1 “Kỳ tích” hoàn toàn không phải là thứ ngôn ngữ khoa trương, trong trường hợp cụ thể này.
Ngày 16/9/2024, Đội tuyển nam cờ vua Việt Nam gặp đối thủ cực mạnh Trung Quốc, trong khuôn khổ Olympiad. Loạt đấu cuối, Lê Quang Liêm đối diện Ding Liren (Đinh Lập Nhân). Ding Liren là ai? Là “kỳ vương” Trung Quốc, cũng là đương kim vô địch cá nhân cờ vua nam của Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE). Và khi ván đấu kết thúc, chính FIDE bình luận trên trang chủ: “Thật đáng kinh ngạc khi đội tuyển Việt Nam có thể chặn đứng Trung Quốc, để cân bằng tỷ số 2-2”.
Chiến thắng này là lần đầu, một kỳ thủ cờ vua Việt Nam đánh bại một nhà đương kim vô địch thế giới, trong một ván cờ tiêu chuẩn.
Nối tiếp chiến công này, tại ván 9, đội tuyển nữ cũng làm nên một cú sốc, khi hạ gục đội tuyển đương kim vô địch châu Âu Bulgaria, từ thế ngược dòng. Và khi giải đấu khép lại, kỳ thủ nam Lê Tuấn Minh nhận Huy chương đồng bàn 3. Đó là những thành tích vượt ngoài kỳ vọng của người hâm mộ thể thao trí tuệ nước nhà, khi chúng ta đến với Olympiad 2024 trong vị thế của những “người ngoài cuộc” thực thụ.
2 Tuy vậy, cũng chính là với những gì đã đạt được (và với những thành tựu đã ở rất gần), kết cục cuối cùng, trên thực tế, lại để ngỏ không ít tiếc nuối. Chặng sau của giải, bởi nhiều lý do, phong độ “bão táp” như sáu ván đầu đã không còn tiếp tục được duy trì. Những cú vấp liên tiếp đã khiến đội tuyển nam phải bằng lòng với vị trí thứ 25, còn đội tuyển nữ xếp hạng 23, và đây cũng là thứ hạng chung cuộc toàn đoàn của đoàn kỳ thủ Việt Nam tại Olympiad lần này. Trong bối cảnh ấy, những lời ca ngợi từ cộng đồng quốc tế dành cho các kỳ thủ Việt Nam nhanh chóng lắng xuống và chìm đi, khi chưa có bước đột phá (được biểu hiện cụ thể bằng thành tích) nào được tạo nên.
Các tuyển thủ quốc gia trở về quê hương theo hai nhóm. Riêng ngôi sao số 1 Lê Quang Liêm bay thẳng sang Mỹ, nơi anh đang sinh sống và tiếp tục “khổ luyện”.
Có lẽ, ở phương diện nào đó, hình ảnh này đã là một ẩn dụ, đối với cờ vua Việt Nam. Nó gợi lại những nỗi tâm tư, về con đường phát triển năng lực cá nhân của các kỳ thủ, từ thời nữ đại kiện tướng Hoàng Thanh Trang nói lời từ giã để chuyển sang thi đấu cho đội tuyển Hungary năm 2006. Nó cũng tô đậm thêm những sự khác biệt giữa Lê Quang Liêm với Nguyễn Ngọc Trường Sơn, người đồng đội có sức cờ “một chín một mười” với anh thời khởi nghiệp. Nó đặt ra các mệnh đề tương đối phức tạp và hoàn toàn không dễ giải quyết, cho những làn gió trẻ Lê Minh Tuấn, Bành Gia Huy hay Phạm Lê Thảo Nguyên, Bạch Ngọc Kỳ Dương trong hiện tại. Và dĩ nhiên, bao trùm lên tất cả, vẫn là câu hỏi chung cho cả nền thể thao trí tuệ Việt Nam, trong khát vọng vượt tầm khu vực.
3 Nhưng dù sao, với những hạt mầm hy vọng vẫn đang được cần mẫn gieo, như những gì từng xuất hiện ở Olympiad 2024, có lẽ cũng không phải là quá thiếu cơ sở để người hâm mộ vẫn tin tưởng vào một ngày bừng sáng của cờ vua Việt Nam, thậm chí có thể là ngay trong tương lai gần.
Tháng 10/2024, hai kỳ thủ trẻ Đầu Khương Duy (13 tuổi) và Bành Gia Huy (15 tuổi) được FIDE công nhận Kiện tướng cờ vua thế giới, khi đều đã tích lũy được vượt mức hệ số elo cần thiết (hơn 2.400). Đích phấn đấu tiếp theo của cả hai tay cờ Hà Nội này (cùng đạt elo 2.422) đều sẽ là Siêu đại kiện tướng quốc tế.
Bên cạnh đó, cờ vua Việt Nam chính thức có hai suất tham dự World Cup 2025. Nhờ vào thành tích tại Olympiad 2024, chúng ta được FIDE trao một suất nam và một suất nữ (đều ở nội dung cá nhân) dự World Cup cờ vua 2025, theo quy định chính thức. Cộng thêm suất gần như chắc chắn thuộc về Lê Quang Liêm (nằm trong hàng ngũ 15 kỳ thủ mạnh nhất thế giới), cờ vua Việt Nam sẽ có ba đại diện.
Chưa phải quá nhiều, nhưng cũng chẳng phải quá ít, để chờ đợi những khoảnh khắc đầy cảm xúc. Như khi Lê Quang Liêm bình thản nhận cái bắt tay từ Ding Liren…