Không có chữ, không nhìn thấy đường

Tôi nhớ mãi một ngày cách đây gần 50 năm, sau khi chiến tranh đã kết thúc và đất nước được thống nhất, những cụ già làng tôi đã mời tất cả những người làng đang làm việc, học tập và sinh sống ở xa về.
0:00 / 0:00
0:00
Tục xin-cho chữ đầu Xuân, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ảnh: MỸ HÀ
Tục xin-cho chữ đầu Xuân, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ảnh: MỸ HÀ

Tại đình làng, các cụ nói: “Chúng tôi muốn các anh chị chung sức dựng lại cái cổng của làng ta! Nhưng không phải dựng một cái cổng bằng gạch, bằng vôi mà là dựng lại những chữ trên cái cổng làng đó”.

Làng tôi có một cái cổng tam quan cổ kính dựng lên từ mấy trăm năm trước đã bị bom Pháp đánh sập. Những chữ trên cổng làng là chữ gì mà những người già của làng muốn các thế hệ sau dựng lại. Đấy là bốn chữ “Vọng tự nhập xuất” (tạm dịch là “Nhìn chữ để biết việc ra vào”). Chữ ở đây chính là văn hóa. Chỉ có văn hóa mới làm cho con người biết ứng xử với thế gian này.

Hồi còn rất nhỏ, tôi đã đọc thuộc lòng một câu mà người làng tôi viết lên tường ngôi đình cổ “Không có ăn không thể bước đi. Không có chữ không nhìn thấy đường”. Thuộc lòng câu nói đó nhưng tôi chưa hiểu. Chỉ sau này lớn lên tôi mới hiểu câu nói của người xưa để lại. Đấy chính là tinh thần tối thượng và quyền lực của văn hóa.

Năm 1946, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Trong lịch sử nhân loại, nhiều dân tộc đã đánh mất lãnh thổ địa lý bởi các đội quân xâm lược nước ngoài, nhưng họ đã không đánh mất lãnh thổ văn hóa. Chính vì thế, các dân tộc đó đã lấy lại được lãnh thổ địa lý của mình và giữ được dân tộc trong tinh thần văn hóa của họ.

Việt Nam là một thí dụ điển hình. Việt Nam đã nằm dưới sự đô hộ của phong kiến phương bắc trong một nghìn năm, dưới sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới hơn 100 năm nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bị mất đi. Nguyên nhân duy nhất là lãnh thổ văn hóa không bao giờ mất đi trong mỗi con người Việt Nam.

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, văn hóa đã được nâng cao và được xác lập như một vấn đề hệ trọng đối với sự tồn vong và phát triển của đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn mới, trong một kỷ nguyên mới, có thể tính từ 2025 trở về sau.

Hiện thực xã hội Việt Nam đang đặt ra những thách thức lớn cho những người quản lý đất nước và mang tính cảnh báo về những nguy cơ đe dọa tới sự phát triển đất nước.

Đó là những vấn đề rất đáng lo ngại đối với việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những vẻ đẹp văn hóa, bảo vệ những giá trị người, ý thức về lịch sử dân tộc và khả năng nhận biết và lý giải những thay đổi mang tính sống còn của dân tộc. Tất cả những nguy cơ đó chỉ được hóa giải và cải thiện khi trữ lượng văn hóa được “đời sống hóa” trong cả một cộng đồng lớn.

Nếu chúng ta nhìn sâu vào đời sống Việt Nam ở mọi bình diện, chúng ta thấy đang có những lỗ hổng không nhỏ. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng cho thấy một vấn đề vô cùng hệ trọng là ý thức sống cho những điều lớn lao và lòng tự trọng của một con người trước cộng đồng, đã và đang bị phá vỡ.

Việc một cán bộ có chức quyền sẵn sàng nhận hối lộ rất nhiều tiền không còn nằm trong phạm vi vật chất nữa mà nằm trong phạm vi “ý thức sống và lòng tự trọng”. Khi con người đánh mất “ý thức sống và lòng tự trọng”, họ sẽ đánh mất mọi khả năng hướng thiện. Luật pháp không làm họ sợ hãi, danh dự không làm họ phải dày vò, sự thiếu công bằng không làm họ phải suy nghĩ.

Cách đây mươi năm, tôi nhìn thấy trên ti-vi một cán bộ bị kết án vì tham nhũng. Sau khi nghe tuyên án, ông ta đã quay về phía ống kính và cười. Một cái cười còn tệ hại hơn số tiền ông ta chiếm đoạt của Nhà nước! Liêm sỉ chỉ mất khi trong con người đó, văn hóa không còn tồn tại.

Thế giới đã thay đổi một cách cơ bản và sâu sắc, bởi thế tinh thần “chấn hưng văn hóa” bao hàm cả việc mở rộng chiều kích của văn hóa. Những vẻ đẹp của đời sống văn hóa của những năm 40 của thế kỷ trước vẫn đẹp truyền thống nhưng đã hòa đồng vào những vẻ đẹp của văn hóa trong đời sống những thập niên đầu của thế kỷ 21 trong khi đã nạp vào nó những tinh thần và tư tưởng của một kỷ nguyên mới.

Chấn hưng văn hóa không phải chỉ trong một không gian riêng biệt, giữa một nhóm người có tri thức cao của xã hội mà là làm cho văn hóa hòa chảy trong mọi không gian đời sống, trong mọi vùng dân trí khác nhau. Những vẻ đẹp của văn hóa luôn chuyển động qua thời gian, qua những biến cố lịch sử để vừa khẳng định giá trị truyền thống, vừa mở ra đón nhận những giá trị thời đại.

Hệ giá trị của một dân tộc chính là hệ văn hóa. Đó là sự tôn trọng lịch sử, tôn trọng nguồn cội, tình yêu thương con người, là sự chia sẻ, là khát vọng sống, ý thức sống và hành động sống. Đó cũng là những khía cạnh nhân văn của an ninh con người từ trong bản thể.

Ngay trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thì văn hóa là một yếu tố và là một vũ khí vô cùng quan trọng, là thành trì đầu tiên cũng là thành trì bền vững nhất. Khi một con người hay một dân tộc có văn hóa thì cá nhân con người đó, dân tộc đó đã xác lập được lẽ sống, đạo sống, và tương lai mà họ sẽ đi tới.

Luật pháp có tính răn đe trước khi con người thực hiện những hành động vì lợi ích cá nhân. Còn văn hóa đánh thức lương tâm của một con người, khiến họ phải suy xét về mỗi hành động trước một người khác, trước cả một dân tộc khi họ nhận thấy hành động đó có thể làm tổn hại đến thanh danh cá nhân họ, gia đình họ, xâm phạm đến lợi ích cộng đồng, cao hơn là đất nước.

Bởi thế, khi một con người có một trữ lượng văn hóa, hay sống trong một cộng đồng mà văn hóa chính là lẽ sống của họ, thì họ sẽ suy nghĩ và điều hành các hành động theo chuẩn mực ấy. Khi văn hóa trở thành lẽ sống thì luật pháp sẽ trở thành công cụ thứ yếu trong việc xác lập lẽ phải, mục đích sống và khát vọng sống.

Luật pháp có thể tạo ra những hàng rào hiệu quả ngăn chặn các hành vi phạm tội, phi nhân tính, nhưng văn hóa tạo ra lương tâm và ý thức trước mọi hành động của con người mà không luật pháp nào có thể thay thế.

Trong vài thập niên trở lại đây, thói ích kỷ, tham lam, vô trách nhiệm như một bệnh dịch đang lan tràn trong đời sống xã hội Việt Nam. Hệ thống chính trị và luật pháp của Việt Nam mỗi ngày càng được củng cố chắc chắn với tính khoa học và phù hợp với sự phát triển của đất nước, xu thế của thế giới.

Đảng đã tiến hành cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí một cách quyết liệt, có hiệu quả và cuộc đấu tranh đó cũng hé lộ những vấn đề quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật nghiêm minh và văn minh để giám sát, kiểm soát và xử lý những hành vi đi ngược lại với đạo đức và lợi ích của đất nước.

Ở đây, những vấn đề của an ninh truyền thống và phi truyền thống đã bộc lộ, đan xen, chi phối tác động lẫn nhau, đòi hỏi không chỉ pháp luật phải điều chỉnh cập nhật, thay đổi mà cả những con người thực thi pháp luật, cơ chế vận hành, tư duy và nhận thức cũng phải thay đổi. Nhưng cho dù luật pháp có ưu việt đến đâu, song nếu trong mỗi con người, đặc biệt trong hệ thống chính trị, không chứa đựng những đặc điểm quan trọng nhất của bản chất một nền văn hóa, hay nói cụ thể là bản chất của một con người, của một dân tộc, thì hành lang luật pháp cũng sẽ bị phá vỡ.

Vì sao có thực tế luật pháp Việt Nam mỗi ngày được hoàn thiện, nhưng số lượng người phạm tội-đặc biệt số cán bộ có vị trí trong hệ thống chính trị vi phạm luật pháp-lại không thuyên giảm? Nguyên nhân chính, không phải do các quy định, các nguyên tắc trong sinh hoạt chính trị hay do cán bộ đó không thấu hiểu các quy định, các nguyên tắc đó, mà là do văn hóa chưa/không trở thành năng lượng sống trong mỗi cá nhân.

Lịch sử dân tộc đang có nguy cơ bị lãng quên từng giai đoạn, từng bộ phận. Thậm chí việc bóp méo lịch sử đã xuất hiện. Điều này cảnh báo một nguy cơ trước mắt rằng, con người, đặc biệt ở một bộ phận thế hệ trẻ, sẽ có thể lãng quên lịch sử của dân tộc mình.

Đó là một cảnh báo không chỉ ở Việt Nam. Các mô hình về giáo dục, về kinh tế, về công nghệ tiên tiến nhất của thế giới có thể trở thành những mô hình phổ cập nhằm chống lại sự tụt hậu. Nhưng một nền văn hóa ngoại lai khi đã trở thành sự phổ cập trong đời sống, lấn át hoặc thay thế những giá trị văn hóa Việt thì cũng là lúc báo hiệu nguy cơ mất nước trong sâu thẳm ý thức con người.

Kỷ nguyên mới của dân tộc mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập là kỷ nguyên mà nền tảng quan trọng nhất là lẽ sống, đạo sống và ý thức về sự tồn vong và phát triển của dân tộc Việt Nam. Văn hóa là một đại lộ mà chính trị, kinh tế, giáo dục… là những cỗ xe đi trên đó. Chỉ khi một dân tộc biết tôn trọng những giá trị của nhân phẩm thì dân tộc đó mới có khả năng trở thành một dân tộc đáng sống và được tôn trọng.