Mở thêm “Xóm Bờ Giậu”

Sau cuốn “Xóm Bờ Giậu” ra mắt năm 2018, giành Giải thưởng sách quốc gia lần thứ hai năm 2019 ở Hạng mục Sách thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến vừa trình làng cuốn tiếp theo “A lô… Cậu đấy à?”.
0:00 / 0:00
0:00
Mở thêm “Xóm Bờ Giậu”

Không gian Xóm Bờ Giậu đầy sắc màu

“Xóm Bờ Giậu” tuyển chọn 25 truyện đồng thoại, mở ra một không gian thiên nhiên đồng nội đầy màu sắc, mời gọi các bạn nhỏ bước vào khám phá. Nhà văn Trần Đức Tiến tiếp tục giới thiệu với các bạn nhỏ thế giới của “hàng trăm, hàng nghìn bọ cánh cứng” như: Bọ Dừa, Bọ Ngà, Cánh Cam, Xiến Tóc, Bổ Củi, Vòi Voi, Bọ Que, Bọ Rùa, Bọ Hung, Niềng Niễng…

Chỉ bằng một vài chi tiết chấm phá độc đáo, nhà văn đã tạo được ấn tượng với những nhân vật cá tính, sống động: Cụ giáo Cóc thông thái, cô Cúc Áo điệu đà, người mẫu Ốc Sên đỏm dáng, nhạc sĩ tài danh Dế Lửa, thi sĩ Dế Còm mộng mơ, lão Chuột Chù gian xảo…

Cuốn sách phù hợp độc giả tuổi nhi đồng, mới biết đọc. Bởi thế, nhà văn Trần Đức Tiến thường sử dụng các câu ngắn, giàu hình ảnh, mầu sắc, nhịp điệu. Đọc truyện cũng là một cách để các bạn nhỏ học thêm từ mới, biết cách diễn tả cảnh vật chung quanh như: “Trăng lên. Gió mơn man khua động vòm lá trúc. Những chiếc lá trúc lấp lánh dưới trăng như tráng bạc. Hương thơm hoa Cúc Áo buổi chiều lẩn quất đâu đó trong gốc cây, bụi cỏ”. Và cách diễn tả cảm xúc một cách tinh tế: “Cụ giáo Cóc thức dậy trong mùi hương nồng nàn. Nghe tiếng lao xao ngoài đường, cụ vội lấy gậy chống, thận trọng dò từng bước ra cửa. Chao, cô Cúc Áo như đã hóa thân thành người khác, phô bày tất cả vẻ lộng lẫy của mình qua những bông hoa vàng rực ngát hương”.

Mở rộng bức tranh Xóm Bờ Giậu

Có lẽ, khi tuyển chọn các truyện để xuất bản thành cuốn “Xóm Bờ Giậu”, nhà văn Trần Đức Tiến đã chọn theo tiêu chí, đó là một tuyển tập truyện đồng thoại. Thế giới nhân vật, ngoài các cư dân Xóm Bờ Giậu, còn có Cún Bông, Lật Đật, Búp Bê (Lũ đồ chơi của bé), chiếc ấm tích (Cổ tích ấm sứt vòi), cuốn lịch (Cuộc đời của chàng Lịch), hay Cún nhỏ (Chân trời cuối phố)… Vì thế, ngoài không gian Xóm Bờ Giậu thuần khiết ở đầu tập truyện, thì phần sau lại mở ra các không gian khác. Ở tập truyện thứ hai “A lô… Cậu đấy à?”, nhà văn Trần Đức Tiến đã dành toàn bộ tâm sức cho bức tranh về Xóm Bụi Trúc - tên gọi mới của Xóm Bờ Giậu xưa. 23 truyện ngắn kể 23 câu chuyện xoay quanh các cư dân hậu duệ của Xóm Bờ Giậu.

Ở “A lô… Cậu đấy à?”, nhà văn Trần Đức Tiến dường như tiết chế hơn trong cách kể, mỗi truyện ngắn là một lát cắt nhỏ, nhiều truyện dường như không có truyện. Xuyên suốt các truyện là nhân vật chính - Sóc Bông Lau dễ thương, cùng các bạn Thằn Lằn, Cóc Tía… Ngoài những giây phút yên bình trong Xóm Bụi Trúc, đôi lúc Sóc Bông Lau và các bạn cũng chu du đây đó thăm người thân hay chào đón chuyến ghé thăm của những du khách phương xa và cả những phen gay cấn về “Quái vật đầm lầy”, khi có kẻ gõ cửa lúc nửa đêm…

Từ Xóm Bờ Giậu, hướng đến “xứ người”?

Nhà văn Trần Đức Tiến quan niệm: “Con người là một phần của thiên nhiên, không thể sống tách rời thiên nhiên. Nhà văn phải biết cách nghe thấy tiếng hát của con Thằn Lằn, tiếng thở dài của con Ốc Sên và đọc được bài thơ của con Dế trên chiếc lá mít. Hơn thế, còn phải làm cho bạn đọc nhỏ tuổi tin vào những điều đó, để cùng học cách “nghe” và “đọc” nhiều thứ khác. Đấy là thử thách khó vượt qua nhất, nhưng cũng là tham vọng lớn lao của những người viết truyện đồng thoại”.

Có lẽ, với các truyện viết cho thiếu nhi, gần nhất là trong hai tập truyện “Xóm Bờ Giậu”, “A lô… Cậu đấy à?”, nhà văn Trần Đức Tiến đã phần nào hiện thực hóa được tham vọng ấy. “Con người vẫn đang tìm cách “nối mạng” giữa họ với muôn loài sinh sống ngay trên Trái đất. Họ đã bay lên sao Hỏa, sao Kim, gửi tin nhắn đến những sinh vật của những hành tinh khác. Chả nhẽ lại không gọi điện thoại được cho sóc, cho thằn lằn, cho cóc… ở ngay trong vườn nhà mình?”. Suy nghĩ của Sóc Bông Lau trong truyện ngắn “Chúc một ngày tốt lành”, phải chăng cũng chính là mong mỏi của nhà văn Trần Đức Tiến khi viết những truyện đồng thoại này, chính là “nối mạng” giữa con người với thiên nhiên, muôn loài.

Đọc cuốn “A lô… Cậu đấy à?”, tôi chợt nhớ đến nhà văn người Hà Lan Toon Tellegen với bốn tập truyện đồng thoại đã được xuất bản tại Việt Nam: “Những lá thư nhờ gió gửi ai đó”, “Ở nơi xa tít mù khơi”, “Sinh nhật ở rừng và những cuộc vui tưng bừng”, “Một cuộc phiêu lưu ra trò và rắc rối”. Bộ sách được xuất bản với sự tài trợ của Quỹ Văn học Hà Lan, nhằm quảng bá văn học, văn hóa Hà Lan ra thế giới.

Các truyện của Toon Tellegen đều xoay quanh các cư dân của rừng già, nơi các con vật bé nhỏ như Kiến, Muỗi, Đom Đóm, Ốc Sên… làm bạn với Sóc, Gấu, Voi. Voi khiêu vũ cùng Kiến và vô tình giẫm phải chân Kiến. Những lá thư tự viết cho chính mình. Một hạt bụi đáng giá “cả một gia tài”… Nhà văn Toon Tellegen đã viết khoảng 300 câu chuyện ắp đầy trí tưởng tượng và mộng mơ, thấm đẫm tinh thần nhân văn như thế trong suốt hơn 25 năm.

Tôi cứ ước ao, giá mà nhà văn Trần Đức Tiến cũng xây dựng được một thế giới Xóm Bờ Giậu trong văn học thiếu nhi Việt Nam như thế.