Mạnh tay xử lý các “thần y” rởm

Trước tình trạng “loạn thần y” trên mạng xã hội, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa khuyến cáo, người dân không nên tin theo các hướng dẫn chữa trị không có cơ sở khoa học, những quảng cáo sai sự thật để từ đó khám, mua thuốc, trị bệnh…
0:00 / 0:00
0:00
Người dân cần đến khám bệnh trực tiếp tại các cơ sở y tế.
Người dân cần đến khám bệnh trực tiếp tại các cơ sở y tế.

“Tiền mất, tật mang”

Mới đây, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 phát đi cảnh báo về đoạn clip được lan truyền nhanh chóng trên TikTok và Facebook. Trong đoạn clip này, một người đàn ông lớn tuổi mạo danh có gần 40 năm công tác tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và trước khi nghỉ hưu đã mắc các bệnh: Tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa cột sống, rối loạn thần kinh trung ương. Người này chia sẻ, khi được tiếp cận với cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của người phương Đông” và thực hành bốn tháng ăn chay, kết quả mọi bệnh đã hết. Ngoài việc chia sẻ về liệu pháp ăn chay chữa lành tự nhiên, clip này còn dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.

Ngày 22/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế các bệnh viện lớn để tư vấn chữa bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Nghe theo hướng dẫn của “thần y” TikTok, một nữ bệnh nhân (40 tuổi, ở Hà Nội) mắc ung thư vú nhưng không tuân thủ việc điều trị theo bác sĩ. Hậu quả là người này phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nghiêm trọng. Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, sau hai tháng thực hiện theo hướng dẫn không có cơ sở khoa học để triệt tiêu khối u là nhịn ăn, uống lá đu đủ và nước măng tây, khối u vỡ, loét, chảy dịch, người bệnh mới đến bệnh viện.

Chỉ cần gõ từ khóa “đột quỵ” sẽ ra hàng trăm, hàng nghìn hướng dẫn về cách phòng và chữa trị từ các “thần y” TikTok. Một trong những hướng dẫn chữa đột quỵ “chết người” được lan truyền trên TikTok H.Y.T.D thời gian gần đây, đó là nếu thấy người bệnh đột quỵ thì nên lấy kim hơ nóng chích vào 10 đầu ngón tay và nặn cho máu ra. Làm vậy từ hai đến ba phút, người bệnh sẽ tỉnh lại. Còn với người bệnh có biểu hiện méo miệng thì sử dụng kim đâm vào dái tai, nặn hai giọt máu ra, người bệnh cũng tỉnh lại. Điều đó đã khiến nhiều người làm theo và gánh hậu quả. Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội) đưa ra lưu ý, sai lầm phổ biến của người nhà là cho bệnh nhân đột quỵ nằm yên, xoa dầu, chích máu ngón chân, ngón tay làm tăng nguy cơ nhiễm trùng… Do vậy, người dân khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não cần tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống hay sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, không dùng kim chích các đầu ngón tay hay chân của người bệnh. Không nên để người bệnh nằm lâu một chỗ mà cần khẩn trương đưa đi cấp cứu.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thực trạng đưa thông tin theo hướng thổi phồng công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với thực phẩm chức năng trong hoạt động bán hàng đa cấp đang diễn ra khá phổ biến. Các đối tượng đã sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng hoặc tô vẽ công dụng thực phẩm chức năng từ “kinh nghiệm thực tế” qua những “nhân chứng sống” là người đã từng bị bệnh. Việc lợi dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo không đúng sự thật nhằm bán thuốc, thực phẩm chức năng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh. “Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe”, Cục An toàn thực phẩm lưu ý.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế đã phát hiện, yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên không gian mạng. Luật Quảng cáo cũng quy định rõ: Cấm các hành vi mạo danh người khác, cấm sử dụng hình ảnh y, bác sĩ để quảng cáo cho thực phẩm chức năng, thuốc.

Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên cho rằng, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc, bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành y tế đã và đang phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân, các bác sĩ chỉ chia sẻ một số kiến thức chung, cơ bản để người bệnh, gia đình bệnh nhân có thể xử trí trong những tình huống cấp cứu hay nhận diện có bệnh để tới cơ sở y tế thăm khám kịp thời. Các bác sĩ không thể kê toa chung cho bệnh nhân. Nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy hiện nay vẫn là các bệnh viện, phòng khám y khoa, hay bác sĩ gia đình. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, mạnh tay dẹp loạn “thần y” trên TikTok cũng như các địa chỉ mạng xã hội khác để bảo vệ người bệnh.

Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó, mỗi người tham gia mạng xã hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, khi phát hiện vi phạm cần báo cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật...

Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

- Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

- Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

- Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.

- Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.