Lối đi nghệ thuật đậm mầu dân tộc

Tiếp thu tư duy hội họa phương Tây sau bảy năm du học, trở về nước, Chu Nhật Quang lại lựa chọn sơn mài truyền thống trên con đường sáng tác. Sau 5 năm, anh đã kịp cho ra mắt loạt tác phẩm gây tiếng vang lớn với những thử nghiệm độc đáo về tranh sơn mài khổ lớn, định hình một phong cách hội họa mang đậm bản sắc dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Chu Nhật Quang miệt mài chuẩn bị những phác thảo cho bức sơn mài “Con đường Bác Hồ” khổ lớn 4mx9m.
Họa sĩ Chu Nhật Quang miệt mài chuẩn bị những phác thảo cho bức sơn mài “Con đường Bác Hồ” khổ lớn 4mx9m.

Tuổi 30 không phải quá trẻ với một họa sĩ khi lần đầu có triển lãm cá nhân, nhưng Chu Nhật Quang đã ghi được dấu ấn đậm nét trong đời sống mỹ thuật Việt Nam năm 2024 với 52 tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn hoành tráng ở không gian trưng bày “Dấu thiêng” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Sáng tác tranh sơn mài truyền thống luôn là một thách thức đối với các họa sĩ, nhất là với người trẻ, nhưng với Chu Nhật Quang đó là cả một quá trình chuẩn bị dài lâu, là tình yêu và niềm đam mê từ thuở ấu thơ. Anh được nuôi dưỡng và thừa hưởng tinh thần nghệ thuật từ ông nội là Nghệ sĩ Nhân dân Chu Mạnh Chấn và bố là Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng vốn nổi tiếng với tranh sơn mài phong cảnh làng quê và múa rối nước. Trên nền tảng tiếp thu từ truyền thống gia đình, lại qua quá trình “Tây học”, Chu Nhật Quang hội tụ đủ các yếu tố có thể tạo nên đột phá mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc để mang lại sự độc đáo, khác biệt.

Lối đi nghệ thuật đậm mầu dân tộc  ảnh 1

Tranh sơn mài khổ lớn “Dấu thiêng” thể hiện những điều thiêng liêng ẩn giấu trong từng di tích.

Tuân thủ những nghiêm luật và hồn cốt tinh túy của nghề sơn mài truyền thống, hiểu biết cặn kẽ về kỹ thuật làm vóc và tạo mầu sơn mài, họa sĩ 9x đã tìm tòi cho mình một hướng đi mới, phát huy và nâng tầm sơn mài Việt trong sự sáng tạo không ngừng nghỉ về cách thức thể hiện. Chất liệu sơn ta tuy vẫn là nền tảng cốt lõi, nhưng Chu Nhật Quang không bó mình trong giới hạn mà cố gắng tạo ra độ lung linh, đa sắc của mầu sơn bên cạnh việc tìm tòi nguyên liệu khảm mới từ nhiều nguồn. Đặc biệt hơn là việc tạo các tấm vóc tái chế, thân thiện với môi trường, bảo đảm sự bền vững và không phải cắt ghép như những bức vóc bằng chất liệu gỗ trong quá trình thực hiện các tác phẩm. Sau bao tháng ngày miệt mài, bền bỉ thử nghiệm, có không ít thất bại để đi tới thành công, cho đến hôm nay, tranh sơn mài khổ lớn liền tấm đã trở thành một thương hiệu của Chu Nhật Quang trong giới hội họa.

Chiêm ngưỡng các bức sơn mài tầm vóc bề thế, kích cỡ trung bình gần 2 m2, có bức lên tới hơn 7 m2 của Chu Nhật Quang, có thể thấy sự hòa quyện của ý tưởng và hình thức, thể hiện nhân sinh quan và triết lý sâu xa mà mỗi khám phá, cảm nhận đều tạo nên không ít bất ngờ. Sự nghiêm cẩn về đường nét, hình khối, sắc mầu của tư duy hội họa phương Tây bên tính ước lệ, bay bổng và tài hoa của mỹ thuật truyền thống dân tộc được ghi đậm nét ở mảng tranh di sản kiến trúc, là kết quả sau những tháng ngày họa sĩ mải mê nghiên cứu, tìm hiểu để đưa vào tranh vẽ vẻ đẹp Hoàng thành Thăng Long, Tháp Rùa, chùa Một Cột và các di tích cổ kính của kinh thành xưa. Ở đó, hào khí nghìn năm văn hiến ghi dấu trong từng viên đá, cột trụ, phù điêu rồng bay và bông sen tỏa ngát, mang đến niềm tự hào kiêu hãnh trước di sản dân tộc.

Thể hiện các góc cạnh hình ảnh trong sự chuyển động dẫn tới những liên tưởng đa chiều của di sản, tranh Chu Nhật Quang không nặng nề bởi anh biết khai thác tận dụng sắc mầu đa dạng của sơn mài dưới hiệu ứng ánh sáng và cả sự lôi cuốn từ những khoảng lặng suy tư, triết lý. Thấp thoáng trong không ít tác phẩm là hình ảnh hoa sen thanh tịnh, mềm mại vươn mình khoe vẻ đẹp tự tôn mà khiêm nhường, cho thấy niềm tin và bản chất con người đất Việt trong sự kết nối tâm linh với thiên nhiên, trời đất.

Không dừng lại nghỉ ngơi sau “Dấu thiêng” ghi nhận chặng đầu khởi nghiệp, Chu Nhật Quang tiếp tục bận rộn với dự án mới. Anh cùng các cộng sự đang làm việc và sáng tạo không ngừng nghỉ để kịp giới thiệu 20 bức sơn mài khổ lớn (1m x 2m) chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước tại thành phố mang tên Bác (30/4/2025), trong đó có 15 tác phẩm về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Mỗi bức tranh sẽ là một địa danh chiến công gắn theo bước chân đoàn quân chiến thắng, là hình ảnh quê hương, đất nước được cách điệu hóa lãng mạn, nhưng có thể cảm nhận trong đó nỗi khát khao hòa bình, thống nhất, niềm vui bắc nam sum vầy, giang sơn thu về một mối.

Lối đi nghệ thuật đậm mầu dân tộc  ảnh 2

Tranh “Sân khấu mắc cạn” thể hiện hình ảnh sân khấu thủy đình với nghệ thuật rối nước làng quê đang dần mai một.

Điểm nhấn của triển lãm sẽ là bức sơn mài “Con đường Bác Hồ” có kích thước kỷ lục,

4m chiều dọc và 9m chiều ngang, nặng khoảng ba tấn, tái hiện hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bến Nhà Rồng cho đến khi trở về Pác Bó (Cao Bằng). Tỏa sáng trong tác phẩm là hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhân cách lớn, một danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới. Chu Nhật Quang cho biết, thực hiện chân dung trên tranh sơn mài đã khó, nhưng cái khó hơn cả là khắc họa được thần thái, sự bao dung, nhân ái và tầm vóc trí tuệ của lãnh tụ. Anh đã đọc, nghiên cứu rất nhiều tài liệu, sách báo viết về các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp hoạt động cách mạng cũng như cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng tìm hiểu, càng thêm những khám phá mới về Người, khơi dậy trong anh nhiều cảm hứng sáng tác.

Nối tiếp dự án này trong năm 2025, Chu Nhật Quang có kế hoạch mở tiếp một không gian trưng bày trong dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tập trung khai thác những yếu tố đặc trưng của bản sắc dân tộc, nỗ lực quảng bá, đưa sơn mài Việt Nam lên một tầm cao mới trong nền hội họa khu vực và thế giới. Họa sĩ 9x chắc chắn sẽ còn tiến xa trên con đường nghệ thuật mang đậm sắc mầu dân tộc.