BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Người con quê hương Đông Chử

“Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1958 trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” đến nay vẫn còn nguyên giá trị với nhiều thế hệ đảng viên và người dân nước Việt. Với Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, ông không chỉ nằm lòng câu nói của Bác mà còn lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình.
0:00 / 0:00
0:00
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cùng các đồng nghiệp trên công trường.
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cùng các đồng nghiệp trên công trường.

Trưởng thành từ Trường Sơn…

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại làng Đông Chử, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ cậu bé Giáp đã chọn con đường chữ nghĩa để nối nghiệp cha ông. Nhưng học hết cấp ba, năm 1971, khi tin bộ đội ta đánh thắng địch ở Đường 9 - Nam Lào đưa về thì cậu thiếu niên đã có lựa chọn cho mình, như lớp thanh niên vừa từ giã mầu hoa phượng đỏ, theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ.

Vào lính, dù được cấp trên lựa chọn cho đi học đại học quân y nhưng cậu trai Giáp từ chối, quyết định theo nghề ngồi sau vô lăng, băng băng vượt các nẻo đường, mắt nhìn trời đất cỏ cây phía trước. Bởi với máu văn nghệ, ưa bay nhảy sẵn có trong người, cậu mê những hình ảnh tươi trẻ, lãng mạn trong bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ Ánh Dương, mê sự hào sảng, mạnh mẽ của những người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật…

Qua mấy tháng học lái xe, Nguyễn Đăng Giáp được bổ sung cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Cũng từ đây, cuộc đời cậu gắn chặt với những cung đường chằng chịt, ngoắt ngoẻo của tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. Mà mỗi lần chuyển hàng từ kho bãi tập kết đến nơi nhận hàng binh trạm chẳng khác đi vào cửa tử bởi chẳng biết trúng bom, đứt phanh lạng vực khi nào. Nhiều cựu chiến binh sau này khi nhắc về đường Trường Sơn thường nhớ đến cảm giác giặc từ trên trời “đổ bom ào ạt” xuống chứ không phải “thả”, bởi nhiều bom quá.

Đặc biệt trên tuyến đường 20 quyết thắng, phải vượt qua bao khúc cua tay áo, hầm ngầm, đèo dốc, lòng suối cạn với vô vàn các trọng điểm mà chỉ nghe thôi cũng đủ lạnh người: như Đồng Tiền, Ka Tốc, Cốc Mạc, Văng Mu, Lùm Bùm, Ta Lê, Phu La Nhích… Dù đã có lần bị thương ở đèo tử thần Phu La Nhích bởi bom tọa độ nhưng Nguyễn Đăng Giáp không hề sợ hãi. Trái lại, sau lần đó, anh tiếp tục lái xe băng qua các điểm lửa để đưa hàng hóa, cùng xe đến nơi an toàn. Cũng chính giai đoạn này, đối diện thường trực với cái chết của mình, của đồng đội, đã giúp người lính trẻ Nguyễn Đăng Giáp thêm tin yêu vào cuộc sống, vào lựa chọn bản thân, tin thiện ác phân minh. Là người lính lái xe, anh thêm được sự tự tin, phân tích sắc sảo, đưa ra quyết định nhanh chóng, chấp nhận đi đến tận cùng với quyết định của mình chứ không dao động bàn lùi.

Sống trách nhiệm với từng khoảnh khắc

Môn Sơn là con đập thủy lợi thuộc huyện Con Cuông, có chung đường biên giới hơn 20km với nước bạn Lào, cách thành phố Vinh khoảng 150km về phía Tây. Nơi đây những năm khi chưa làm đập thủy điện ngăn dòng sông Giăng là nơi 5 không: không điện, không đường, không chợ, không trạm y tế, không thông tin liên lạc. Với hơn 7.000 dân, gồm người Kinh, người Thái, người Đan Lai, trong đó người Đan Lai đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Con đập Môn Sơn được xây dựng nhằm ngăn dòng sông Giăng lấy nước tưới phục vụ canh tác nông nghiệp, nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân địa phương và Đồn Biên phòng 555l, mong giúp đồng bào thoát khỏi cảnh du canh du cư, săn bắt, hái lượm.

Với vai trò Phó Giám đốc Xí nghiệp 37 kiêm Đội trưởng xây dựng 18 thuộc Công ty xây lắp 665 - Binh đoàn 11, người lính Nguyễn Đăng Giáp quyết định đấu thầu và thắng thầu công trình đập thủy lợi Môn Sơn. Sự tự tin, thận trọng của người lính lái xe Trường Sơn năm nào được phát huy tác dụng. Không chỉ có hàng chục chuyến đi nghiên cứu thực địa trước khi xây dựng. Anh còn đi sâu phân tích nắm rõ sự thất bại của các nhà thầu trước đều đến từ kỹ thuật. Bởi địa tầng khu xây đập rất phức tạp, nhiều sỏi, điều kiện thi công khó khăn, nếu móng không cắm được vào tầng đá gốc với phương pháp thi công đặc biệt thì đập sẽ không trụ vững trước mùa lũ quét.

Rồi trong một chuyến đi điền dã, nghe các cụ già nói chuyện về loài cá mát nhiều trứng hơn, chứng tỏ lũ sẽ to nhưng về muộn. Vì là năm nhuận nên lũ càng muộn. Chớp được điều đó, đồng chí Giáp quyết định thi công khẩn cấp, gấp rút, trên tinh thần vượt lên trước lũ. Lũ vào mình chỉ đợi xem công trình có trụ vững không mà thôi. Khắc phục mọi khó khăn từ máy móc, đến đường sá, con người, tất cả đều trên tinh thần chủ động không chờ đợi. Với móng, anh cho đào chân khay xuống sâu 2,5m, có chỗ 4m, thậm chí 6m. Tới tầng đất sét, cho dùng vải tiếp địa bọc lót chống thấm. Riêng đai khớp đế móng dùng 134m inox thay cho đai sắt theo thiết kế. Thân đập 124m chia làm sáu khoang, các khoang nối với nhau bằng khớp đồng, nước không thấm qua được. Vỏ đập được kết cấu bê-tông mác 300, dày 600 ly… Để xử lý nước ngầm, sẵn sàng mua thêm 12 máy bơm diezen và hai máy bơm điện chạy hết công suất. Hàng trăm công nhân từ ngoài bắc được điều vào công trình. Tết Nhâm Ngọ 2002, từ lãnh đạo công ty đến anh em công nhân đều ăn Tết trên công trường. Tất cả đều chạy đua với thời gian, vì mục tiêu hoàn thành công trình trước mùa mưa 2002.

Hè 2002, đập hoàn thành cũng là khi lũ đổ về. Nhưng lũ không cuốn được đập đi. Phía trên đập, dòng nước bị chặn lại vẫn lồng lộn trào lên muốn quậy phá nhưng bất lực. Phía dưới, dòng nước sau khi tràn qua thân đập bỗng hóa hiền từ chảy về hạ lưu. Qua trận lũ, đập vẫn hiên ngang đứng vững, sẵn sàng đương đầu với các trận lũ tiếp theo. Nguyễn Đăng Giáp cùng tập thể công ty giờ đây có thể tự tin về sức làm việc, sự sáng tạo của mình, tất cả đều được đền đáp xứng đáng nếu có quyết tâm, đồng lòng dám nghĩ, dám làm.

Có thể nói, thành công của đập thủy lợi Môn Sơn đã mở ra khoảng trời mới, đặt nền móng cho sự thành công của Công ty 36 sau này với một loạt các công trình quan trọng như: Hội trường Bộ Quốc phòng, Trụ sở Tổng cục Thuế, Trung tâm phát thanh truyền hình Quân đội, Nhà ga T1 sân bay Nội Bài Hà Nội, Cầu cảng xăng dầu Đồng Nai, Cảng cá Tiên Châu, Nhà máy nhiệt điện duyên hải Trà Vinh, các công trình thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Mô, Dự án xây dựng đường Hoàng Mai-Nghĩa Đàn, Dự án xây dựng đường đôi lưỡng dụng Krong Á, Dự án khu nhà ở tái định cư dự án 4-678, Dự án chung cư B6 Giảng Võ-Hà Nội…

Tuổi trẻ, tuổi nghề của Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp là những năm tháng sôi động, làm việc và cống hiến. Trong chiến đấu không bao giờ từ chối bất cứ nhiệm vụ nào cấp trên giao, thi hành nhiệm vụ với quyết tâm, sự sáng tạo cao. Như trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào sau giải phóng 1975, để tránh phỉ rình rập phục kích các đoàn xe chở hàng, anh đưa ra ý kiến xin bộ binh theo, ngồi trên thùng xe, khi cần có thể cùng lái chính, lái phụ trong buồng lái trực tiếp chiến đấu, đẩy lùi các đợt phục kích, giảm thiểu thương vong.

Trong thời bình, khi bắt tay vào làm kinh tế, anh đã mạnh dạn nghiên cứu, nhận làm những công trình lớn. Sự quyết đoán, tự lực, không ỷ lại, phải tự mình đứng bằng sức mình của người đứng đầu đã góp phần mang lại thành công cho Nguyễn Đăng Giáp nói riêng, cũng như Tổng công ty 36 nói chung.

Với Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp giờ đây khi được hỏi về quãng đường đời đã qua, kỷ niệm nào khiến anh ấn tượng nhất. Anh thường suy nghĩ rất lâu, bởi cuộc đời cuốn nhanh, chớp mắt gần 70 mùa xuân với anh có nhiều sự kiện, nhiều tình huống, con người đáng nhớ quá. Một cuốn hồi ký “Như tôi đã sống” do tác giả Duy Tường thể hiện còn chẳng gói gọn lại được hết chứ làm sao dăm ba câu có thể nói hết. Nhưng nếu hỏi cụ thể về từng sự kiện, con người thì anh có thể ngồi kể tỉ mỉ, tường tận như sự kiện đang diễn ra trước mắt đây. Thế mới thấy, anh sống kỹ, sống trách nhiệm với từng khoảnh khắc sống đến thế nào…