Nghịch lý chỗ đông chỗ vắng
Trong bảy điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) vinh danh, có hai bảo tàng tại Hà Nội được nhận là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Danh hiệu này được công nhận không chỉ từ cơ quan quản lý nhà nước, mà từ đánh giá của nhiều trang web bình chọn du lịch nổi tiếng quốc tế và du khách. Trong khi đó, nhiều bảo tàng khác vẫn đang loay hoay tìm cách thu hút khách.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, dù đang sở hữu những tác phẩm mỹ thuật vô giá của Việt Nam, nhưng mỗi năm nơi này chỉ đón được hơn 50 nghìn lượt khách, năm 2016 là 54 nghìn lượt. 85% đến bảo tàng là khách quốc tế, khách Việt Nam ít quan tâm đến nơi này. Dù chỉ cách một con đường Nguyễn Thái Học, nhưng việc liên kết để thu hút du khách từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám sang bảo tàng vẫn là bài toán khó.
Hầu hết các vấn đề của bảo tàng hay gặp phải chính là quy trình tham quan có phù hợp với lịch trình, hiện vật trưng bày có sống động, yếu tố thuyết minh, thẩm mỹ có hấp dẫn hay không. Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, trước đây khách hàng của họ rất thích được đến Bảo tàng Mỹ thuật. Tuy nhiên, gần mười năm trở lại đây, lựa chọn chủ yếu của du khách đã chuyển sang Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ… Những địa chỉ này dù thuộc thế hệ “sinh sau đẻ muộn hơn” nhưng lại hấp dẫn hơn bởi cách thức tiếp cận phù hợp với nhiều đối tượng du khách, thông tin và cách trình bày có thể chuyển tải được nhiều nhất các giá trị cốt lõi đến du khách.
Nhiều bảo tàng hiện nay vừa yếu khâu trưng bày, vừa thiếu khâu quảng bá, dẫn đến tình trạng bị động ngồi chờ khách. Lượng thông tin đăng tải trên website chưa sinh động, ít quảng bá với du khách, không có hoặc không tương tác với du khách trên các trang mạng xã hội… Thiếu thông tin cũng là điều khiến các công ty du lịch không mấy mặn mà với nhiều bảo tàng. Trong khi đó, một trong những yếu tố thành công của Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ chính là việc chủ động quảng bá, cung cấp thông tin xúc tích, lôi cuốn gửi trực tiếp đến công ty du lịch để họ chủ động lịch trình, khi đưa khách đến thăm sẽ có lời giới thiệu ban đầu tạo ấn tượng với du khách.
Thay đổi mới mong cứu vãn!
Thay đổi cách tiếp cận với công chúng đang là yêu cầu đặt ra với nhiều bảo tàng bởi nơi này không chỉ nên trưng bày và lưu giữ những di sản văn hóa, mà cần phải là địa điểm trải nghiệm, giao lưu và tổ chức sự kiện. Bên cạnh việc dàn dựng các tích truyện, không gian sáng tạo cho cảm xúc và trải nghiệm, áp dụng công nghệ 3D, chú trọng ánh sáng, âm thanh trong thiết kế trưng bày, cần có nhiều cách để đưa bảo tàng vào cuộc sống hấp dẫn và sinh động hơn.
Tại nhiều bảo tàng hiện nay, bên cạnh không gian trưng bày, nhiều hoạt động tương tác như mời nghệ nhân, nghệ sĩ thao tác và sáng tạo, cho du khách trải nghiệm sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Hanoi Redtours cho rằng, bảo tàng cần có điểm nhấn thu hút khách hàng. Trong đó, có thể kết hợp các yếu tố giáo dục, truyền thông và sáng tạo. Như việc tổ chức các chương trình đào tạo, du lịch học đường, giờ học ngoại khóa hay trải nghiệm cho học sinh, sinh viên tại bảo tàng cũng là cách để quảng bá thêm với du khách, đặc biệt là dòng khách nội địa.
Bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại, nắm được tâm lý của du khách cũng như tổ chức các sự kiện và các hoạt động làm cho bảo tàng trở thành một phần của đời sống văn hóa đô thị vừa là yêu cầu, vừa là thách thức không nhỏ của các bảo tàng hiện nay. Một trong những giải pháp chính là việc chú trọng vào công nghệ. Chỉ cần một cú click chuột, du khách có thể đứng ở một chỗ của bảo tàng nhưng sẽ mường tượng được toàn bộ không gian trưng bày, tìm kiếm vào phần thông tin mình quan tâm nhất. Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Chánh văn phòng Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam đề xuất, nên đầu tư vào công nghệ để du khách đến từ nhiều quốc gia đều có thể tiếp cận thông tin thông qua việc thu âm nhiều ngôn ngữ, sử dụng các ứng dụng di động thông minh, chia sẻ đường links để dịch thuật ngôn ngữ.