Thông tư 11 thay thế Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 (Thông tư 02) và các văn bản sửa đổi, bổ sung bởi môi trường kinh doanh cũng như các quy định của pháp luật liên quan có sự thay đổi... Đồng thời, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNg) cũng gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Thông tư 02. Việc ban hành Thông tư 11 là quyết sách đúng đắn của NHNN nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc để đánh giá, phản ánh đúng chất lượng tín dụng và tình hình tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNg, phù hợp thông lệ quốc tế, các quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNg.
Một số điểm mới tại Thông tư 11 như: (i) tần suất phân loại nợ từ ít nhất mỗi quý một lần sang mỗi tháng một lần; (ii) bổ sung thêm các tài sản có rủi ro tín dụng phát sinh từ một số hoạt động, trong đó có việc mua, bán nợ theo quy định của NHNN về hoạt động mua, bán nợ...; (iii) loại trừ tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt khỏi đối tượng áp dụng Thông tư 11 do các tổ chức tín dụng này thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng để phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 146đ Luật Các tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung)...
Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mặc dù đã có những thay đổi quan trọng nhưng Thông tư 11 chưa kiểm soát được toàn diện một số hoạt động của tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn ra phổ biến trong thời gian dài, có dấu hiệu lách luật, vi phạm các quy định của NHNN, cụ thể:
Thứ nhất là hoạt động bán nợ theo hình thức trả chậm.
Một số tổ chức tín dụng đã lợi dụng hoạt động mua bán nợ để lách giới hạn tăng trưởng tín dụng, che giấu nợ xấu. Tổ chức tín dụng thường cấp tín dụng dưới chuẩn và điều kiện ưu đãi hơn đối với các công ty sân sau. Đến thời hạn thanh toán của khoản nợ này, trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghiệp vụ bán nợ theo hình thức trả chậm cho bên thứ ba, đều là các công ty khác có liên quan. Do pháp luật hiện hành chưa quy định chặt chẽ về năng lực tài chính của bên mua nợ nên việc bán nợ trả chậm được thực hiện rất dễ dàng. Việc bán nợ này sẽ làm giảm dư nợ của khách hàng, chuyển từ dư nợ cấp tín dụng thành khoản phải thu của tổ chức tín dụng, chuyển khoản nợ có thể chuyển thành nợ xấu thành khoản phải thu có thời hạn, thu hồi dài hơn. Chính việc này sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng có thêm room tín dụng, che giấu được khoản nợ xấu có thể phát sinh (ẩn dưới hình thức khoản phải thu còn trong hạn). Hình thức này diễn ra phổ biến trong thời gian dài, biểu hiện tại một số tổ chức tín dụng có khoản phải thu rất lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng do bán nợ trả chậm, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Thông tư 02 trước đây và Thông tư 11 hiện nay tuy có điều chỉnh nội dung này nhưng chưa cụ thể, có thể gây nhiều cách hiểu khác nhau dẫn tới áp dụng khác nhau. Thông tư 11 quy định: “Đối với khoản nợ đã bán (trừ khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro) nhưng chưa thu được đầy đủ tiền bán nợ thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ phân loại số tiền chưa thu được như là khoản nợ chưa bán”. Ở đây, khi bán nợ trả chậm, số tiền chưa thu được đã chuyển thành khoản phải thu của tổ chức tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ phân loại nợ, trích lập dự phòng đối với khoản phải thu chứ không còn là dư nợ tín dụng. Do đó, sẽ xảy ra trường hợp khoản nợ gốc ban đầu quá hạn thanh toán nhưng khoản phải thu khi bán nợ lại chưa quá hạn. Vì thế, khoản nợ xấu đã được che giấu dưới hình thức bán nợ trả chậm.
Để kiểm soát việc lợi dụng bán nợ trả chậm để che giấu nợ xấu, lách giới hạn tăng trưởng tín dụng, cần quy định cụ thể hơn nữa về việc bán nợ theo hình thức trả chậm. Theo đó, cần xem xét năng lực tài chính của bên mua nợ như xem xét điều kiện cấp tín dụng đối với khách hàng và xem khoản tiền chưa thanh toán là khoản cấp tín dụng đối với bên mua nợ hoặc là khoản nợ của khách hàng ban đầu. Đồng thời, vẫn tính khoản tiền chưa thanh toán vào dư nợ tín dụng của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán nợ là cam kết giao dịch dân sự, được điều chỉnh theo các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có Bộ luật Dân sự. Theo đó, nếu trường hợp một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ cam kết tại hợp đồng mua bán nợ hoặc trường hợp bất khả kháng, thì sẽ xảy ra trường hợp hợp đồng vô hiệu. Khi đó, tổ chức tín dụng bán nợ buộc phải nhận lại khoản nợ đã bán. Nếu trường hợp này xảy ra thì sẽ bất cập với quy định tổ chức tín dụng không được mua lại khoản nợ đã bán và quy định về bảo lưu quyền truy đòi người bán. Do đó, cần quy định cụ thể các trường hợp bất khả kháng mà tổ chức tín dụng buộc phải nhận lại khoản nợ đã bán (không phải mua lại).
Thứ hai, Thông tư 11 chưa quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng tăng quy mô vốn ảo trong các tổ chức tín dụng.
Trong thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2) đối ứng lẫn nhau với cùng thời hạn, cùng số tiền, cùng lãi suất, cùng điều kiện. Giao dịch này làm tăng quy mô vốn cấp 2 của tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, nhưng về bản chất đây là tăng quy mô vốn ảo giữa các tổ chức tín dụng, làm phản ánh sai lệch tình trạng tài chính của tổ chức tín dụng. Thông tư 11 mới chỉ yêu cầu phân loại số tiền mua như một khoản cho vay đối với tổ chức tín dụng phát hành.
Thứ ba, dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 126 Luật Các TCTD (có sửa đổi, bổ sung): “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng”.
Qua thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng bán tài sản (bao gồm cả bất động sản, cổ phần của tổ chức tín dụng khác...) dưới hình thức trả chậm. Về bản chất, việc bán tài sản trả chậm thực chất là cấp tín dụng cho bên mua trả chậm. Đặc biệt là việc bán cổ phần của tổ chức tín dụng khác theo hình thức trả chậm chính là việc cấp tín dụng cho bên mua cổ phần của tổ chức tín dụng khác. Do đó, cần nghiêm cấm việc tổ chức tín dụng bán cổ phần của tổ chức tín dụng khác theo hình thức trả chậm, ngăn chặn hành vi lợi dụng chính sách để sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng khác nhằm thao túng, trục lợi. Ngoài ra, cần xác định các khoản chưa thu được từ bán tài sản trả chậm như là khoản cấp tín dụng đối với bên mua tài sản và được phân loại nợ, trích lập dự phòng theo quy định đối với hoạt động tín dụng.
Từ một số băn khoăn trong việc áp dụng Thông tư 11 đối với việc kiểm soát, quản lý chất lượng tín dụng và tình hình tài chính của tổ chức tín dụng. Hy vọng NHNN sẽ có những đánh giá khách quan và toàn diện để kiểm soát những hoạt động mang tính rủi ro cao của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.