Giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức
Cụ thể, thí sinh sẽ thi bốn môn gồm hai môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán với hai môn lựa chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Tổ chức thi trên toàn quốc theo hình thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo phương án thi vừa công bố, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương, chủ động có phương án về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết tổ chức kỳ thi. Địa phương cũng chủ động tổ chức thanh tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung và hướng dẫn của bộ.
Mục đích của kỳ thi được xác định để đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Kết quả thi cũng là một cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Dự thi là học sinh đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa tốt nghiệp, người đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Về lộ trình, từ năm 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm tại địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp thi trên giấy và trên máy tính), khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với tất cả các môn thi trắc nghiệm.
Bộ cũng nêu vấn đề sẽ nghiên cứu về lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia tổ chức trong cùng một địa điểm như hiện nay.
Trước đó, việc lựa chọn thi tốt nghiệp THPT với bốn môn đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ vì giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức.
Đổi mới hướng nghiệp, dạy và học
Theo các chuyên gia, số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, việc thi bốn môn năm 2025 có nhiều điểm mới (có 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì bốn tổ hợp như trước đây) và yêu cầu cần đạt là phẩm chất, năng lực chứ không phải kiến thức, kỹ năng như trước. Vì vậy, cần thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, quan điểm dạy và học, tuyển sinh đại học ở tầm cao mới.
Trước hết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có mục tiêu phát triển học sinh theo phẩm chất và năng lực. Giáo dục phổ thông chia làm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Ở cấp THPT, học sinh được phân hóa theo năng khiếu, định hướng nghề nghiệp bằng hình thức tự chọn với nhiều tổ hợp.
Ngoài tám môn/hoạt động giáo dục bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp), học sinh được chọn thêm bốn môn trong số các môn (Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc).
Điều này, đòi hỏi các em phải biết khả năng, năng lực, năng khiếu, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để chọn các môn học và thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Vì vậy, công tác giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, tư vấn tâm lý cho học sinh ở cấp THCS, THPT ngày càng quan trọng. Bao gồm hướng học, hướng nghiệp và giải quyết các vấn đề khó khăn của mỗi học sinh.
Trong đó, hướng giúp người học hình thành xây dựng phương pháp học tập và chọn các môn học ở cấp THCS và THPT phù hợp nhất. Hướng nghiệp giúp người học có khả năng đánh giá bản thân để chọn ngành, nghề phù hợp sau này. Như vậy, dạy và học ở nhà trường ngày càng cá nhân hóa.
Thứ hai, cần khẳng định vai trò các môn học góp phần vào sự thành công của học sinh là như nhau, không có môn chính, phụ. Một số môn công cụ như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hay Lịch sử có vai trò lớn trong giáo dục lòng yêu nước, là những môn học bắt buộc. Tuy nhiên, thành công của nhiều học sinh khi ra đời có thể ở các môn học khác chứ không chỉ là môn học bắt buộc. Nhà trường cần chú trọng dạy và học các môn, không coi trọng môn này, nhẹ môn kia.
Thứ ba, tuyển sinh đại học từ năm 2025 phải thay đổi so với hiện nay. Một mặt, tăng cường thi đánh giá năng lực, mặt khác xây dựng các tổ hợp mới có các môn như Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; hoặc tuyển sinh theo học bạ cần đánh giá toàn diện, ít nhất là kết quả của 4 hoặc 5 học kỳ THPT. Các tổ hợp môn có Ngoại ngữ hay Lịch sử cần tăng chỉ tiêu, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…
Thứ tư, đổi mới giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn học, quan điểm về học. Học không phải để đối phó thầy, cô hay thi (thi gì học nấy), mà học để phát triển phẩm chất năng lực, làm người, cạnh tranh việc làm với trí tuệ nhân tạo.
Môn Ngoại ngữ có vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế, để nước ta tham gia hiệu quả hơn chuỗi giá trị toàn cầu, nên chú trọng phát triển cho học sinh cả bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, theo chuẩn kỹ năng sáu bậc của Việt Nam. Chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn của Việt Nam cũng cần được ưu tiên trong tuyển sinh đại học như chứng chỉ quốc tế, để việc dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông có thể cạnh tranh với các trung tâm dạy chứng chỉ quốc tế. Đổi mới mạnh mẽ dạy và học môn Lịch sử, không chủ quan là môn học bắt buộc nên dạy thế nào học sinh cũng học.