Văn học trẻ

Hội nhập từ chiều sâu văn hóa, lịch sử

Văn học Việt Nam đương đại đang có những bước tiến trong việc hội nhập quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện qua sự xuất hiện của các tác giả, dịch giả với tác phẩm, giải thưởng mà còn ở bản sắc văn hóa. Một thế hệ trẻ đang dần bổ sung vào diện mạo nền văn học với những sáng tác mang đậm dấu ấn về thẩm mỹ, tư duy.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình giao lưu và trình diễn thơ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024.
Chương trình giao lưu và trình diễn thơ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, với nền văn hóa phong phú và giá trị nhân văn sâu sắc, văn học Việt Nam không chỉ phản ánh đời sống, tâm tư, và khát vọng của con người mà còn mở ra những góc nhìn độc đáo, chứa đựng chiều sâu triết lý, văn hóa của dân tộc. Điều đặc biệt là ở bất cứ thời kỳ nào, làn gió mới do các tác giả trẻ tạo nên luôn mang đến những giá trị đáng kể.

Nhìn lại lịch sử văn học nước nhà trong thế kỷ 20, có thể điểm ra nhiều tên tuổi nổi bật: Chế Lan Viên viết “Điêu tàn” năm 16 tuổi; Nguyên Hồng in “Bỉ vỏ” năm 18 tuổi; Tế Hanh 20 tuổi được giải thưởng của Tự Lực văn đoàn; Vũ Trọng Phụng viết “Giông tố”, Nam Cao viết “Chí Phèo”, Nguyễn Tuân viết “Vang bóng một thời” đều ở độ tuổi ngoài 20; Hoài Thanh viết “Thi nhân Việt Nam” khi vừa vào tuổi 30… Liên hệ gần hơn, Đỗ Chu viết “Ao làng”, “Hương cỏ mật”, “Mùa cá bột” khi 17-18 tuổi; Trần Đăng Khoa xuất bản “Từ góc sân nhà em”, sau đó là “Góc sân và khoảng trời” năm 10 tuổi; Phan Thị Vàng Anh in “Khi người ta trẻ” năm 25 tuổi, “Hội chợ” năm 28 tuổi; Nguyễn Ngọc Tư in “Ngọn đèn không tắt” năm 25 tuổi, “Cánh đồng bất tận” năm 29 tuổi...

Gần nhất, Hội nghị người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 ghi nhận sự tham gia của các tác giả thuộc thế hệ công dân toàn cầu, sáng tác bằng cả tiếng Việt và các ngoại ngữ khác, như: Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008), từng đoạt Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022; Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007), từng đoạt giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023... Cùng với đó là việc lựa chọn giới thiệu tác giả trẻ tại nhiều hội sách quốc tế. Qua sự xuất hiện của các cây bút trẻ ở những thời kỳ khác nhau, có thể khẳng định, ngoài việc tài năng không đợi tuổi, yếu tố bản sắc vùng đất, con người, thời đại… trong tác phẩm nổi lên khá rõ rệt.

Cùng đội ngũ sáng tác, thế hệ dịch giả trẻ cũng mang đến những tín hiệu khả quan. Ngoài 20 tuổi, Nguyễn Bình, một du học sinh Việt Nam tại Mỹ, đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Tác giả trẻ ở hạng mục Văn học dịch với tác phẩm dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Anh. Từ khi còn nhỏ tuổi, Nguyễn Bình đã say mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc. Sau khi đọc các bản dịch tiếng Anh khác, anh nhận thấy bản dịch của mình phải toát lên được “chất nghệ thuật” của tác phẩm và cũng cần khác các bản dịch đã có.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định: Việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới có nhiều thuận lợi, trong đó bản sắc là điểm nhấn quan trọng. Chiều sâu của văn hóa, lịch sử Việt Nam sẽ mang đến cho bạn đọc quốc tế những trải nghiệm mới lạ. Chúng ta cũng đang có một thế hệ mới thông thạo ngoại ngữ, đủ khả năng dịch thuật, sáng tạo, đam mê tinh hoa văn hóa dân tộc. Yếu tố này là nền tảng quan trọng cho sự chuẩn mực, gợi mở, thu hút của văn học. Bối cảnh mới đặt lên vai các tác giả, dịch giả trẻ nhiệm vụ đưa văn hóa, văn học nước nhà hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, để không dừng lại ở hoạt động gặp gỡ, giao lưu, khám phá sơ lược mà phải có tác động đa chiều, có thể lan tỏa đến các lĩnh vực khác, chiều kích khác của đời sống văn hóa tinh thần người Việt.

Dù đã có những bước tiến đáng kể, song, văn học Việt Nam đương đại vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc khẳng định bản sắc, cạnh tranh với văn học các nước khác, đòi hỏi các tác giả không ngừng đổi mới, sáng tạo. Hằng năm, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đều góp phần phát hiện những tác phẩm có dấu ấn về bản sắc của thế hệ trẻ để trao giải. Theo đánh giá từ giới chuyên môn, thế hệ trẻ sở hữu nhiều lợi thế, song cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn, trong đó có những thành tựu văn chương của nước nhà đã ghi dấu ấn sâu sắc trên văn đàn và trong lòng bạn đọc. Để hội nhập quốc tế, họ vừa cần kế thừa, phát huy giá trị nền tảng vừa phải tự tìm ra con đường riêng. Thế giới văn học luôn tìm kiếm những ngôn ngữ, tư duy mới từ các nền văn hóa khác nhau. Nhiều tổ chức văn hóa quốc tế cũng đang quan tâm việc thúc đẩy văn học từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thông qua nhiều chương trình tài trợ, dịch thuật, và quảng bá… Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng còn chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: Đãi ngộ cho tác giả, dịch giả chưa thỏa đáng. Thí dụ, với mức thù lao dịch thuật khoảng 40.000 - 70.000 đồng/trang in (theo sách gốc), dịch giả chỉ có thể nhận khoảng 10-15 triệu đồng/bản dịch, dù mất nhiều ngày tháng mới có thể hoàn thành. Không ít tác giả, dịch giả đã chọn hướng sử dụng năng lực vào những công việc khác để trang trải cuộc sống.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) cho rằng, cần tăng cường việc tổ chức các trại sáng tác chuyên ngành, chuyến đi thực tế… cho các tác giả trẻ để đào sâu khai thác về bản sắc; có thể nghĩ đến phương thức hỗ trợ sau khi tác phẩm hoàn thành, được một hội đồng chuyên môn đánh giá là tác phẩm có chất lượng cao; tổ chức nhiều hơn các hội thảo, sân chơi văn chương cho người trẻ, có chiến lược cụ thể, lâu dài trong quảng bá tác phẩm ra nước ngoài…

Văn học có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến bạn đọc, xã hội và luôn được nhận định là một trong những cách thức góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người ra thế giới một cách hiệu quả. Nhưng lâu nay, phương thức quảng bá này chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, chia sẻ: Hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đã được quảng bá qua rất nhiều tác phẩm văn học trong những năm qua. Tuy nhiên, để đẩy mạnh, đạt được hiệu quả cao, chúng ta cần phải đổi mới rất nhiều. Cần có chiến lược đầu tư thỏa đáng cho tác giả, dịch giả trẻ và chỉ khi các tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết, họ mới phát huy hết trách nhiệm người cầm bút đích thực.