghệ thuật ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển. Thời gian qua, bên cạnh sức hút từ những sự kiện lớn có nghệ sĩ quốc tế tham dự, nhiều liveshow của những ngôi sao trong nước cũng tạo ra làn sóng dịch chuyển du lịch mạnh mẽ ở thị trường trong nước. Gần đây nhất, hai concert thuần Việt “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” cũng đã làm nên những con số kỷ lục về lượng người tham dự, bất chấp giá vé hạng cao nhất lên tới cả chục triệu đồng... Nắm bắt xu hướng du lịch nghệ thuật, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở nước ta đã nhanh nhạy xây dựng những sản phẩm biểu diễn chất lượng cao, có khả năng thu hút đông đảo du khách tìm đến thưởng thức. Tiêu biểu như “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức Hội An” được truyền thông thế giới đánh giá cao. Bên cạnh nhiều sự kiện liên hoan, lễ hội nghệ thuật quy mô được tổ chức thường niên ở các địa phương thu hút đông khách, đã và đang có không ít tụ điểm của những chuỗi sự kiện nghệ thuật tại Flamingo Đại Lải, Khu du lịch Tam Đảo, Đà Lạt… là địa chỉ quen thuộc của những du khách muốn trải nghiệm âm nhạc đặc biệt trong không gian khoáng đạt của thiên nhiên.
Có thể thấy, chưa bao giờ thị trường du lịch nghệ thuật tại Việt Nam lại sôi động như hiện nay. Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, điều này có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển công nghiệp văn hóa, bởi không chỉ thu hút du khách bằng giá trị nghệ thuật, các sự kiện tầm cỡ còn khuyến khích du khách ở lại điểm đến lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương. Đứng ở góc độ truyền thông, ông Vinh phân tích, muốn hút khách tới điểm đến, bên cạnh quảng bá những yếu tố đặc trưng về thiên nhiên, con người, sản vật..., còn cần có những cú huých tạo động lực để du khách muốn xách ba-lô lên và đi. Những sự kiện nghệ thuật đặc biệt chính là cú huých như vậy, và nếu mời được những ngôi sao quốc tế tên tuổi đến với Việt Nam sẽ tạo sức mạnh kích cầu du lịch lớn. Chủ tịch Le Group of Companies cho biết, trước đây, có nhiều ngôi sao thế giới muốn đến Việt Nam biểu diễn, nhưng còn ngần ngại vì các yếu tố hạ tầng, kỹ thuật, khả năng chi trả... Nhưng giờ, Việt Nam đã bảo đảm được hệ thống thiết bị chuyên dụng về âm thanh, ánh sáng, sân khấu hiện đại. Hơn nữa, đời sống kinh tế đi lên, nhiều người đã sẵn sàng bỏ tiền triệu để thưởng thức nghệ thuật. Điều này có nghĩa Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thực hiện những chương trình nghệ thuật đẳng cấp theo đòi hỏi khắt khe của quốc tế, vấn đề là cần có sự cởi mở, sẵn sàng hơn về thủ tục, chính sách, để những ngôi sao, nhà sản xuất trên thế giới cảm thấy được chào đón, được tạo điều kiện khi quyết định lựa chọn Việt Nam.
Để thu hút mạnh mẽ hơn du khách đến với các sự kiện nghệ thuật nói chung và nâng cao năng lực tiếp đón, phục vụ lượng khách lớn, bên cạnh tăng cường yếu tố chuyên nghiệp và sáng tạo trong xây dựng chương trình, sản phẩm, nhiều chuyên gia còn cho rằng cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các bên: cơ quan quản lý điểm đến, nhà sản xuất, đơn vị tổ chức sự kiện, công ty lữ hành để tạo thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, tích hợp thưởng thức nghệ thuật với chuỗi hoạt động lưu trú, ăn uống, trải nghiệm cảnh quan, văn hóa địa phương... Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ về thuế, thủ tục pháp lý cho các cá nhân, đơn vị đầu tư vào văn hóa nghệ thuật, đưa Việt Nam trở thành điểm đến nghệ thuật có thương hiệu.
Thống kê đầy ấn tượng về lượng khách tăng, công suất đặt phòng lưu trú, tần suất chuyến bay tại những nơi diễn ra sự kiện là những con số “biết nói” khẳng định nghệ thuật và du lịch chính là “cặp đôi hoàn hảo”. Nghệ thuật tạo ra sản phẩm kích thích nhu cầu du lịch của du khách, và du lịch tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm nghệ thuật.