Có nguồn gốc lâu đời từ Trung Á, gắn bó với ngọn lửa của tín ngưỡng Bái hỏa giáo trong văn hóa cổ Ba Tư, nhưng Nghê là linh vật “sống” từ lâu trong văn hóa của người Việt.
Nghê có mặt ở hầu khắp những di tích, di sản trên khắp đất nước. Nghê được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, chạm trên kiến trúc, đắp chầu trước cổng… Ban đầu mang hình dáng sư tử, về sau chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa, không khó để nhận ra những dấu ấn mỹ thuật của văn hóa làng - nước Việt. Không chỉ là hình tượng của văn hóa dân gian, Nghê xuất hiện trong những nơi cao quý, thâm nghiêm: cung điện, lăng tẩm của các bậc vua chúa. Nghê phổ biến trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng, “phục vụ” cho cõi âm thiêng liêng với nhiều dáng vẻ: hoan hỷ cung nghênh, thương cảm. Đặc biệt hơn, Nghê ở đình làng Việt không lớn về kích cỡ song lại rất đông đảo về số lượng và vô cùng linh hoạt trong thần thái - “leo trèo” khắp mọi không gian: từ cửa đình, bẩy hiên, vì nóc, vào tận cửa khám chốn hậu cung… phóng khoáng vui đùa với nhiều hoạt cảnh, có khi bị kéo đuôi, có khi bị vuốt râu, có khi “đồng phạm” với người trong một cảnh nhìn trộm (!), có khi nằm kềnh khoe bụng.
Khác với ánh nhìn xuống, vẻ dữ tợn đe nẹt như sư tử trấn môn ở Trung Hoa hay nghiêm nghị như linh vật Haetae (thần thú Giải trãi) ở xứ Hàn, Nghê Việt thường được đặt đối diện nhau, thường hướng ánh nhìn lên trên với ngũ quan sáng rạng, để tiếng gầm hay lời khấn vọng tới trời xanh. Hình tượng Nghê mang đậm hồn Việt, thân thương gần gũi của một triết lý nhân sinh hiền hòa.
![]() |
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (mặc trang phục dân tộc) giới thiệu về Nghê Việt tại triển lãm.
Trong các đền, miếu, so với các tượng thú khác. Nghê được tạo tác với chất lượng nghệ thuật cao nhất, sống động nhất, truyền cảm nhất. Chỉ riêng ở Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nghê hiện diện nhiều chỉ sau hình tượng Rồng. Nghê xuất hiện từ ngoài Tứ trụ, tới cổng Đại Thành, “đội” bảng, “đội” đèn thờ, được chạm trên bia tiến sĩ và cả trên áo tượng Khổng Tử nơi điện Đại Thành... Mỗi vị trí, Nghê lại mang một hàm ý khác nhau. Chỉ một việc chiêm nghiệm, giảng nghĩa các hình tượng Nghê tại đây cũng đã làm thành một cuộc tương tác thú vị của các em học sinh với di tích.
Cuộc triển lãm “Tư liệu linh vật Nghê Việt” như một bước đi mới của Nghê đến với công chúng thời nay. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định: “Đây là hoạt động hướng tới và cùng với nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Những giá trị tốt đẹp của cha ông luôn được gìn giữ, tiếp nối là mạch nguồn nuôi dưỡng tình yêu, sự trân quý với văn hóa dân tộc”.
Triển lãm do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Không gian văn hóa Hoa Lư phối hợp tổ chức từ ngày 15-11-2018 đến ngày 15-2-2019.