Kiều hối chảy về tăng mạnh

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, song lượng kiều hối chảy về tăng mạnh, Việt Nam tiếp tục thuộc tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Lượng kiều hối tăng đột biến trong đại dịch đã góp phần giúp Việt Nam giữ đồng tiền ổn định một cách đáng kể.

Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Ảnh: NAM ANH
Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Ảnh: NAM ANH

Năm 2020, hơn 17 tỷ USD kiều hối đã được chuyển về Việt Nam. Con số này vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu tháng 5-2021. Theo báo cáo của WB, năm 2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Xét theo quy mô tương đối với nền kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam tương đương 5% GDP, cũng nằm trong top 10 thế giới. Nếu không tính Trung Quốc, thì lượng kiều hối về tại các nước thu nhập thấp và trung bình còn lớn hơn tổng mức đầu tư ngoài nước và nguồn viện trợ chính thức gộp lại. Tính riêng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Philippines. 

Theo báo cáo của WB, trong cả hai năm 2019 và 2020, tuyến chuyển tiền từ Thái-lan về Việt Nam là một trong 5 tuyến kiều hối đắt đỏ nhất thế giới. Tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 16 và 16,7 tỷ USD.

WB lý giải, nguyên nhân phục hồi của kiều hối trong đại dịch là người di cư cắt giảm tiêu dùng hoặc tiết kiệm để gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Ngoài ra, còn một số yếu tố ảnh hưởng khác như chính sách kích thích tài chính ở các nước sở tại, tỷ giá hối đoái và sự dịch chuyển dòng chảy từ các kênh không chính thức sang kênh chính thức do sự hạn chế di chuyển giữa các quốc gia. Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những thị trường kiều hối chính của Việt Nam là Mỹ, Australia, Canada. Bên cạnh đó, kiều hối còn đến từ các thị trường xuất khẩu lao động có nhiều lao động Việt Nam như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc...

WB ước tính, năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6%, lên mức 470 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa chắc chắn, vì còn phụ thuộc vào tác động của Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Hiện, tỷ giá VND/USD ở mức 23.058 đồng/USD. VND đã tăng khoảng 0,3% trong năm ngoái và là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực.

Thực tế, trong bốn tháng đầu năm nay, kiều hối chảy về TP Hồ Chí Minh ước đạt hai tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bốn tháng đầu năm 2020 đã đạt 1,8 tỷ USD, giảm 2% so cùng kỳ năm 2019. Việt Nam kỳ vọng lượng kiều hối tăng sẽ giúp giữ ổn định tiền tệ, cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, lượng kiều hối về thành phố dự báo đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong năm nay, sau khi tăng 15% lên mức kỷ lục 6,1 tỷ USD vào năm 2020. TP Hồ Chí Minh đã nhận được khoảng 50% tổng lượng kiều hối của cả nước những năm gần đây. Nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Lượng kiều hối tăng đột biến trong đại dịch đã góp phần giúp Việt Nam giữ đồng tiền ổn định một cách đáng kể. Ngoài kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu tăng trong năm nay cũng sẽ giúp Việt Nam bảo đảm nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách điều hành trong việc giúp các DN ứng phó tác động của đại dịch Covid-19. 

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lạc quan và kỳ vọng nguồn kiều hối về Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục tăng. Bởi nhiều kiều bào định cư ở nước ngoài nhưng thường tích lũy hằng năm và chuyển tiền về nước, nhờ người thân mua nhà, mua đất nền vì tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam luôn được đánh giá cao. Mức tăng trưởng về giá khá hấp dẫn trong nhiều năm qua nên thu hút được nhiều người quan tâm. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối năm 2020 đến nay cũng tăng mạnh nên nhiều người Việt trẻ cũng gia tăng đầu tư. Hiện nay, kênh đầu tư chứng khoán ở Việt Nam thông qua giao dịch trực tuyến, hay đặt lệnh qua Zalo, Viber đều dễ dàng. Vì vậy những người đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài vẫn đầu tư như ở ngay Việt Nam. Vì vậy, kiều hối sẽ tăng mạnh trong năm nay.

Ông Vũ Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, dù năm 2020 có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam qua DN này chỉ giảm nhẹ so năm 2019. Kiều hối từ xuất khẩu lao động vẫn có xu hướng tăng 5 - 10% nếu không có dịch như các năm trước đây. Xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nếu người Việt có thể nhập cảnh để lao động ở nước ngoài và DN các nước hoạt động ổn định.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa nhận định, các kênh đầu tư trên thị trường thế giới như vàng, trái phiếu cũng như hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh có xu hướng giảm và bấp bênh hơn. Trong khi tại Việt Nam, chứng khoán, bất động sản đang hết sức sôi động. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng thận trọng, với tình hình dịch Covid-19, nhiều kiều bào muốn đầu tư số tiền lớn về Việt Nam cũng sẽ dè chừng hơn. Thêm vào đó, tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Mỹ là thị trường kiều hối lớn của Việt Nam.