Mở rộng lưới an sinh

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức chương trình “Mang Tết ấm đến với bệnh nhân bảo hiểm y tế có hoàn cảnh khó khăn - Xuân Quý Mão 2023”. Dịp này, BHXH Việt Nam đã trao tặng 200 suất quà cho các bệnh nhân là người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có hoàn cảnh khó khăn phải ở lại điều trị tại các bệnh viện trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
Tặng quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa trung ương. Ảnh: BẮC SƠN
Tặng quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa trung ương. Ảnh: BẮC SƠN

Nhiều gói hỗ trợ linh hoạt

Chương trình được BHXH Việt Nam chỉ đạo triển khai tại BHXH 63 tỉnh, thành phố. Nguồn kinh phí tặng quà cho các bệnh nhân là người tham gia BHYT có hoàn cảnh khó khăn được trích từ Quỹ hoạt động tình nghĩa của ngành BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá, trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam đã luôn đồng hành cùng các bệnh viện và ngành y tế tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cho người bệnh có thẻ BHYT. Đây là một trong những khâu có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục thể hiện sự quan tâm tới người bệnh có thẻ BHYT, những phần quà được BHXH Việt Nam trao tặng trong Chương trình này có ý nghĩa và giá trị tinh thần to lớn, tiếp thêm động lực cho người bệnh.

Là một trong những bệnh nhân có thẻ BHYT tham dự Chương trình, chị Nguyễn Thị Mai (tỉnh Thanh Hóa), người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết: “Chồng tôi là lao động chính trong nhà, hiện đang phải điều trị dài ngày ở bệnh viện nên gia đình hết sức khó khăn. Với tấm thẻ được tặng, chồng tôi có thêm động lực và điểm tựa để vượt qua bệnh tật. Chúng tôi thật sự cảm thấy ấm lòng trong những ngày Tết không được sum họp bên gia đình…”.

Trước đó, BHXH Việt Nam đã phát động và triển khai Chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên phạm vi cả nước. Tính đến hết ngày 31/12/2022 đã có hơn 16 nghìn sổ BHXH và gần 130 nghìn thẻ BHYT được chương trình trao tặng tới 146 nghìn người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2022, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 và những thay đổi về chính sách đã ảnh hưởng đến khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục được hỗ trợ tham gia BHYT so với thời điểm cuối năm 2021. Trước tình hình đó, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương linh hoạt triển khai nhiều giải pháp.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, diện bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so năm 2021 và là một trong bảy chỉ tiêu kinh tế-xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch. Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời.

Trong năm 2022, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho hơn 95.600 hồ sơ hưởng mới và chi trả kịp thời đến 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 977.600 người hưởng các chế độ BH thất nghiệp; 151,4 triệu lượt người hưởng BHYT; với tổng số tiền chi cho người hưởng lên đến 382.000 tỷ đồng. Trong đó có 61% hưởng qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg trước ba năm.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành y tế đề xuất và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm kinh phí kịp thời cho các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT. Với sự vào cuộc tích cực đó, nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT đã được tháo gỡ kịp thời. Sự chủ động, quyết liệt của ngành đã tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng dịch vụ y tế, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.

BHXH Việt Nam cũng chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có, đẩy mạnh truyền thông sâu rộng để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ các quỹ BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên hơn 47.200 tỷ đồng, chiếm 45,2% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ (theo đó, đã có 99,3% người nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).

Tiếp tục mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán Ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo.

Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ sáu quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, một trong những nhiệm vụ giải pháp là: Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, cấp phép, gia hạn, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước. Nâng cao năng lực hệ thống, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực điều trị của tất cả các tuyến.

Đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người lao động; tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, giá dịch vụ y tế để từng bước thực hiện tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình; đổi mới phương thức chi trả để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT… Mục tiêu cụ thể phấn đấu năm 2023 đạt 93,2% dân số cả nước tham gia BHYT.

Chính phủ cũng chỉ đạo ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của kinh tế trong và ngoài nước. Tăng cường kết nối và điều tiết cung-cầu lao động, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp; đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt khoảng 39-40%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 31,5-32%.

Nghị quyết yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy cao nhất các mặt tích cực, kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập trên các lĩnh vực. Trước ngày 20/1/2023, xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể của bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó, cần xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ (bao gồm nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện), tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, nâng cao năng lực, tăng cường phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thấp nhất tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; tăng cường chuyển đổi số, thực hiện công tác thống kê, báo cáo kịp thời, chính xác; định kỳ hằng quý cập nhật kịch bản phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.