Mang lại nhiều giá trị xã hội cho thế hệ trẻ
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức Cuộc thi và Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN với kỳ vọng đây sẽ là sự kiện tổ chức định kỳ tại Việt Nam.
Đến nay, Cuộc thi và Triển lãm này đã trải qua bốn phiên, định kỳ bốn năm. Qua từng phiên, số lượng họa sĩ chuyên ngành này ở các nước trong khu vực tham gia ngày càng đông đảo. Nếu như năm đầu, có 9 trong số 10 nước gửi tác phẩm thì trong tất cả các phiên sau đó, đều có đầy đủ đại diện 10 nước tham gia. Nếu như năm đầu, Hội đồng nghệ thuật chỉ bao gồm đại diện của Việt Nam thì ở các phiên tiếp sau, mỗi phiên đều có ít nhất hai thành viên là các giáo sư, họa sĩ uy tín của chuyên ngành này trong khu vực và châu lục.
Trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế (Đại học Huế), thành viên Hội đồng nghệ thuật từ phiên thứ hai (năm 2016) đến thứ tư (năm 2024) đã đưa ra nhận định về đóng góp xã hội của chương trình này: “Điều đáng kể nhất chính là sự tác động đến các họa sĩ đồ họa trẻ Việt Nam trong nhận thức, tái nhận thức và mở rộng nhận thức về các khái niệm của đồ họa, kỹ thuật cũng như cách trình bày nghệ thuật đồ họa... Kết quả là sự tiến bộ của các họa sĩ đồ họa Việt Nam qua mỗi phiên. Bên cạnh đó, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đứng ra tổ chức sự kiện đã làm tăng hiệu ứng xã hội, làm tăng sự quan tâm của đông đảo công chúng dành cho bộ môn nghệ thuật này”.
Địa điểm tổ chức sự kiện này thay đổi qua từng phiên, với xu hướng tiếp cận đại chúng. Năm 2024, sự kiện lần đầu được đưa về thành phố Hải Phòng, sau ba kỳ diễn ra tại những địa điểm khác nhau ở thành phố Hà Nội.
Họa sĩ người Myanmar Myoe Kyaw bên bức tranh của ông tại workshop Hanoi Art Connecting năm 2024. Ảnh: An Trung |
Tương tự, chương trình Kết nối nghệ thuật Hà Nội/Hanoi Art Connecting đã đi qua bảy kỳ tổ chức. Đây là nỗ lực của người sáng lập-họa sĩ Trịnh Tuân cùng sự chung tay thực hiện của một nhóm các nghệ sĩ độc lập trong nước, tích cực kết nối, vận động sự đồng hành của nhiều trường đại học, các nhà tài trợ (doanh nghiệp, tư nhân) trong nước để đưa nghệ sĩ quốc tế về với Việt Nam.
Toàn bộ các hoạt động tại Việt Nam đều do Ban tổ chức lo kinh phí. Quy trình tổ chức ngày càng được thực hiện bài bản, thu hút sự quan tâm, tham gia không chỉ của nghệ sĩ mỹ thuật trong nước, mà còn đông đảo sinh viên các ngành sáng tạo đến từ nhiều trường đại học đăng ký làm tình nguyện viên, có cả học sinh bậc trung học phổ thông.
“Hiện nay, có thể nói, Hanoi Art Connecting là workshop nghệ thuật quốc tế lớn nhất tại Việt Nam. Tiêu chí xuyên suốt qua các năm là sự kết nối: Kết nối các nghệ sĩ từ các quốc gia đến với Việt Nam và ngược lại; kết nối các thế hệ nghệ sĩ đã thành danh với nghệ sĩ trẻ; kết nối giảng viên và sinh viên các trường nghệ thuật; và kết nối, đưa nghệ thuật tới gần với công chúng”, họa sĩ Trần Mạnh Linh, đại diện Ban tổ chức, chia sẻ.
Tại phiên thứ bảy của Hanoi Art Connecting năm 2024, 50 họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ đồ họa đến từ 18 quốc gia thuộc châu Á, châu Mỹ, châu Âu cùng hơn 80 đồng nghiệp Việt Nam đã tụ về Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội. Chuỗi hoạt động đã đem lại một không khí sáng tạo, một cộng đồng sáng tạo rộng và cởi mở.
Các đại biểu dự khai mạc Cuộc thi và Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN năm 2024 tại Bảo tàng Hải Phòng. Ảnh: BTC |
Kích hoạt cá tính sáng tạo của từng nghệ sĩ
Cùng làm việc tại Hanoi Art Connecting 2024, họa sĩ Trịnh Ngọc Liên, giảng viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, rất thích thú cách quan sát và thể hiện hình ảnh người bán hàng lưu niệm ở Hội An của họa sĩ người Myanmar Myoe Kyaw. Ông chọn nhân vật chính có nụ cười và diện mạo mang nét đặc trưng của người già nơi này, trên tay cầm mặt nạ dân gian cũng có điệu cười giống nhân vật, bối cảnh chung quanh khá sinh động, thể hiện được quang cảnh riêng có ở Hội An. “Ông đã cho tôi thấy rằng: Nếu họa sĩ biết cách kể câu chuyện đời thường bằng nghệ thuật và với một cách kể độc đáo thì sẽ khiến cho những hình ảnh vốn quen thuộc trở nên rất mới mẻ”, Trịnh Ngọc Liên bày tỏ.
Qua bốn kỳ tham gia Hanoi Art Connecting, họa sĩ Trịnh Ngọc Liên nhận thấy sự thực
hành sáng tác của các họa sĩ nước ngoài rất khác với những gì mà anh đã và đang làm. Sự kết hợp nhiều thể loại, kỹ năng, cũng như kỹ thuật cá nhân đã làm nên sức hấp dẫn và tính hiện đại trong một tác phẩm. Sự phong phú, không giới hạn trong cách thức sáng tạo và xây dựng tác phẩm của họ đã đem lại cho anh một cái nhìn tự do, linh hoạt hơn trong thực hành hội họa. Đây chính là điểm cộng đặc biệt dành cho một họa sĩ chấp nhận những thử thách,
va đập chuyên môn tại chỗ với đồng nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó, người thực hành nghệ thuật tự xây bước tiến của cá nhân mình trong nỗ lực vừa làm sâu sắc hơn cá tính sáng tạo lại vừa làm rộng mở hơn thế giới quan trong nghệ thuật.
Chung một góc độ quan sát và chiêm nghiệm về giá trị khó có thể thay thế của những sự kiện kết nối trực tiếp nghệ sĩ quốc tế, nhất là diễn ra ở tại Việt Nam, với họa sĩ Phan Hải Bằng, những gì thu lượm được từ Cuộc thi và Triển lãm tranh đồ họa ASEAN giúp anh “thấy được vị trí của mình ở đâu trong dòng chảy nghệ thuật đồ họa, ngõ hầu tiếp tục tìm tòi và khẳng định hướng đi cho mình trong sáng tác”.
★
Trong bối cảnh mới của sự phát triển đất nước ta như hiện nay, những sự kiện nghệ thuật quốc tế do Việt Nam tổ chức ngay trên dải đất hình chữ S xinh đẹp của chúng ta hẳn đã và đang góp phần bồi đắp những giá trị sáng tạo cá nhân mới, cũng là đóng góp vào sự giàu có bản sắc nghệ thuật của dân tộc trong tương lai. Gần hơn, điều đó đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên một điểm hẹn đẹp của nghệ thuật khu vực và thế giới-Việt Nam.
Bản sắc nghệ thuật của một dân tộc được vun đắp từ sự tích tụ thành tựu nghệ thuật qua thời gian với nhiều thế hệ nghệ sĩ. Thành tựu ấy lại là kết quả của sự hội tụ và tinh lọc giá trị sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ.