Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Khơi mạch nguồn âm nhạc Tây Nguyên

Ấy là đường hướng mà những người con Tây Nguyên như nhà Tây Nguyên học Linh Nga Niê Kdam, nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr, nhạc sĩ Krajan Dick, nhạc sĩ Krajan Plin và nhà thiết kế K’Zona đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Văn hóa Tây Nguyên trong lễ hội truyền thống.
Văn hóa Tây Nguyên trong lễ hội truyền thống.

1/Trở về văn hóa nguồn cội là một hành trình khao khát thẩm nhận các giá trị văn hóa cội nguồn, khơi dậy vẻ đẹp nội sinh nhằm tìm ra con đường đi phù hợp cho nền văn hóa Tây Nguyên trong bối cảnh đương đại, nhằm góp phần đóng góp tích cực vào con đường phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.

“Tôi đang đi trên con đường ngày xưa ông cha đã qua, gom nhặt các giá trị văn hóa của cha ông trên con đường ấy, nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr tâm sự. Trên hành trình đó, Y Phôn K’Sơr nhận thấy, chính sự phong phú về sắc tộc, cùng địa bàn cư trú và hình thái kinh tế đã làm nên tính đa dạng của văn hóa Tây Nguyên.

Đơn cử cho sự nhiều màu, lắm sắc của văn hóa Tây Nguyên, thử nhìn qua trường hợp ngôn ngữ âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên sẽ rõ. Nếu cồng chiêng K’Ho, Mạ ở Lâm Đồng và cồng chiêng M’Nông ở Đắk Nông thiết lập thang 3 âm hoặc thang 6 âm cho mỗi bộ chiêng, thì cồng chiêng Ba Na ở Kon Tum và cồng chiêng Jrai ở Gia Lai lại thiết lập thang 4 âm, thang 5 âm, thang 8 âm và thang trên 8 âm. Sự khác biệt còn lộ rõ qua các quãng âm. Trong quãng 3 và quãng 5 của cồng chiêng K’Ho, Mạ, M’Nông không có sự rõ ràng giữa trưởng và thứ, nhưng ở quãng 8, quãng 5 và quãng 4 của cồng chiêng Ba Na, Jrai hoàn toàn đúng định âm âm nhạc ngũ cung phương Tây. Cách thức tấu chiêng: người M’Nông, Mạ, K’Ho... sử dụng nắm tay để tấu chiêng; người Jrai, Ba Na, Ê Đê, Chu Ru... tấu chiêng và cồng bằng dùi.

Một sự khác biệt cơ bản nữa: người Mạ, K’Ho ở Lâm Đồng và người M’Nông ở Đắk Nông chủ yếu tấu chiêng, rất ít khi tấu cồng, trong khi người Jrai, Ba Na ở Gia Lai, Kon Tum và người Ê Đê ở Đắk Lắk thường tấu cả cồng lẫn chiêng, kèm theo một số nhạc cụ tre nứa. “Thường thì chiêng Jrai, chiêng Ba Na tâm sự bằng giai điệu; còn chiêng Ê Đê, chiêng M’Nông, chiêng K’Ho... tâm sự bằng tiết tấu. Tùy theo từng sắc tộc, từng buôn, bon, plei... mà có sự sắp xếp, định biên cho dàn nhạc cồng chiêng khác nhau. Cả lối đánh, kỹ thuật đánh mỗi sắc tộc một khác, mỗi buôn, bon, plei... một khác. Thậm chí, làng này cách làng kia chỉ một cây số thôi là cách chơi chiêng đã khác nhau rồi”, nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr cho biết.

2/Tuy đa dạng, nhiều màu, lắm sắc là thế, nhưng âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên vẫn thống nhất đến lạ kỳ: cùng một điểm chung khao khát, một ý thức trách nhiệm trở về cội nguồn, cố kết cộng đồng trong ngữ hệ mẫu quyền. Từ đặc trưng này, Y Phôn K’Sơr đang ấp ủ tìm một hướng đi mới cho âm nhạc cồng chiêng nơi đây, khi kết hợp 3 cụm chiêng: chiêng K’Ho và chiêng M’Nông, chiêng Jrai và chiêng Ba Na, chiêng Ê Đê và chiêng Chăm H’Roi phát triển thành chromatic (âm giai nửa cung) để đánh những tác phẩm âm nhạc lớn của nước ngoài. “Ở giữa các phân đoạn, tôi dự định sử dụng một bài hát hoặc một câu nhạc dẫn nhằm tạo sắc thái mới cho âm nhạc cồng chiêng. Sau cùng, tôi sử dụng âm thanh cao vút của cồng chiêng Ê Đê làm cao trào, rồi kết thúc tổ khúc giao hưởng”, nhạc sĩ Y Phôn K’Sơr nói.

Cùng tâm cảm như Y Phôn K’Sơr, nhưng nhạc sĩ Krajan Dick lại yêu Tây Nguyên theo cách của riêng mình. Trên cơ sở vốn văn hóa K’Ho, ông biến chúng thành nguồn cảm hứng, thành tư liệu, thành bối cảnh và sáng tạo nên các sản phẩm du lịch từ văn hóa bản địa. Nhạc sĩ Krajan Dick đã thành lập các đội cồng chiêng ngay tại quê nhà - dưới chân núi mẹ Lang Biang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) - để góp phần quảng bá nét đặc sắc của âm nhạc cồng chiêng, kết hợp với văn hóa ẩm thực, cùng các tập tục bản địa K’Ho đến với du khách trong và ngoài nước. Ông còn là một nhà khảo cứu văn hóa, một nghệ nhân cồng chiêng, một nhạc sĩ với một số ca khúc được mến mộ.

3/Theo một cách trẻ trung và hiện đại, nhạc sĩ Krajan Plin cũng biến di sản văn hóa bản địa K’Ho thành tài sản phục vụ du lịch tại thị trấn Lạc Dương. Âm nhạc Tây Nguyên của Krajan Plin có những điểm mới, mới trong phương cách Krajan Plin sử dụng cồng chiêng vào hoạt động du lịch, khi biết mở rộng biên độ giao lưu với thế giới bên ngoài, biết ứng dụng tiện nghi công nghệ hiện đại vào đời sống biểu diễn. Tuy vậy, Tây Nguyên trong thẳm sâu con người nhạc sĩ Krajan Plin vẫn là một Tây Nguyên chân mộc, thô ráp, xa xăm. Chất điệu ấy, Krajan Plin thể hiện rõ trong các ca khúc: “Ka Bing ơi”, “Giữ ấm bếp hồng”...

Trong khi đó, nhà thiết kế K’Zona lại miệt mài cách tân thổ cẩm qua việc kết hợp vải thổ cẩm với những chất liệu khác, sáng tạo nên các mẫu trang phục mới, với một ngôn ngữ thời trang phương Tây. Trở về nguồn cội bằng những công trình khảo cứu, sưu tầm các điệu ru, những câu chuyện kể, bên cạnh việc giải nghĩa các bài chiêng, điệu chiêng, ấy là cách neo níu nguồn cội của nhà Tây Nguyên học Linh Nga Niê Kdam. Bằng sự hiểu biết và trách nhiệm của mình, bà đã góp công không nhỏ trong việc gìn giữ, rồi đưa các giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên trở về sống giữa cộng đồng.

Coi việc thay đổi là cơ hội tốt để bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu của cha ông, những người con của Tây Nguyên đang nỗ lực phát triển sinh kế của mình từ chính di sản văn hóa bản địa. Đó là một hướng đi cần được khuyến khích, vì “các di sản chỉ có giá trị khi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho cuộc sống đương đại”.