1. Được tổ chức lần đầu năm 2012, đây là lần thứ ba sự kiện này được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại các nước ASEAN; Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức.
PGS, TS, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng khoa Đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật khẳng định, đây là một điều kỳ diệu, một chiến thắng lớn của nghệ thuật tranh in trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, từ khi thông báo, nhận ảnh tới khi chấm giải các tác phẩm diễn ra tốt đẹp. Điều đó cho thấy lợi thế và giá trị của tranh in với việc giao lưu nghệ thuật trong thế giới ngày nay.
Cùng suy nghĩ đó, GS Pongdej Chaiyakut, Giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường đại học Chiang Mai, Thái-lan - Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật cũng nhận định: Năm 2020 đã chứng kiến một đại dịch toàn cầu, tuy nhiên triển lãm vẫn được diễn ra, minh chứng rằng Ban tổ chức và các nghệ sĩ đã rất mạnh mẽ và có một sự gắn kết lớn với nghệ thuật. Tôi hy vọng cuộc thi sẽ trở thành một tiêu chuẩn của ngành tranh in và là một hoạt động thường xuyên của nghệ thuật đồ họa ASEAN.
2. Các tác phẩm được lựa chọn trưng bày tại triển lãm là những sáng tác có chủ đề về cuộc sống, con người, phong cảnh thiên nhiên, đất nước, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và những vấn đề của cuộc sống đương đại mà các nước ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ. Hội đồng nghệ thuật (gồm các chuyên gia của Việt Nam, Thái-lan, Nhật Bản) đã chọn được 117 tác phẩm của 84 tác giả từ 10 quốc gia: Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái-lan và Việt Nam để trưng bày tại triển lãm. Bao gồm các thể loại tranh in: tranh in nổi (khắc gỗ, khắc cao-su, khắc bìa và các kỹ thuật in nổi khác); tranh in lõm (khắc kim loại, khắc mica, khắc trên phim, khắc lõm cảm quang); tranh in phẳng (in đá, litho trên kim loại, litho trên gỗ); tranh in xuyên (in lưới, in trổ khuôn); tranh in độc bản (collagraph); tranh in các kỹ thuật khác: cyanotype (blue print), gumprint, tranh in kỹ thuật số; tranh in đa chiều (sắp đặt tranh in, book art tranh in, tranh in nhiều lớp).
Trong 11 tác phẩm đoạt giải, tác phẩm giải nhất thuộc về họa sĩ đến từ Thái-lan, nơi có nền mỹ thuật đồ họa phát triển nhất trong khu vực. Còn lại hai giải nhì (tác phẩm của họa sĩ Thái-lan và Việt Nam), ba giải ba (tác phẩm của các họa sĩ Philippines, Thái-lan và Việt Nam) và năm giải khuyến khích. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cảm nhận: Các bạn có thể thấy câu chuyện của nghệ sĩ cũng là câu chuyện của xã hội. Bản sắc cũng không mất đi, nó len lỏi trong từng tác phẩm và bởi vậy vấn đề dân tộc, nhân loại, truyền thống hay hiện đại không gây áp lực lớn cho tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
3. Nhìn chung nghệ thuật đồ họa Việt Nam vẫn ít được cộng đồng quan tâm và chưa theo kịp về công nghệ và kỹ thuật số so với các nước bạn. Ngay cả mảng đầu vào, khi rất ít sinh viên theo học khoa mỹ thuật đồ họa tại các trường chuyên ngành. Liên hoan lần này sẽ là bài học quý từ các quốc gia khác giúp các nghệ sĩ Việt Nam thấu hiểu để nỗ lực vượt lên khả năng hiện có của mình nhằm tạo ra đột phá mới cho nghệ thuật đồ họa đương đại Việt Nam. Nguyễn Đức Hạnh, họa sĩ Việt Nam đoạt giải nhì với tác phẩm “Cách ly”, chia sẻ: Các tác phẩm đồ họa của các họa sĩ đến trong khối ASEAN rất tuyệt vời, từ học thuật đến nội dung tác phẩm và ý tưởng thì rất đa dạng. Là họa sĩ đồ họa tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ các tác phẩm tham gia và thật sự choáng ngợp, bởi cũng chưa bao giờ được tiếp xúc và hôm nay mới thấy được tận mắt.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 25-11 (mở cửa từ thứ hai đến chủ nhật, từ 9 giờ 30 phút đến 20 giờ) tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom Hà Nội.