Định hình bản đồ du lịch Net Zero

Góp phần hiện thực hóa cam kết đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sự xuất hiện những điểm đến, tour du lịch Net Zero trên dải đất hình chữ S đang thắp lên nhiều hy vọng cho hành trình phát triển xanh của nước nhà.
Không gian xanh tại Khu du lịch Làng Nhỏ-Hồ Láng Nhớt, một trong những đơn vị đi đầu trong thực hành du lịch Net Zero tại Việt Nam.
Không gian xanh tại Khu du lịch Làng Nhỏ-Hồ Láng Nhớt, một trong những đơn vị đi đầu trong thực hành du lịch Net Zero tại Việt Nam.

1 Không chỉ được biết đến với vai trò tiên phong theo mô hình Glamping và Pop-up resort tại Việt Nam, Khu du lịch Làng Nhỏ-Hồ Láng Nhớt (thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) còn là đơn vị đi đầu trong thực hành du lịch Net Zero.

Ông Nguyễn Mạnh Bình San, người sáng lập Viện Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc cảnh quan, cũng là chủ Khu du lịch Làng Nhỏ cho biết, ngay khi bắt tay thực hiện dự án từ năm 2017, ông và những cộng sự đã xác định sẽ đi theo hướng hạn chế đến mức thấp nhất việc tác động đến môi trường tự nhiên, dựa trên nguyên tắc “tiết kiệm” và “hoàn trả”.

“Bảy năm qua, Làng Nhỏ tập trung vào gìn giữ môi trường theo hướng làm nông nghiệp rừng. Chúng tôi đã phát triển được 23 ha rừng tự nhiên, khôi phục được 18 ha rừng khác”, ông Bình San chia sẻ.

Nơi đây cũng không dùng điện từ nguồn gây phát thải mà hoàn toàn từ năng lượng nước và mặt trời. Phương tiện di chuyển trong làng là xe điện, xe đạp, bè tre. Các hoạt động từ quy hoạch đến vận hành đều tuân thủ quy tắc hạn chế phát thải.

2 Cũng là một điển hình trong phát triển du lịch Net Zero, đầu tháng 9/2024, Suối Rao Ecolodge (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) vừa trở thành khu du lịch đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được trao chứng nhận Điểm đến trung hòa carbon. Chiêm ngưỡng sắc xanh phủ rợp khoảng 95% diện tích nơi đây, ít ai biết, 16 năm trước, khu vực Suối Rao Ecolodge chỉ là vùng đất sỏi đá, chủ yếu trồng những cây lương thực ngắn ngày.

Trải qua quá trình dài trồng cây gây rừng, cải thiện chất lượng đất với sự vào cuộc của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nơi đây đã trở thành “ngôi nhà” của hơn một triệu cây xanh, trong đó, hơn 800 loài thực vật đã được định danh, với nhiều cây gỗ bản địa quý hiếm cùng hàng trăm loại dược liệu có thể dùng để nấu ăn, làm thuốc…

Theo đo đạc, tính toán của Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI), tổng lượng CO2 lưu trữ trong cây và đất tại Suối Rao Ecolodge trong sáu năm qua là 1.558,86 tấn, tương đương 260 tấn CO2/năm, trong khi lượng phát thải CO2 đo được là 19 tấn/năm. Điều này có nghĩa, các hoạt động tại đây chỉ tiêu thụ khoảng 7% carbon lưu trữ mỗi năm. Nghệ nhân sinh vật cảnh Lê Thị Nga, người sáng lập Suối Rao Ecolodge cho biết, Suối Rao Ecolodge sẽ kiên trì với định hướng Net Zero, dự kiến cán mốc có 1.000 loài thực vật vào năm 2025, góp phần lan tỏa mô hình du lịch sinh thái có trách nhiệm với môi trường.

Cùng với Làng Nhỏ-Hồ Láng Nhớt và Suối Rao Ecolodge, nhiều khu du lịch, cơ sở lưu trú ở các điểm đến tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), tỉnh Quảng Bình, TP Đà Nẵng… cũng đang nỗ lực chuyển đổi xanh, từng bước định hình bản đồ du lịch Net Zero Việt Nam với nhiều sáng kiến, mô hình. Bên cạnh đó, một số tour Net Zero đã được khai thác, thu hút đông đảo du khách quan tâm tại vùng hang, động Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình); một số đảo ở tỉnh Khánh Hòa; bãi biển Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai…

3 Thực hành du lịch Net Zero đang chứng minh không chỉ là xu hướng, là đòi hỏi tự thân của sự phát triển bền vững ngành du lịch, mà còn là động lực mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Từ đó, hình thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, có khả năng hấp dẫn nhóm du khách có đòi hỏi ngày càng cao hơn về nhu cầu “xanh” và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các hoạt động du lịch vì môi trường.

Theo Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, chuyển đổi xanh hướng đến mục tiêu Net Zero là yếu tố quyết định tương lai của ngành du lịch. Đây không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay tổ chức mà là nhiệm vụ chung của toàn ngành, toàn xã hội.

Với sự vào cuộc đầy quyết tâm của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, một hệ sinh thái du lịch Net Zero đang từng bước hình thành, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới về du lịch xanh, du lịch bền vững.