1/ Sự ra đời quốc gia Đại Cồ Việt, mở đầu là triều Đinh từ năm 968, tiếp theo là triều Tiền Lê (980 - 1009), định đô tại Hoa Lư (Ninh Bình). Quốc hiệu Đại Cồ Việt tiếp tục được duy trì trong hai triều vua đầu của triều Lý là Lý Thái Tổ (1009 - 1028) và Lý Thái Tông (1029-1054), định đô ở Thăng Long (Hà Nội). Đó là những bước đầu tiên thiết lập mô hình nhà nước trung ương tập quyền độc lập tự chủ trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và cho định đô ở Hoa Lư năm Mậu Thìn (968) được Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: “Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế”1.
Sau triều Tiền Lý của Lý Nam Đế (544 - 602), các thủ lĩnh của dân tộc, từ Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ đến Dương Đình Nghệ mặc dù đã thật sự làm chủ đất nước nhưng đều chỉ tự xưng là Tiết độ sứ, là một chức quan có từ đời Đường, đứng đầu một đạo. Cho đến khi đánh bại quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền cũng chỉ xưng Vương. Việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng Đế và đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt - nước Việt to lớn - là một hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền và lòng tự tôn dân tộc, thể hiện sự tự tin của người đứng đầu đất nước ở sức mạnh dân tộc Việt đã trở thành hùng mạnh, lớn lao.
Hai năm sau khi lên ngôi (năm 970), Đinh Tiên Hoàng không dùng niên hiệu của triều đình Trung Hoa, đặt niên hiệu mới cho vương triều của mình là Thái Bình. Một lần nữa ông khẳng định sự tự tin vào sức mạnh dân tộc và ước nguyện thái bình thịnh trị cho đất nước.
2/ Khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt, Đinh Tiên Hoàng bắt tay vào xây dựng một thiết chế nhà nước mới. Triều đình Hoa Lư được chia hai ban văn, võ. Dù nguồn sử liệu chép về thời kỳ này còn lại không nhiều nhưng chúng ta vẫn biết được năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho Nguyễn Bặc chức Định quốc công đứng đầu triều. Cũng năm 971, Đinh Tiên Hoàng ban hiệu Khuông Việt đại sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu - người đứng đầu hàng tăng sĩ, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi. Năm 974, Đinh Tiên Hoàng chia nước Đại Cồ Việt làm 10 đạo. Mỗi đạo hành chính cũng là một đạo quân sự. Đinh Tiên Hoàng quy định: “Mỗi đạo có 10 quân, mỗi quân có 10 lữ, mỗi lữ có 10 tốt, mỗi tốt có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người, đầu đội mũ bình đính vuông bốn góc”2. Quân đội tổ chức theo cách “động vi binh, tĩnh vi dân”, “khi có việc thì gọi ra, xong việc lại trở về làm ruộng”3. Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân đứng đầu quân đội. Đội quân thường trực bảo vệ triều đình khoảng 3.000 người do Ngoại giáp Đinh Điền và Vệ úy Phạm Hạp chỉ huy. Chính quyền địa phương thời Đinh gồm các cấp: đạo, phủ, châu, giáp và xã.
Nền pháp chế cũng bắt đầu được xây dựng. Đinh Tiên Hoàng đặt chức Đô hộ phủ sĩ sư coi việc hình án và giao cho Lưu Cơ giữ chức vụ này4.
Đinh Tiên Hoàng giao cho con trai trưởng là Đinh Liễn đảm nhiệm công việc bang giao. “Mùa xuân, tháng giêng năm Canh Ngọ (970), sai sứ sang giao hảo với nhà Tống”5, đặt mối quan hệ bang giao giữa hai quốc gia, hai vương triều. Dù nhà Tống đã mạnh lên và luôn có tham vọng bành trướng xuống phương nam, nhưng với chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo của Đinh Tiên Hoàng, trong thời Đinh, nhà Tống vẫn chưa thể động binh xâm lược.
3/ Sau sự biến Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị đầu độc vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979), triều đình Hoa Lư lâm vào tình trạng rối loạn. Nhà Tống đã lợi dụng cơ hội này. Cuối năm 980, hơn ba vạn quân Tống theo hai đường thủy bộ do Hầu Nhân Bảo và Lưu Trừng chỉ huy tiến sang xâm lược Đại Cồ Việt. Với ý chỉ bảo vệ độc lập dân tộc, với lực lượng đã được đoàn kết lại và sự lãnh đạo tài ba của Lê Hoàn, chỉ trong khoảng bốn tháng, hai cánh quân thủy bộ của nhà Tống đã bị đánh tan. Đây là cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt - không chỉ phát huy truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của các thế hệ trước mà còn khởi tạo nền tảng sức mạnh và ý chí để dân tộc Việt Nam tiếp tục đứng vững trong các cuộc chống xâm lược ở những thế kỷ sau, khẳng định ý chí độc lập dân tộc trường tồn.
4/ Năm 1009, vương triều Lý ra đời. Mùa thu năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long, mở đầu thời kỳ phát triển hưng thịnh mới của đất nước. Nhà Lý, nhà Trần và các triều đại sau với quốc hiệu Đại Việt (từ năm 1054) vẫn tiếp tục duy trì, phát huy những thành tựu trên nhiều mặt mà các vương triều Đinh, Tiền Lê và hai triều vua đầu nhà Lý đã từng bước tạo dựng. PGS, TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) đánh giá: “Có thể khẳng định: Nền văn minh Đại Việt/Đại Nam/Việt Nam phát triển rực rỡ qua các triều đại Lý, Trần - Hồ, Lê, Mạc, Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn đều được tạo dựng trên nền tảng của nhà nước Đại Cồ Việt”.
1. Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993, tập I, tr. 211.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr. 214.
3. Phan Huy Chú (1961) - Lịch triều hiến chương loại chí, Tập IV, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 4.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr. 212.
5. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, sđd, tr. 212.