Bụng đói đi học
May mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống hát tuồng ở Đông Anh, Hà Nội, NSND Hồng Khiêm đến với tuồng qua những câu hát bội của ông, của bố. Ngày còn nhỏ, cứ tối đến cô bé Khiêm lại cố gắng học bài thật nhanh để đi xem tuồng. Mỗi lúc phụ mẹ việc đồng áng hay chuẩn bị cơm nước, cô thường “nghêu ngao” từng câu tuồng đã học lỏm được từ các cụ. Thấy cháu gái có tình yêu lớn với tuồng, ông nội đã động viên và hứa sẽ cho Khiêm tham gia nếu nhà nước có đợt thi tuyển.
Đam mê được nuôi dưỡng từ những điều giản dị ấy đã giúp cô nhanh chóng vượt qua những vòng tuyển khắt khe. Nhận giấy báo trong tay, mừng đến nỗi cô quên cả lịch chung tuyển tại nhà hát. Cô gái tuổi đôi mươi ngày đó “tiu nghỉu” khi đã tưởng mình phải gác lại giấc mơ đứng trên sân khấu. Thế nhưng bằng chính tài năng và trái tim khao khát được hát tuồng, Hồng Khiêm đã thuyết phục NSND Ngọc Phương (nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng T.Ư) khi ông trao cho cô tấm vé “dự bị” vào lớp diễn viên tuồng khóa 1979 - 1983.
Khi ấy, nhà có bao nhiêu thóc gạo và tem phiếu của bố đi công tác đều dành cho Khiêm đi học hết. Dù đã cố gắng chi tiêu tiết kiệm lắm nhưng nhiều lúc cô vẫn phải nhịn đói lên lớp tập. Càng vất vả lại càng cố gắng. Hồng Khiêm âm thầm theo dõi cô giáo và các bạn tập trên lớp, tối về lại một mình trên sân thượng tự tập lại. NSND Bạch Trà, người trực tiếp chỉ dạy cho Khiêm rất bất ngờ khi cô học trò bình thường lầm lũi, ít nói lại có thể diễn say đến như thế.
Trong suốt khóa học, khi thấy mẹ và các em vất vả, nhà lại khó khăn nên đã đôi lần Hồng Khiêm quyết định thôi học để về quê đỡ đần gia đình. Biết cô học trò nhà nghèo, ăn không đủ no mà ngày nào cũng miệt mài tập nặng như thế, các thầy, cô giáo đã khéo tìm cách giúp đỡ cô. Để rồi nhờ thầy, cô yêu quý và truyền dạy kỹ lưỡng, ngay từ khi đang học, Hồng Khiêm đã diễn rất tốt những vai khó như Đào Tam Xuân, An Tư công chúa, Mộc Quế Anh…
Ra trường, những tưởng khó khăn đã qua đi nhưng nghiệp tuồng lại tiếp tục thử thách khi cô được phân công vào đoàn 1 của Nhà hát Tuồng T.Ư. Đã có lúc đi diễn, mất hàng giờ để hóa trang nhưng cô lại bị hủy vai không được lên sân khấu. Hay suốt hơn hai tháng trời, Hồng Khiêm chỉ được giao nhiệm vụ cơm nước cho đoàn mà không được diễn vở nào, kể cả trích đoạn ngắn, đến nỗi anh chị em trong đoàn nhìn thấy mà xót xa. Ấy vậy mà cô diễn viên trẻ Hồng Khiêm không vì thế mà nản chí, đoàn giao nhiệm vụ gì cô cũng hoàn thành tốt.
Nghỉ hưu còn nâng cánh tuồng làng
Sống trong khu tập thể Nhà hát Tuồng T.Ư, mỗi lần nghe tiếng nhạc, tiếng trống của các bạn sinh viên tập là lòng cô lại rạo rực, rồi vu vơ ngân lên vài câu hát như để được sống lại thời đi học còn nhiều khó khăn. Bây giờ, nhìn mỗi đêm diễn vắng bóng khán giả, khách du lịch nước ngoài còn quan tâm đến tuồng hơn cô lại ngậm ngùi tiếc cho bộ môn nghệ thuật truyền thống đã từng rất được yêu thích.
NSND Hồng Khiêm nhớ lại cuối những năm 80, khi cô cùng đoàn đi diễn ở các tỉnh, người dân đến xếp ghế, xếp gạch “xí chỗ” từ ba giờ chiều, đến tối thì đã chật kín khán giả. Khi diễn xong, người thì lên thưởng tiền, người cho khoai, cho gạo. Cảm giác thật ấm cúng và hạnh phúc.
Đến nay, ngay cả khi về hưu, cô chỉ coi đó là hình thức, còn sống với đam mê mới là việc cả đời. Cô bảo, trong tay mình có nghề mà không giúp người khác, đấy là mình có lỗi. Vì thế, cứ dăm ba buổi một tuần, cô vẫn thường đi dạy cho các bạn học sinh, diễn viên không chuyên ở Đông Anh và Bắc Ninh. Nhiều khi, những tấm huy chương, bằng khen treo ở nhà không khiến cô tự hào bằng việc nhìn thấy học trò của mình cháy hết mình dù chỉ đứng trên sân khấu làng.
Cô tâm sự, hiện nay không chỉ nhà hát tuồng mà nhà hát chèo, cải lương cũng rất khó để tuyển diễn viên. Nhiều khi hội đồng mất cả tháng trời không tuyển được bạn sinh viên nào. Phần vì đây đều là những bộ môn nghệ thuật có độ khó cao, phần vì các bạn trẻ ngày nay đã không còn dành nhiều sự quan tâm cho nó. Cho nên, cô muốn đi thật nhiều nơi để “gieo cấy” những hạt giống. Nếu vừa độ tuổi cô sẽ giới thiệu để các bạn được thi tuyển, không thì cô cũng phát động và cố gắng duy trì phong trào tại địa phương.
Trong góc nhỏ của quán cà-phê, NSND Hồng Khiêm không ngần ngại hát tặng tôi một trích đoạn ngắn trong vở “An Tư công chúa”. “Một diễn viên sân khấu phải hội tụ đầy đủ thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần thì mới làm nên sự nghiệp. Nếu như đã có đủ những yếu tố đó thì các diễn viên trẻ vẫn cần phải lắng nghe những góp ý của thầy, cô giáo, các bậc tiền bối đi trước, khai thác triệt để nhân vật. Nắm chắc nghề nhưng cũng phải trăn trở về nghề. Nghề không bao giờ phụ ai, vấn đề nằm ở việc chúng ta có chuyên tâm, có dành lửa cho nghề hay không mà thôi”, NSND Hồng Khiêm nhắn nhủ.