Kiểm soát mối tương tác mạng xã hội - thế hệ trẻ

Giải pháp nào cho những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống và hành vi của giới trẻ hiện nay? Đó là câu hỏi cần mỗi cá nhân, người dùng mạng xã hội, các cấp, các ngành liên quan quan tâm và có thiết chế quản lý, kiểm soát, giáo dục, định hướng phù hợp trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Ảnh: NAM ANH
Nhiều người trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Ảnh: NAM ANH

1/Sự xuất hiện của các hệ thống mạng xã hội (social network) như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok, Twitter… đã tạo ra một xu thế mới trong xã hội. Ứng dụng mạng xã hội tràn ngập đã hấp dẫn, thu hút nhiều người, tạo nên cộng đồng mạng lớn mạnh, đa dạng: Từ người trẻ đến người già; từ học sinh, sinh viên đến người đi làm; từ nông thôn tới thành thị... Người ta “chơi nó/sử dụng” nó nhằm thỏa mãn nhiều mục đích khác nhau như: giải trí, tiếp nhận - chia sẻ thông tin, giao lưu - kết nối, thể hiện bản thân, hợp thời, tò mò khám phá… Mỗi ứng dụng mạng xã hội lại có những cách thức hoạt động và tiêu chí khác nhau nhằm thu hút người chơi/sử dụng nó.

Mặc dù, mạng xã hội mang lại nhiều điểm tích cực, tuy nhiên, nó cũng có nhiều ảnh hưởng và tác động tiêu cực/hạn chế đến tư tưởng, lối sống, hành vi của giới trẻ. Vì vậy, cần tìm hiểu, nhìn nhận và đánh giá, lý giải các nguyên nhân, đưa ra các cảnh báo, kiến nghị, giải pháp kịp thời nhằm hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội đến giới trẻ.

2/Thời gian qua, rất nhiều vụ việc liên quan đến mạng xã hội đã được cơ quan cảnh sát điều tra xử lý nghiêm túc như: đưa thông tin sai sự thật, hội nhóm cổ xúy phong trào tự tử, khiêu khích chiến tranh, cổ xúy bạo lực, lợi dụng quyền tự do dân chủ.... Nhiều facebooker đã thu hút người xem, bằng các hình thức câu like (thích), thu hút comment (bình luận), chia sẻ (share)… với nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội khi cung cấp các thông tin sai sự thật về số người nhiễm, số người chết, dựng hiện trường dịch bệnh giả mạo… Nhiều vụ án mạng xảy ra với các vấn đề “cướp, giết, hiếp” là chủ đề gây “sốc” dễ lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, được tường thuật trực tiếp tạo hiệu ứng xã hội không tích cực, khiến bộ phận công chúng trẻ “học theo, làm theo”. Mạng xã hội và người sử dụng mạng xã hội trở thành “xu thế thời thượng” trong việc cung cấp thông tin thu hút người xem, thể hiện sức hút cá nhân, “quyền lực” nhóm diễn đàn mạng. Một số sự việc lan truyền trên mạng đã trở thành xu hướng được nhiều người quan tâm ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh - sinh viên. Trong đó, xu hướng quan hệ/yêu đồng giới, xu hướng tự tử, bạo lực học đường… đã trở thành các chủ đề “nóng” thu hút mạng xã hội. Điều này đã dẫn tới một hệ lụy vô cùng nguy hại khi một số người bất chấp để được nổi tiếng, thích được nhiều người quan tâm, biết đến khi tìm đến cái chết để gây sự chú ý của cộng đồng mạng. Họ tìm đến phương thức, thiết lập “trào lưu mới” là tước đoạt mạng sống của chính mình một cách vô vị và “lãng xẹt” nhằm thể hiện cái tôi cá nhân thức thời, phù hợp xu thế mới. Nhiều vụ án liên quan đến bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực xã hội khi người ta giải quyết các khúc mắc cá nhân bằng “nắm đấm”, “lưỡi dao” để tước đoạt đi mạng sống của người khác không chút do dự. “Xu hướng tự tử” đã hình thành trào lưu, tâm lý đám đông khi khắp các trang mạng Facebook, Zalo, TikTok... lan truyền clip ghi lại cảnh học sinh lớp 10 nhảy từ tầng cao một tòa chung cư, tự hủy hoại tính mạng trong tâm trạng bất ổn, bí bách. Thời gian sau đó, các vụ tự tử học đường liên tiếp xảy ra, gia tăng áp lực lên gia đình và xã hội, khiến cho bộ phận giới trẻ tìm đến việc tự tử như một hành động giải thoát bản thân để được nhiều người biết tới, nổi tiếng, phù hợp trào lưu, xu thế thời cuộc mới. Điều này đã tạo nên hệ lụy vô cùng tiêu cực, đáng báo động vì ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, tư tưởng, hành động, sinh mạng con người…

Còn rất nhiều các vấn đề bất cập khác nữa trên mạng xã hội đang/đã xảy ra từng giờ, từng ngày cần được xem xét nghiêm túc, kiểm soát và xử lý đúng mực và phù hợp.

3/Trong sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, giao lưu và hội nhập, báo chí truyền thông, v.v... đời sống xã hội, nhu cầu/thị hiếu giới trẻ nói riêng đang hằng ngày, hằng giờ chịu tác động hết sức sâu sắc. Gần như đang có hiện tượng thả lỏng, buông lỏng để cho các khuynh hướng thị hiếu tự do, tự phát hình thành, tác động không nhỏ tới các tầng lớp công chúng, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên.

Để vừa không can thiệp thô bạo vào sở thích, thị hiếu của cá nhân, nhóm cộng đồng mạng xã hội vừa điều tiết được các hoạt động tiếp nhận, chia sẻ thông tin, các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung sửa đổi, xây dựng và ban hành kịp thời hệ thống thiết chế và văn bản quản lý làm công cụ quản lý hữu hiệu. Các hệ thống văn bản thiết chế, quản lý này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kiểm soát, kiểm duyệt và chọn lọc thông tin, hướng dẫn công chúng (bộ phận giới trẻ) sử dụng các thông tin mạng xã hội một cách tỉnh táo, phù hợp. Đây cần được xem là một giải pháp quản lý quan trọng và tích cực để giải quyết và tháo gỡ vấn đề, đáp ứng yêu cầu phát triển mạng xã hội hiện nay.

4/Truyền thông, mạng xã hội đang phát triển trở thành một thứ “quyền lực mềm”, một sức mạnh đặc biệt trong trong hệ thống truyền thông và sự phát triển của xã hội. Tận dụng và phát huy quyền lực và sức mạnh đặc biệt này vào việc giáo dục công chúng có lẽ là giải pháp khá hữu hiệu hiện nay. Tuy nhiên, để hạn chế mặt trái của mạng xã hội trong vấn đề này, cần phải kiểm soát chặt chẽ từ nội dung, phương thức lưu hành thông tin từ các cá nhân và hội nhóm cần có sự lựa chọn, sàng lọc, thông tin có giá trị tích cực, lành mạnh. Thực tế cho thấy, đây là con đường chia sẻ thông tin nhanh nhất, ảnh hưởng đến giới trẻ. Nhưng cũng từ thực tế cho thấy, sự hỗn loạn, sự thiếu kiểm soát các thông tin mạng xã hội không có độ tin cậy lưu hành “tự do, và rộng rãi” gây nên rất nhiều hệ lụy xấu. Đó là một thực trạng cần được quản lý cấp bách.

5/Người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao nhận thức, thông tin, pháp luật; không chia sẻ, cung cấp các thông tin giả mạo sai sự thật, vu khống xúc phạm uy tín của các cá nhân, tổ chức, cơ quan của Nhà nước; cần tỉnh táo trước các thông tin sai trái, xuyên tạc, thù địch từ các thế lực phản động, gây ảnh hưởng tới lối sống, đạo đức, an toàn và an ninh quốc gia. Mỗi cá nhân cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân với các suy nghĩ, hành động khi sử dụng mạng xã hội, đồng thời có điều chỉnh cân bằng về mặt tâm lý, bản lĩnh để không sa ngã trước sự lôi kéo của các diễn đàn mạng xã hội không chính thống; không dễ dàng sa đà vào các hoạt động phi pháp, ảnh hưởng tới bản thân, gia đình và đất nước. Cần tỉnh táo trước lời kêu gọi, lợi dụng niềm tin từ các tổ chức phản động nước ngoài nhân danh nhân quyền, dân chủ để lôi kéo người trẻ tham gia các hoạt động ảnh hưởng tới an toàn và an ninh quốc gia.

Có thể nói, ở Việt Nam, mạng xã hội xuất hiện đã có tác động không nhỏ tới quan niệm, giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là ảnh hưởng tới nhận thức, lối sống, hành động của giới trẻ. Mạng xã hội đã tạo ra một thế giới mới - thế giới ảo bên cạnh thế giới thực và có tương tác rất lớn đến cộng đồng xã hội. Thực tiễn cho thấy, mạng xã hội đã có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành lối sống và nhân cách của giới trẻ, tuy nhiên, về mặt hạn chế nó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến số đông giới trẻ. Trong đó vấn đề nhận thức, suy nghĩ, hành vi của giới trẻ cần được điều chỉnh phù hợp. Điều này vô cùng quan trọng nhằm làm trong sạch, lành mạnh hóa không gian mạng xã hội, đồng thời định hướng và hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, tỉnh táo trong xu thế mới của thời đại.